Hài hòa về trách nhiệm và ưu đãi

- Thứ Bảy, 11/05/2013, 08:39 - Chia sẻ
Khi ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, đã và đang trở thành chủ đề nóng cũng như mối quan tâm của cộng đồng xã hội thì việc sửa đổi quy định của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2005 sao cho phù hợp với thực tiễn là yêu cầu cấp thiết. Song, sửa đổi luật không chỉ đơn thuần là gia tăng trách nhiệm mà cần bao gồm cả việc khuyến khích, ưu đãi cho doanh nghiệp trong công tác BVMT.


Nguồn: ITN

Nâng trách nhiệm

Một trong những nội dung được thể hiện khá rõ ràng trong Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) là việc nâng trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp (DN) cũng như tăng nặng chế tài đối với những hành vi gây ô nhiễm môi trường. Nhiều nhưng chặt chẽ là đánh giá của các chuyên gia khi nói về trách nhiệm của DN trong dự thảo luật này. Đơn cử như quy định về việc ký quỹ, cải tạo phục hồi môi trường đã được mở rộng thêm không chỉ trong lĩnh vực khoáng sản, khai thác tài nguyên mà đã bao trùm trong tất cả các dự án sản xuất, kinh doanh còn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm của DN trong hoạt động quan trắc môi trường, Điều 119 cũng xác định DN chỉ được phép hoạt động nếu như có Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động trong dịch vụ này.

Bên cạnh đó, hoạt động báo cáo hàng năm về công tác BVMT cũng được xem là một chế độ trách nhiệm mới đòi hỏi các DN phải thực hiện đầy đủ. Đây là nội dung hết sức quan trọng vừa thể hiện trách nhiệm quản lý của Nhà nước, trách nhiệm của DN đồng thời cũng góp phần cải cách thủ tục hành chính. Xuất phát từ thực tế DN gặp nhiều khó khăn khi phải thực hiện quá nhiều báo cáo nên dự thảo đã xác định mỗi năm chỉ lập một báo cáo về công tác môi trường và thống nhất tất cả các nội dung trong báo cáo đó. Song, trong quá trình hoạt động của DN cũng không thể tránh khỏi những trường hợp buộc phải lập báo cáo đột xuất. Hơn nữa, lập và công bố báo cáo không phải là vấn đề phức tạp và tốn kém chi phí, do đó hành vi không lập báo cáo nếu chỉ bị xử phạt hành chính sẽ không đủ để răn đe những DN vi phạm. Nâng mức phạt hình sự đối với hành vi này là ý kiến của một số chuyên gia trong lĩnh vực môi trường.

“Nhiều trách nhiệm hơn nhưng luật không trói buộc hay gây quá nhiều áp lực khi quy định sẽ xử lý vi phạm đối với người đứng đầu là cán bộ công chức, lợi dụng chức vụ quyền hạn gây phiền hà, nhũng nhiễu cho DN trong công tác BVMT” - Ts Trần Thị Hương Trang, Giám đốc Công ty Luật Legal Associates Hà Nội nhấn mạnh.

Quỹ BVMT đóng vai trò không thể thiếu nhằm bảo đảm cho công tác khắc phục ô nhiễm, cải tạo môi trường được triển khai có hiệu quả, thế nhưng, dường như Dự thảo đã bỏ sót quy định về trách nhiệm của DN trong nội dung quan trọng này. Không ít chuyên gia cho rằng, DN nên trích một phần nhỏ từ chi phí sản xuất để tái tạo môi trường như một phần từ công nghiệp dầu, công nghiệp khai khoáng hoặc các sản phẩm khác nhằm phát triển mạnh nguồn quỹ, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác BVMT.

Tăng ưu đãi

Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế - Tổng cục Môi trường Dương Thanh An, “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt dự thảo luật này là bảo đảm hài hòa các quy định liên quan đến nghĩa vụ, trách nhiệm của DN trong công tác BVMT và ưu đãi, khuyến khích hỗ trợ đối với cộng đồng DN. Dựa trên những nền tảng đó, dự thảo đã xác định ngân sách nhà nước về BVMT sẽ có mục chi riêng cho sự nghiệp môi trường và mục chi riêng cho đầu tư phát triển BVMT công cộng, đồng thời bảo đảm hàng năm chi ngân sách cho sự nghiệp môi trường và chi đầu tư phát triển sẽ tăng theo tỷ lệ tăng GDP. Bên cạnh đó, cũng xác định rõ các hoạt động được chi khác bao gồm những nội dung gì để việc ưu đãi, khuyến khích DN được minh bạch, rõ ràng. Bởi quy định chi cho “các hoạt động sự nghiệp môi trường khác” mà không xác định những hoạt động đó là gì trong thời gian qua đã gây ra tình trạng lạm dụng sơ hở của pháp luật để chuộc lợi khiến cho việc quản lý nhà nước về BVMT và hiệu quả của kinh phí sự nghiệp môi trường còn nhiều hạn chế.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, dự thảo vẫn chưa thể hiện đầy đủ chính sách ưu đãi cũng như khuyến khích, hỗ trợ DN trong việc khắc phục ô nhiễm, cải tạo môi trường. Rõ ràng, sự thiếu thốn về vốn và công nghệ không chỉ là khó khăn mà DN phải đối mặt mà đó còn là băn khoăn của những nhà quản lý. Thực tiễn cho thấy, không ít doanh nghiệp sẵn sàng bỏ tiền ra để thực hiện tốt nhất công tác BVMT nhưng không rõ cách tiếp cận và luôn đặt ra câu hỏi công nghệ xử lý ô nhiễm lấy từ đâu?

Chuyển giao công nghệ thân thiện với môi trường hoặc sử dụng các công cụ sản xuất sạch hơn không chỉ góp phần thúc đẩy hoạt động tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu mà còn là phương tiện hữu hiệu giải quyết khó khăn cho DN khi phải tiêu tốn chi phí cho phát triển công nghệ. Bên cạnh đó, việc “khuyến khích, hỗ trợ hoạt động BVMT giúp doanh nghiệp phát huy và thực hiện có hiệu quả những sáng kiến về công nghệ là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, Dự thảo lại bỏ sót vấn đề quan trọng này!” - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng Nguyễn Ngọc Lý nhấn mạnh.

Đỗ Quyên