Hạn chế đến thăm người nằm viện

- Thứ Ba, 04/08/2020, 06:18 - Chia sẻ

Một tuần trước, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch Covid-19 đã có công điện hỏa tốc gửi các cơ sở y tế, trong đó yêu cầu xem xét tạm dừng các bệnh viện không an toàn trong phòng, chống Covid-19 sau khi phát hiện nhiều ca bệnh mới ở bệnh viện Đà Nẵng, bệnh viện C Đà Nẵng, trong đó có nhân viên y tế và chưa xác định được nguồn lây.

Theo thống kê, trong giai đoạn xuất hiện dịch, có khoảng 11.000 người đã đến Bệnh viện Đà Nẵng. Những người này đến khám chữa bệnh, thăm và chăm sóc người nhà. Đây là nhóm người rất lớn buộc các địa phương phải theo sát. Trong đó, các khoa hồi sức cấp cứu - chống độc, hô hấp, tim mạch là những nơi có khả năng lây nhiễm ở Bệnh viện Đà Nẵng. Thực tế, có những ca bệnh chính là người đến chăm sóc bệnh nhân, có lịch trình di chuyển phức tạp, đi đến nhiều nơi, tiếp xúc rất nhiều người. Việc tổ chức rà soát, truy vết các trường hợp liên quan gặp rất nhiều khó khăn.

Trước 3 bệnh viện tại Đà Nẵng, Bạch Mai cũng từng là bệnh viện có ổ dịch lớn nhất nước, phức tạp nhất và tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm. 44 trường hợp dương tính với Covid-19, tại bệnh viện này gồm nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà và nhân viên cung cấp thực phẩm, dịch vụ hậu cần cho bệnh viện Bạch Mai. Hơn 44.000 trường hợp đến bệnh viện Bạch Mai từ ngày 12.3 - 1.4 đã phải rà soát, giám sát, quản lý sức khỏe. Và sau Bạch Mai, một khoa của bệnh viện Saint Paul cũng bị tạm thời cách ly do bệnh nhân Covid-19 mang số 175 đến thăm người thân tại đây.

Trong cuộc chiến chống Covid-19, bệnh viện là nơi phát hiện sớm, điều trị các ca bệnh, giúp ngăn chặn khống chế dịch bệnh nhưng bệnh viện cũng là nơi có nhiều nguy cơ lây nhiễm và phát tán dịch bệnh bởi việc phòng ngừa lây lan trong bệnh viện không hề đơn giản. Người bệnh nằm điều trị trong bệnh viện sẽ kéo theo người nhà bệnh nhân vào thăm hỏi, chăm sóc. Dù y bác sĩ có đeo khẩu trang phòng tránh và rửa tay thường xuyên cũng khó tránh hết được các nguy cơ lây nhiễm, rất khó đề phòng. Do đó, nếu như không có chế độ quản lý chặt chẽ tại bệnh viện, từ y bác sĩ, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thì rất có thể bệnh viện sẽ là nguồn nguy cơ lây Covid-19 ra ngoài cộng đồng.

Không chỉ đến Covid-19, việc người bên ngoài vào bệnh viện thăm nom có thể là nguyên nhân gây ra lây nhiễm hoặc bị lây nhiễm tại bệnh viện mới được ghi nhận. Thực tế, các ca nhiễm trùng bệnh viện, nhiễm trùng hậu phẫu, hay bệnh nhân bị bệnh khác sau khi điều trị một bệnh trước đó có một phần nguyên nhân từ những người đi thăm bệnh. Đi thăm bệnh nhân tại bệnh viện là một tập quán hại nhiều hơn lợi, không có lợi cho người bệnh cũng như người đi thăm bệnh. Dù biết đây là phương thức để thể hiện sự quan tâm, chăm sóc nhau của người Việt, không dễ gì bỏ được, nhưng trong bối cảnh hiện nay, chỉ cần một người tại bệnh viện có mầm bệnh, nó sẽ nhanh chóng trở thành ổ dịch rất khó để khống chế. Các bệnh viện ở Đà Nẵng đang là ổ dịch chính là minh chứng điển hình nhất.

Kinh nghiệm từ Hàn Quốc - một quốc gia có trên 12.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 cho thấy, việc chia tách bệnh viện, tách biệt các bệnh nhân có triệu chứng hô hấp và bệnh nhân không có triệu chứng hô hấp ngay từ lần khám đầu tiên cho đến suốt thời gian nằm viện đã cho kết quả rất khả quan. Không có chuyện người nhà bệnh nhân ra vào bệnh viện, bệnh nhân có bệnh hô hấp cũng được tách biệt làm giảm nguy cơ lây nhiễm chéo rất nhiều. Y bác sĩ ở khu điều trị bệnh nhân hô hấp cũng tự nâng cao đề phòng rủi ro hơn. Trong số khoảng 3.600 bệnh viện trên toàn quốc tại Hàn Quốc, có hơn 300 bệnh viện đã định hình lại cơ sở hạ tầng để hoạt động theo mô hình bệnh viện chia tách để chăm sóc bệnh nhân hô hấp trong đợt bùng phát Covid-19. Cô lập bệnh nhân hô hấp trong toàn bộ quá trình có nghĩa là các khu vực còn lại có thể được bảo vệ khỏi sự tiếp xúc bất ngờ với Covid-19.

Rõ ràng, các bệnh viện cần có quy định để bảo đảm sự văn minh cũng như bảo vệ sức khỏe cho người bệnh, cho cộng đồng. Nhiều bệnh viện vẫn đang cố gắng ngăn chặn kịch bản trở thành ổ dịch bằng nhiều cách. Từ cuối tháng 3, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đã yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập không cho người vào thăm hỏi bệnh nhân và chỉ cho 1 người nhà vào chăm sóc (nếu cần). Còn các địa phương khác, chưa thực sự siết chặt về vấn đề này. Đà Nẵng sẽ là một bài học rất lớn, giúp các cơ sở y tế phải cảnh giác, luôn đề phòng với Covid-19 để bảo toàn lực lượng. Và chính người dân cũng phải tự ý thức rằng, chỉ đến bệnh viện khi thực sự cần thiết, khi cần khám chữa bệnh. Đó không chỉ là cách bảo vệ mình mà còn góp phần quan trọng trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19.

Chi An