Phát biểu khai mạc Ngày hội, PGS.TS Lê Vinh Hưng, Phó Hiệu trưởng Phụ trách Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương chia sẻ, đối với nhà trường, Ngày hội việc làm cho sinh viên được xem như một chiếc cầu nối giúp sinh viên có cơ hội tiếp xúc, thể hiện năng lực bản thân và tìm kiếm cơ hội việc làm đúng chuyên ngành đào tạo tại các đơn vị, doanh nghiệp uy tín.
Ngày hội việc làm chính là một trong những hoạt động thường xuyên nhằm thực hiện các mục tiêu, chủ trương chiến lược của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương trong định hướng nghề nghiệp, nâng cao năng lực, giới thiệu việc làm cho sinh viên.
Đồng thời, tiếp tục tăng cường phát triển hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp theo phương châm cùng đồng hành và cùng phát triển.
Theo PGS.TS Lê Vinh Hưng, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương luôn tự hào là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực Văn hóa, Giáo dục nghệ thuật, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.
Mục tiêu lâu dài của trường là xây dựng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về giáo dục nghệ thuật ngang tầm các Trường Đại học tiên tiến trong khu vực; là cơ sở bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và ứng dụng nghệ thuật uy tín của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
“Sinh viên được đào tạo tại nhà trường luôn năng động, sáng tạo, trung thực, có tinh thần trách nhiệm, có khả năng sống và làm việc trong môi trường cạnh tranh đa văn hóa. Chúng tôi tin tưởng rằng, những phẩm chất năng lực mà chúng tôi định hướng cho sinh viên phù hợp với nhu cầu, cũng như định hướng phát triển nguồn nhân lực của các đơn vị”, PGS.TS Lê Vinh Hưng nói.
PGS.TS Lê Vinh Hưng nhấn mạnh, thông qua Ngày hội việc làm, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương mong muốn hoạt động liên kết giữa nhà trường và các đơn vị được đẩy mạnh hơn nữa. Từ đó, giúp nhà trường tăng cường tính ứng dụng của các chương trình đào tạo, nắm bắt kịp thời nhu cầu thực tế của người học và tiêu chí tuyển dụng lao động của đơn vị.
“Ngày hội việc làm cũng là dịp để sinh viên tìm hiểu về thị trường lao động qua việc lắng nghe, tiếp xúc và tìm hiểu sâu hơn những nhu cầu của các nhà tuyển dụng, từ đó các em sẽ định hướng cho mình con đường nghề nghiệp trong tương lai. Mong các em sử dụng cơ hội này một cách hiệu quả, bổ ích và tìm được công việc phù hợp với năng lực của bản thân”, PGS.TS Lê Vinh Hưng nhắn nhủ.
Đại diện các doanh nghiệp phát biểu, ông Đỗ Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Công nghệ Giáo dục Novaedu nhìn nhận, Ngày hội việc làm giúp sinh viên được cọ xát thực tiễn với yêu cầu của doanh nghiệp. Từ đây, các em có thể nảy sinh ý tưởng khởi nghiệp cho mình.
Theo ông Đỗ Mạnh Hùng, không đơn thuần là tài chính, sinh viên có nhiều cách để trở thành đối tác của cộng đồng doanh nghiệp. Các bạn sẽ có nhiều phương án để phát triển tiềm năng của mình. Muốn vậy, sinh viên cần tìm ra năng lực “lõi” của bản thân để trau dồi, rèn luyện, tích lũy và phát huy. Năng lực này càng được tìm kiếm, khám phá càng sớm càng tốt. Theo thời gian, năng lực đó trở thành sức mạnh của mình trên con đường khởi nghiệp.
Nhắc đến giá trị cốt lõi trong khởi nghiệp, ông Đỗ Mạnh Hùng nhấn mạnh 5 yếu tố: tâm đắc; kiên trì; sáng tạo; triệt để (tạo nên sự khác biệt) và thần tốc (nghĩ nhanh, làm nhanh, hành động).
Đại diện các sinh viên năm cuối tham dự chương trình Ngày hội việc làm, em Vũ Hoàng Oanh, K14 Quản lý văn hóa, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương chia sẻ, chương trình Ngày hội việc làm như chiếc cầu nối giúp sinh viên có cơ hội tiếp xúc, thể hiện năng lực bản thân và tìm kiếm cơ hội việc làm đúng chuyên ngành đào tạo tại các doanh nghiệp uy tín.
“Việc được thầy cô định hướng ngay trên ghế nhà trường giúp chúng em ngày càng trưởng thành hơn, có cơ hội tiếp xúc với nhiều ý tưởng mới lạ, có cơ hội làm quen với môi trường doanh nghiệp, bổ sung những kiến thức, kỹ năng mềm cho bản thân”, Hoàng Oanh nói.