Hàn Quốc thắt chặt các biện pháp an toàn

- Chủ Nhật, 03/10/2021, 06:13 - Chia sẻ
Hồi đầu năm nay, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua dự luật tăng cường hình phạt đối với chủ doanh nghiệp và giám đốc điều hành của các công ty có từ 5 nhân viên trở lên trong trường hợp xảy ra thảm họa nghiêm trọng tại nơi làm việc. Mới đây, nghị định thực thi luật thảm họa tại nơi làm việc mới của nước này đã được Nội các quốc gia thông qua hôm 28.9, nhường chỗ cho việc thực thi vào tháng giêng tới khi luật chính thức có hiệu lực.
Nguồn: ITN

Phạt nặng nếu để xảy ra tai nạn nghiêm trọng

Tờ Korea Herald cho biết, theo luật mới, chủ doanh nghiệp hoặc giám đốc điều hành của các công ty có từ 5 nhân viên trở lên có thể phải đối mặt với 1 năm tù giam hoặc tiền phạt lên tới 1 tỷ KRW (855.000 USD) nếu để xảy ra tai nạn nghiêm trọng tại nơi làm việc do thiếu các biện pháp bảo đảm an toàn và giám sát lỏng lẻo. Bên cạnh đó, thực thể công ty cũng có thể bị phạt 5 tỷ KRW. Ngoài ra, các công ty bị kết án cũng sẽ bị công khai trước công chúng trên trang web của Bộ Lao động trong vòng 1 năm, bao gồm các chi tiết của vụ tai nạn và các trường hợp tai nạn đã xảy ra trước đó trong 5 năm qua.

Ngoài tai nạn, luật cũng bao gồm các bệnh nghề nghiệp, như các bệnh gây ra hoặc liên quan đến ngộ độc cấp tính của 199 loại hóa chất và yếu tố có hại. Các giám đốc điều hành cũng được pháp luật yêu cầu thiết lập các chính sách quản lý an toàn và sức khỏe, tạo các vị trí mới và phân bổ quỹ dành riêng cho việc giải quyết vấn đề an toàn tại nơi làm việc, đồng thời xem xét các điều kiện và cách giải quyết các nguy cơ trong công việc của công ty 6 tháng một lần. Các công ty có hơn 500 nhân viên và các công ty xây dựng được liệt kê trong Top 200 về đánh giá năng lực xây dựng cũng phải thành lập một đơn vị làm việc chuyên trách về kiểm soát an toàn và sức khỏe.

Nghị định thực thi, ghi rõ các quy định chi tiết để thi hành luật, đã được thông qua trong cuộc họp Nội các do Tổng thống Moon Jae-in chủ trì hôm 28.9. Trong nghị định thi hành này, phạm vi gây tranh cãi của các bệnh nghề nghiệp được điều chỉnh theo luật vẫn không thay đổi là 24 loại bệnh liên quan đến hóa chất, bao gồm cả ngộ độc hóa chất cấp tính. Nó loại trừ các bệnh liên quan đến não và tim mạch, và các bệnh về cơ xương khớp mà các nhóm lao động đã yêu cầu được đưa vào.

Bộ Lao động đã xuất bản một cuốn sách hướng dẫn về luật thảm họa tại nơi làm việc cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời có kế hoạch phát hành một cuốn sổ tay riêng biệt và chi tiết hơn để giáo dục thêm cho các giám đốc điều hành.

Chính phủ Hàn Quốc cho biết, “trọng tâm của luật không phải là để trừng phạt, mà là ngăn ngừa các thảm họa nghiêm trọng tại nơi làm việc. Nó sẽ là khuôn khổ pháp lý tối thiểu để bảo vệ cuộc sống và đảm bảo an toàn cho người lao động”. Tổng thống Moon Jae-in phát biểu thêm, “bên cạnh việc thông qua một đạo luật được xây dựng tốt, điều quan trọng là phải đảm bảo rằng mục đích của nó cũng được tôn trọng”.

Còn nhiều băn khoăn

Luật mới đã được thông qua bất chấp sự chỉ trích mạnh mẽ từ nhiều nhóm khác nhau, đặc biệt là về các quy định trừng phạt đối với các doanh nghiệp. Trước đó, Liên đoàn Doanh nghiệp Hàn Quốc (KEF) - tổ chức hàng đầu đại diện cho các doanh nghiệp xứ kim chi cho biết trong tuyên bố hồi đầu năm nay rằng, luật đặt “gánh nặng không đáng có đối với riêng CEO của các tập đoàn, vì luật hiện hành đã trừng phạt các tập đoàn vì sự cẩu thả”. Theo KEF, nhiều đề xuất trong luật có những hạn chế do tính mơ hồ trong việc nêu rõ những gì được yêu cầu về mặt pháp lý đối với các nhà điều hành doanh nghiệp. Điều đó có thể dẫn đến tình trạng các giám đốc điều hành doanh nghiệp có thể phải đối mặt với hình phạt rất nặng do không nhận thức được chính xác những gì họ nên tuân theo.

Theo người đứng đầu Liên đoàn Các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc Kim Ki-mun, ngay cả các công ty nhỏ hơn cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi luật này. Ông cho biết, các chủ doanh nghiệp đang cảm thấy lo lắng khi thấy luật như vậy vào thời điểm các công ty nhỏ hơn đang cố gắng duy trì hoạt động do doanh số bán hàng giảm vì đại dịch Covid-19. Người sử dụng lao động từng yêu cầu một điều khoản miễn phạt khi nguyên nhân của tai nạn rõ ràng là do lỗi của người lao động hoặc do thiên tai, nhưng nó đã bị đưa ra khỏi nghị định thực thi mới đây.

Một chỉ trích khác đối với luật là loại trừ các bệnh liên quan đến tim mạch và bệnh cơ xương khớp. Các nhóm lao động cho biết, những căn bệnh như vậy có liên quan đến việc làm việc quá sức trong các công ty. Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc, thời gian làm việc dài được coi là yếu tố gây tử vong nhất tại nơi làm việc, và là nguyên nhân gây ra 750.000 ca tử vong hàng năm.

Thái Anh