Hài hòa giữa cơ cấu và chất lượng đại biểu

- Thứ Ba, 09/03/2021, 05:25 - Chia sẻ
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh, theo Thường trực HĐND tỉnh Phú Thọ, điều quan trọng trước hết là cần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa “cơ cấu và chất lượng đại biểu”. Nghĩa là, việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh cần quan tâm xem xét vừa bảo đảm cơ cấu, vừa phải bảo đảm trình độ, năng lực, phải coi chất lượng “đầu vào” của đại biểu là yếu tố quyết định.

Nêu cao tinh thần trách nhiệm của đại biểu

Hiệu quả hoạt động của HĐND phụ thuộc chủ yếu và được quyết định bởi chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND. Vì vậy, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND luôn được Thường trực HĐND tỉnh Phú Thọ quan tâm thực hiện.

Đại biểu chất vấn tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Phú Thọ Khóa XVIII

Nhiệm kỳ 2016 - 2021, số lượng đại biểu HĐND tỉnh Phú Thọ được bầu là 79. Số đại biểu có trình độ đại học, sau đại học; đại biểu hoạt động chuyên trách; đại biểu khối Đảng, đoàn thể tăng hơn so với nhiệm kỳ trước. Các đại biểu HĐND tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm: Tại các kỳ họp, đa số tích cực tham gia ý kiến, thảo luận, góp phần giúp HĐND có những quyết nghị đúng đắn về phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong việc ban hành các nghị quyết về cơ chế chính sách. Qua giám sát, đại biểu đã phát hiện những vấn đề nổi cộm, bức xúc ở địa phương; thẳng thắn chất vấn, yêu cầu giải trình đối với những vấn đề cử tri quan tâm; đồng thời theo dõi, đôn đốc việc giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền. Trên cơ sở lắng nghe những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri, đại biểu đã tích cực làm rõ trách nhiệm, đề xuất giải pháp tháo gỡ, xử lý và khắc phục.

Để đạt được những kết quả trên, Thường trực HĐND tỉnh Phú Thọ đã tập trung làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hòa phối hợp hoạt động của HĐND. HĐND tỉnh Phú Thọ đã ban hành quy chế hoạt động của HĐND; hướng dẫn đánh giá xếp loại đại biểu, Tổ đại biểu HĐND tỉnh hàng năm. Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng; các hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động; tổ chức cho đại biểu trao đổi, học tập kinh nghiệm công tác HĐND tại các tỉnh bạn. Thường xuyên cung cấp thông tin; bảo đảm trang thiết bị phục vụ đại biểu hoạt động; quan tâm thực hiện chính sách đối với các đại biểu.

Chất lượng “đầu vào” là yếu tố quyết định

Mặc dù đã có nhiều cố gắng song thẳng thắn nhìn nhận, còn có đại biểu hạn chế về năng lực, kỹ năng nên chưa thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; chưa thể hiện rõ chính kiến khi tham gia hoạt động của HĐND, nhất là trong thảo luận, chất vấn tại kỳ họp. Phần lớn đại biểu kiêm nhiệm, nhiệm vụ chuyên môn của ngành, lĩnh vực lớn nên chưa dành nhiều thời gian thực hiện nhiệm vụ đại biểu. Vẫn còn tình trạng né tránh, ngại va chạm trong hoạt động, nhất là trong hoạt động chất vấn, yêu cầu giải trình. Hoạt động TXCT của một số đại biểu còn mang tính hình thức, chưa theo dõi đến cùng việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri. Hiệu quả hoạt động giám sát có lúc, có nơi cũng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu.

Thực trạng trên, một trong những nguyên nhân cơ bản do mối quan hệ giữa chất lượng đại biểu và cơ cấu đại biểu chưa thật hợp lý, đại biểu chuyên trách số lượng còn ít so với yêu cầu. Vì vậy, để nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND, theo Thường trực HĐND tỉnh Phú Thọ, hoạt động của HĐND phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy Đảng, nhất là công tác cán bộ. Thực tiễn cho thấy, nơi nào cấp ủy Đảng thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phân công, bố trí cán bộ đúng tầm, có đủ năng lực, trình độ để làm nhiệm vụ ở cơ quan dân cử tại địa phương; đồng thời, có sự phối hợp chặt của các cơ quan liên quan thì nơi đó chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND được nâng lên.

Mặt khác, ngay từ khi lựa chọn, giới thiệu nhân sự cho nhiệm kỳ mới, cần  giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa “cơ cấu và chất lượng đại biểu”. Nghĩa là, việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh cần quan tâm xem xét vừa bảo đảm cơ cấu, vừa phải bảo đảm trình độ, năng lực; phải coi chất lượng “đầu vào” của đại biểu là yếu tố quyết định. Việc bố trí cơ cấu đại biểu HĐND tỉnh cũng cần lưu ý đến sự cân đối về trình độ chuyên môn giữa các lĩnh vực để bảo đảm HĐND thực hiện giám sát, thẩm tra có chất lượng, hiệu quả trên các lĩnh vực.

Bên cạnh đó, cần thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND ngay từ đầu nhiệm kỳ thông qua nhiều hình thức như: Hội thảo, tập huấn theo chuyên đề, giao ban trao đổi kinh nghiệm… Trong đó, đại biểu HĐND tỉnh hoạt động chuyên trách là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động của HĐND, do đó các chức danh mới được bầu cần được quan tâm bồi dưỡng kỹ năng nhiều và kỹ hơn. Cùng với việc tập huấn, bồi dưỡng, cần có quy định, chế độ cung cấp thông tin, tài liệu, nhất là chủ trương, chính sách mới của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của địa phương cho đại biểu HĐND.

Không khí dân chủ trong hoạt động của HĐND cũng là yếu tố quan trọng để đại biểu phát huy khả năng, trí tuệ, tâm huyết với hoạt động của cơ quan dân cử, nhất là tại các kỳ họp của HĐND. Cùng với đó, cần quan tâm bảo đảm các chế độ, chính sách phù hợp, các điều kiện, trang thiết bị làm việc cần thiết giúp đại biểu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhất là có chính sách đặc thù với đại biểu hoạt động chuyên trách. Hàng năm, Thường trực HĐND tỉnh cần tổ chức đánh giá và xếp loại kết quả hoạt động, động viên khen thưởng kịp thời đại biểu hoàn thành tốt nhiệm vụ.

LÊ HÒA