Hải Dương quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

- Thứ Ba, 03/08/2021, 17:54 - Chia sẻ
Tại Kỳ họp thứ 2 (Kỳ họp chuyên đề), HĐND tỉnh Hải Dương Khóa XVII vừa qua, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Xuân Thăng yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo rà soát toàn bộ danh mục dự án đầu tư công đã và đang thực hiện; hạn chế thấp nhất việc chia nhỏ nguồn vốn. Đặc biệt, kiên quyết điều chuyển vốn đối với các dự án chưa giải ngân. Cùng với đó, sẽ kiểm điểm nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu, chủ đầu tư nếu không hoàn thành tiến độ giải ngân theo quy định.

Khả năng cân đối vốn còn hạn hẹp

Tổng vốn ngân sách nhà nước 5 năm 2021-2025 của Hải Dương 23.199,627 tỷ đồng, gồm: Vốn ngân sách trung ương 3.643,227 tỷ đồng (trong nước 3.233,527 tỷ, nước ngoài ODA 409,7 tỷ); vốn ngân sách địa phương 19.556,4 tỷ đồng (XDCB tập trung 4.115,4 tỷ, thu tiền sử dụng đất 15.000 tỷ, thu xổ số kiến thiết 323 tỷ và đầu tư từ nguồn bội chi ngân sách địa phương 118 tỷ).

Theo báo cáo của UBND tỉnh Hải Dương, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công từ nguồn vốn NSNN giai đoạn 2016 - 2020 cơ bản tuân thủ theo Nghị quyết của HĐND tỉnh và các quy định về đầu tư công. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng cho biết: Quá trình tổ chức thực hiện, căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách hằng năm, các cấp đã chủ động rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công 5 năm. Đồng thời, cắt giảm, giãn hoãn tiến độ đầu tư của một số dự án chưa thật sự cần thiết, cấp bách để tập trung ưu tiên bố trí vốn đầu tư các dự án thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng NTM và dự án trọng điểm, dự án giao thông kết nối vùng, kết nối liên tỉnh.

Thảo luận tại kỳ họp, nhiều đại biểu HĐND tỉnh chỉ rõ: Nhu cầu vốn đầu tư công cho các công trình, dự án giai đoạn 2016 - 2020 lớn song khả năng cân đối vốn còn hạn hẹp; nhiều công trình, dự án cần thiết chưa cân đối, bố trí được vốn. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng, đất đai của một số dự án còn chậm; các thủ tục về lập thiết kế, dự toán, đấu thầu mất nhiều thời gian, nhất là dự án sử dụng vốn ODA; công tác đền bù, GPMB một số công trình trọng điểm, kết nối giao thông gặp nhiều vướng mắc... gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện.

Thừa nhận những tồn tại, hạn chế trên, đại diện UBND tỉnh Hải Dương cho rằng: Bên cạnh nguyên nhân từ công tác lập hồ sơ, bồi thường GPMB của một số địa phương chưa được thực hiện quyết liệt; một số chủ đầu tư triển khai các thủ tục về đầu tư, đấu thầu còn chậm... năng lực chuyên môn của một số cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, vai trò, trách nhiệm đôn đốc, xử lý khó khăn, vướng mắc của người đứng đầu ở một số đơn vị chưa chưa rõ nét cũng là vấn đề cần tập trung khắc phục.

Đại biểu biểu quyết thông qua nghị quyết tại Kỳ họp

Kiên quyết điều chuyển vốn các dự án chậm giải ngân

Để kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành theo kế hoạch đề ra, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện tốt những nhiệm vụ và giải pháp quy định tại Nghị quyết số 20/2020/NQ-HĐND ngày 24.12.2020 của HĐND tỉnh về phương án kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách địa phương 5 năm 2021-2025. Các cấp, ngành phải phối hợp chặt chẽ trong rà soát, lập kế hoạch đầu tư vốn NSNN và tổ chức thực hiện quả kế hoạch đầu tư công hàng năm... Đặc biệt, xử lý nghiêm các tổ chức, người đứng đầu, cá nhân gây chậm trễ trong việc giao kế hoạch và giải ngân vốn đầu tư công.

Đại diện UBND tỉnh nhấn mạnh, đối với các dự án chuyển tiếp, chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện các thủ tục về đầu tư xây dựng, đất đai; lựa chọn nhà thầu (nếu có) để tổ chức thi công ngay sau khi được giao vốn; sớm nghiệm thu khối lượng hoàn thành, lập hồ sơ thanh toán bảo đảm giải ngân hết 100% kế hoạch vốn giao và không có phát sinh nợ khối lượng XDCB… Đặc biệt, sẽ chú trọng theo dõi, đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư công; đề cao vai trò tham gia giám sát của cộng đồng dân cư trong các vùng ảnh hưởng của dự án.

Bên cạnh các giải pháp UBND tỉnh đưa ra, nhiều đại biểu dự kỳ họp đề nghị, cần tăng cường kỷ luật tài chính; thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu; có chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào các dự án phát triển kết cấu hạ tầng theo hình thức đối tác công tư… Theo Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Trịnh Thúy Nga, UBND tỉnh cần chỉ đạo các sở, ngành, địa phương sớm xây dựng và trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định tỷ lệ (%) phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách, trong đó, có thu tiền sử dụng đất.

"Trên cơ sở quyết định giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương của Trung ương và tỷ lệ điều tiết nguồn thu tiền sử dụng đất giữa các cấp ngân sách giai đoạn 2021-2025 do HĐND quy định, UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn cân đối, phân bổ vốn ngân sách địa phương và ngân sách tỉnh tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư công; bảo đảm phân bổ gắn với sử dụng hiệu quả nguồn lực", bà Nga kiến nghị.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Xuân Thăng giao UBND tỉnh chỉ đạo rà soát toàn bộ danh mục dự án đầu tư công đã và đang thực hiện; xây dựng nguyên tắc xuyên suốt về phân bổ vốn đầu tư công theo hướng hạn chế thấp nhất việc chia nhỏ nguồn vốn cho các dự án nhỏ lẻ, mang tính nâng cấp, sửa chữa... Tập trung vốn cho các dự án đầu tư về kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông, văn hóa - thể thao, y tế, giáo dục. Đồng thời, chỉ đạo các cấp, ngành lập kế hoạch giải ngân cụ thể, chi tiết cho từng dự án; thành lập tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, xử lý các dự án chậm tiến độ.

"Đến 31.10.2021, kiên quyết điều chuyển vốn từ các dự án chưa giải ngân được cho các dự án đã có khối lượng thi công để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu, chủ đầu tư nếu đến hết năm 2021 không giải ngân được", ông Thăng nhấn mạnh.

Diệp Anh