Hành trình người trẻ khám phá lịch sử

- Thứ Hai, 12/07/2021, 07:11 - Chia sẻ
Ngược dòng thời gian, đắm mình vào lịch sử, sử dụng kỹ thuật nét vẽ tranh khắc gỗ, với lời dẫn súc tích mang cách nhìn của người trẻ, Trần Tuyết Hàn đã tái hiện triều đại nhà Trần rực rỡ gần tám thế kỷ trước qua artbook “Hành trình Đông A”. Tác phẩm được NXB Kim Đồng phát hành cuối tháng 4 vừa qua và đã lọt vào chung khảo Giải thưởng Thiếu nhi Dế mèn lần thứ 2.
	Trần Tuyết Hàn cho biết sẽ tiếp tục sáng tạo với đề tài lịch sử
Trần Tuyết Hàn cho biết sẽ tiếp tục sáng tạo với đề tài lịch sử

“Hành trình Đông A”

Câu chuyện của “Hành trình Đông A” bắt đầu vào thời khắc giao thừa. Trong bầu không khí linh thiêng trước thềm năm mới, cô bé Đông A được ông nội gọi đến, trao cho sợi dây chuyền - một bảo vật trân quý của dòng dõi Đông A. Ngày cả gia đình đi khai ấn đền Trần (Nam Định), bảo vật ấy thức tỉnh, đồng hồ như lộn ngược, đưa hậu duệ đời thứ 40 của Trần tộc trở về thế kỷ XIII. Từ đó, cô khám phá lịch sử trong khoảng 175 năm, qua 13 đời Hoàng đế trị vì thời Trần - Đại Việt với những sự kiện lịch sử quan trọng, các nhân vật nổi tiếng...

Sự kiện đầu tiên Đông A bắt gặp là Lý Chiêu Hoàng tháo mũ bình thiên nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh - Trần Thái Tông. Tiếp đến là khung cảnh và giọng nói “Đầu thần chưa rơi xuống đất, bệ hạ đừng lo gì khác!” của Thái sư Trần Thủ Độ. Tuần tự, tiếng vó ngựa dồn dập, tiếng hò la vang dội mở ra các sự kiện như cuộc chiến chống Nguyên Mông, Hội nghị Diên Hồng năm 1284, rồi các trận đánh Đông Bộ Đầu, Bình Lệ Nguyên, Bạch Đằng... đến nay vẫn còn lưu trong sử sách.

Với “Hành trình Đông A”, câu chuyện về thời đại nhà Trần được phục hiện mang đậm hơi thở đương đại. Đó cũng là hành trình tác giả của nó, Trần Tuyết Hàn (sinh năm 1996), ngược dòng thời gian, nghiên cứu, đắm mình vào lịch sử. Nói về cơ duyên ra đời tác phẩm đầu tay, Trần Tuyết Hàn chia sẻ: “Ngày còn nhỏ, ba tôi mua bộ 3 cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư”, ban đầu tôi đọc vì... tiếc tiền do bộ sách có giá không rẻ, nhưng đọc rồi thấy hay, và bộ sách ấy bây giờ tôi vẫn đọc. Sau này, gia đình tôi mua một ngôi nhà cổ với nhiều họa tiết tinh tế và mê hoặc. Mỗi khi ngắm nhìn những cột kèo, xà nhà, tôi lại tự hỏi những họa tiết ấy đến từ đâu, có hàm nghĩa gì, làm sao người xưa khéo tay như vậy? Và tôi được truyền thêm kiến thức, tình yêu với lịch sử qua các cuộc nói chuyện của ba, bạn bè của ba - những người đam mê mỹ thuật cổ”.

Ngấm tình yêu với lịch sử và văn hóa Việt một cách tự nhiên như thế, khi đến làm đồ án tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Tuyết Hàn đã chọn đề tài mình thích - lịch sử đời Trần, "trải" những kiến thức đã tiếp nhận, đồng thời cũng là dịp cô tìm hiểu sâu hơn về lịch sử họ Trần của mình. Tuyết Hàn đã dành suốt một năm để tìm kiếm tư liệu từ nhiều nguồn như sách báo, phim ảnh, các công trình nghiên cứu về lịch sử, gốm sứ... Quá trình này không đơn giản, vì tư liệu tản mát, không được sắp xếp hệ thống, các câu chuyện lịch sử được ghi chép không đầy đủ, có sự vênh nhau, thậm chí có những điều không thể xác thực...

Cuối cùng, đồ án tốt nghiệp của Tuyết Hàn cũng hoàn thành và được thầy cô đánh giá cao. Nhưng không dừng lại ở đó, cô muốn phát triển thành một cuốn sách để chia sẻ hình ảnh, câu chuyện tới nhiều người hơn, nên đã “gõ cửa” các đơn vị xuất bản. Dù được NXB Kim Đồng đón nhận, nhưng từ một đồ án tốt nghiệp tới bản thảo sách còn phải mất thêm 2 năm nghiên cứu, chỉnh sửa và hoàn thiện.

Sẽ tiếp tục sáng tạo với đề tài lịch sử

Không như những artbook ra mắt trước đây thường dùng kỹ thuật vẽ màu nước, “Hành trình Đông A” sử dụng kỹ thuật nét vẽ tranh khắc gỗ, tạo ấn tượng riêng về hình họa nhân vật, đặc biệt là các đại cảnh về những trận đánh, làng nghề, không khí sinh hoạt... “Tôi chọn kỹ thuật khắc gỗ vì đây là kỹ thuật lâu đời của Việt Nam, thể hiện sự mộc mạc, giản dị. Tuy nhiên, với ‘Hành trình Đông A’, kỹ thuật này được biến tấu khi chuyển về dưới dạng kỹ thuật số, vẽ bằng Wacom trên máy tính. Cách làm này giúp tiết kiệm thời gian khắc gỗ, dễ dàng chỉnh sửa đường nét và thêm bớt màu sắc khi cần” - Tuyết Hàn chia sẻ. Hơn thế, vừa viết vừa vẽ nên tác giả có thể chỉnh sửa để làm hài hòa lời và hình, tôn nhau lên.

Bên cạnh chiến công cùng các vị danh tướng, cuốn sách dành dung lượng đáng kể khái quát khung cảnh, đời sống đất nước, con người Đại Việt. Tác giả cung cấp cho người đọc những kiến thức và hình dung về sản vật được làm ra từ đôi tay tài hoa của người Đại Việt như gốm, vải, giấy… rồi cả lối kiến trúc, điêu khắc mà thế hệ ngày nay vẫn luôn ngưỡng vọng. Cuộc sống bình yên hòa trong cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, những ngôi làng trù phú hiện ra, từ đại cảnh đến tiểu cảnh, trực tả...

Quá trình nghiên cứu để thực hiện cuốn sách, Trần Tuyết Hàn cũng đã tiếp nhận thêm nhiều điều thú vị, chẳng hạn hoa văn trên đồ gốm có sự gắn kết với lịch sử, khi một số bình gốm có các chi tiết liên quan đến quân sự, lịch sử nhà Trần. Tìm hiểu qua “Đại Việt sử ký toàn thư” và các nguồn khác, cô thấy triều Trần có nhiều nhân vật rất tài giỏi, mỗi người có điểm nổi bật riêng, chỉ hơi tiếc là đôi chỗ “tôi chưa làm toát lên được thần thái nhân vật”.

Tuy vậy, với góc nhìn của người trẻ, lịch sử đất nước và văn hóa Việt đã hiện lên theo cách mới mẻ, thu hút sự quan tâm của độc giả, đặc biệt là những người cùng trang lứa với Trần Tuyết Hàn. Tác giả chia sẻ, “Hành trình Đông A” đã giúp cô phát triển khả năng vẽ và viết sách, có thêm động lực và cảm hứng để thực hiện những tác phẩm khác. “Hiện nay nếu tìm kiếm trên internet vẫn thấy nhà cổ, di tích, nhưng không còn nhiều. Vì thế, tôi đang ấp ủ viết về các công trình như vậy, trước khi chúng biến mất cùng những con người và nghi thức gắn với mình... Đôi khi tôi băn khoăn liệu rằng có ai quan tâm tới những vấn đề như vậy, nhưng sau đó tự nhủ, nếu mình không viết ra thì ai sẽ biết về chúng. Vì niềm đam mê, tôi sẽ tiếp tục sáng tạo, từ đó thu hút mọi người chú ý hơn đối với các di sản này”.

Thảo Nguyên, Đỗ Vũ