Hai vấn đề mấu chốt

- Chủ Nhật, 17/01/2021, 08:20 - Chia sẻ
Gần 6 năm kể từ khi Luật Đất đai năm 2013 chính thức có hiệu lực thi hành, công tác quản lý nhà nước về đất đai đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng. Tuy vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong báo cáo gửi đến Quốc hội cuối năm 2020, cũng thừa nhận: nguồn lực về đất đai vẫn chưa thực sự được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhiều bất cập khác cũng được Bộ này báo cáo với Quốc hội như: việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp. Tình trạng tham nhũng, trục lợi và thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất đai vẫn diễn ra. Khó khăn trong tiếp cận đất đai vẫn là một trong những rào cản để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp diễn ra chậm chạp, chưa theo kịp nhu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung, cho phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nói riêng. Đất đai manh mún đang là yếu tố cản trở người dân và doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Tình trạng vi phạm chính sách, pháp luật về đất đai vẫn diễn ra khá phổ biến. Khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai hiện vẫn chiếm tới 70% với nguy cơ gây ra những bất ổn trong xã hội...

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những tồn tại như vậy. Nhưng phải thừa nhận rằng, có phần rất quan trọng từ hệ thống pháp luật về đất đai, nhất là sự chồng chéo, mâu thuẫn và cả những khoảng trống chậm được khắc phục. Đơn cử như câu chuyện lúc nào cũng “nóng” là khiếu nại, tố cáo về thu hồi đất để thực hiện dự án kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Kể từ khi Luật Đất đai năm 2013 được Quốc hội thông qua, Chính phủ đã ban hành 12 nghị định mới và sửa đổi, bổ sung 3 nghị định, các bộ, ngành đã ban hành 48 thông tư, thông tư liên tịch, các địa phương đã ban hành gần 1.200 văn bản quy định chi tiết thi hành luật và các nghị định quy định chi tiết thi hành cụ thể đối với 41 nội dung theo phân cấp. Dù vậy, từ kết quả giám sát, Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, đến nay, pháp luật vẫn chưa có quy định cụ thể về phạm vi, tiêu chí đối với các trường hợp thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và giới hạn phạm vi được phép thu hồi đất.

Theo quy định của Luật Đất đai 2013, các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì Nhà nước thu hồi đất nhưng nếu vì lợi ích của doanh nghiệp thì phải thỏa thuận với người sử dụng đất. Tuy nhiên, trên thực tế, một dự án thu hồi đất thường hướng tới nhiều mục tiêu và trong nhiều trường hợp, ranh giới xác định các mục đích của dự án không đơn giản. Điều này dẫn đến sự tranh luận về mục đích dự án và sự nhập nhằng, lạm dụng trong việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích công với dự án thuần túy kinh doanh hoặc chủ yếu vì lợi nhuận của doanh nghiệp. Chẳng hạn, “khu đô thị du lịch sinh thái”, dự án “chỉnh trang đô thị” giao cho doanh nghiệp làm trung tâm thương mại, trên là căn hộ để bán, hoặc có những dự án mà diện tích quy hoạch dành cho nhà ở xã hội và tái định cư chiếm chưa đến 10% còn lại hơn 90% diện tích dự án là dành cho nhà ở kinh doanh như nhà ở chung cư, liền kề phố, liền kề sân vườn và biệt thự... là trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích công cộng hay là vì lợi ích doanh nghiệp? Một số địa phương cho đây là dự án vì lợi ích công, người dân bị thu hồi đất với giá bồi thường thường thấp hơn so với giá thị trường và ít được tái định cư tại chỗ. Trong khi doanh nghiệp có thể thu được lợi ích kếch xù khi giành được quyền thực hiện các dự án này, còn nhà nước chưa chắc đã bảo đảm được lợi ích tương xứng. Khi lợi ích của các bên không được bảo đảm thì khiếu kiện xảy ra là điều khó tránh khỏi.

Hay câu chuyện về tích tụ, tập trung đất nông nghiệp dù đã được xác định là một trong những điểm nghẽn cơ bản đối với phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, hiện đại từ nhiều năm, nhưng đến nay, vẫn thiếu cơ chế thúc đẩy hoạt động của thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp; chính sách hạn mức nhận chuyển quyền và điều kiện nhận chuyển nhượng, tặng cho đất nông nghiệp cũng chưa tạo điều kiện để thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai...

Quản lý đất đai luôn là câu chuyện phức tạp bởi tính chất đặc thù của loại tài nguyên này. Những vướng mắc, tồn tại về mặt chính sách, quy định pháp luật trong quản lý nhà nước về đất đai hiện nay sẽ phải được rà soát, khắc phục khi sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai tới đây. Trong đó, hai vấn đề mấu chốt phải quan tâm. Một là, bảo đảm sự công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các địa phương trong quản lý đất đai, bảo đảm cơ chế để người dân giám sát được tất cả các vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật đất đai từ quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quyết định mục đích sử dụng đất, hạn mức sử dụng đất... đến mục đích thu hồi, sử dụng đất ở từng dự án cụ thể. Hai là, đổi mới cơ chế chuyển dịch đất đai. Đã đến lúc phải xây dựng một cơ chế đồng thuận với đa số cộng đồng dựa trên nguyên tắc chia sẻ lợi ích thay vì hai cơ chế tự nguyện và bắt buộc vốn đã bộc lộ nhiều nhược điểm. Củng cố, hoàn thiện hai vấn đề này chắc chắn sẽ giúp “hóa giải” được rất nhiều vấn đề “nóng”, bức xúc trong quản lý đất đai vừa qua.

Hải Lam