Hà Nội ưu tiên nguồn lực phát triển y tế

- Chủ Nhật, 10/10/2021, 07:06 - Chia sẻ
Quan điểm của Thành ủy Hà Nội khi triển khai Chỉ thị 08 về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025” là phải rõ sản phẩm, bởi nhu cầu của người dân trong lĩnh vực y tế rất lớn song việc cân đối ngân sách chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, Sở Y tế và các đơn vị liên quan cần rà soát lại chỉ tiêu đầu tư ở các lĩnh vực khác để điều chỉnh, ưu tiên nguồn lực phát triển lĩnh vực y tế với mục tiêu đặt sức khỏe của người dân lên trên hết.

Đó là chỉ đạo của Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn tại hội nghị nghe báo cáo về triển khai các dự án đầu tư của thành phố giai đoạn 2021 - 2025 (đối với lĩnh vực y tế) và nhóm chỉ tiêu lĩnh vực y tế tại Chương trình số 08-CTr/TU (CT08). 

Phấn đấu đạt 30 giường bệnh/1 vạn dân vào năm 2025 

Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, ngành y tế Thủ đô được đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa 16 dự án. Đến nay, đã hoàn thành đưa vào sử dụng 10 dự án với tổng kinh phí hơn 3.306 tỷ đồng. Trong giai đoạn này, trên địa bàn thành phố cũng có 12 bệnh viện tư nhân được thành lập. Đáng chú ý, tính đến hết năm 2020, Hà Nội đã đạt tỷ lệ 27,1 giường bệnh/1 vạn dân (vượt chỉ tiêu đề ra 26,5 giường bệnh/1 vạn dân). Tuy nhiên, theo chỉ tiêu mới nhất trong CT08, đến năm 2025, thành phố phấn đấu đạt 30 - 35 giường bệnh/1 vạn dân. "Để đạt mức tối thiểu 30 giường bệnh/1 vạn dân, Hà Nội cần ít nhất 27.000 giường bệnh. Trong đó, số giường cần bổ sung từ nay đến năm 2025 là 4.204 giường", Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh.

Để đạt được con số trên, sau khi rà soát, Sở Y tế dự kiến tăng giường bệnh từ các nguồn đầu tư công bằng nguồn ngân sách thành phố; sáp nhập một số bệnh viện của các bộ, ngành về thành phố. Tuy nhiên, nguồn kinh phí để thực hiện các dự án chuyển tiếp, điều chỉnh hoặc thực hiện mới còn hạn chế. "Giai đoạn 2015 - 2020, Sở Y tế đề xuất 5 dự án đầu tư xây dựng bệnh viện nhưng việc kêu gọi đầu tư gặp khó khăn do không có nhà đầu tư đứng ra thực hiện. Trong khi, việc tuyển dụng các bác sĩ, nhân viên y tế tại các trung tâm, trạm y tế hiện đang vướng cả về chính sách lẫn nguồn lực", bà Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh.

Từ thực tế trên, Sở Y tế đề nghị UBND thành phố, các sở, ban, ngành quan tâm chỉ đạo, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư công. Đồng thời, tiếp tục đầu tư các dự án chuyển tiếp đã khởi công hoặc chưa khởi công từ giai đoạn 2015 - 2020 sang giai đoạn 2021 - 2025; xem xét và phê duyệt chủ trương đầu tư nâng cấp, mở rộng các bệnh viện đa khoa tại các quận, huyện... "Đặc biệt, rất mong thành phố ưu tiên đầu tư cho bệnh viện thuộc các huyện có kế hoạch, đề án phát triển thành quận giai đoạn 2021 - 2025 gồm: Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Gia Lâm, Thanh Trì", Giám đốc Sở Y tế đề xuất.

Lĩnh vực y tế được Thành uỷ Hà Nội đặc biệt quan tâm, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường

 Ảnh: P.Long

Sức khỏe của Nhân dân là ưu tiên hàng đầu

Lắng nghe ý kiến của các sở, ngành, địa phương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng cho rằng: Để hoàn thành chỉ tiêu 30 - 35 giường bệnh/1 vạn dân vào năm 2025, thành phố cần có các giải pháp về vốn. Vì vậy, thời gian tới phải rà soát rõ địa chỉ đối với 6 bệnh viện xây mới, bố trí phân cấp đầu tư sao cho hợp lý, hiệu quả. Trong đó, việc xây dựng bệnh viện mới phải có thiết kế quy mô phù hợp với thực tế, với quy hoạch tổng thể, tránh tình trạng xây dựng manh mún, nhỏ lẻ.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh, cần giải pháp thực sự đột phá để hoàn thành các chỉ tiêu về lĩnh vực y tế. Trong đó, xây dựng bệnh viện mới mang tính vùng của Hà Nội được xác định là nhóm giải pháp quan trọng. Cùng với đó, cần tập trung đầu tư vào 3 nhóm cấp thiết, gồm: Xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị và nguồn nhân lực cho các bệnh viện. Thành phố cũng phải chú trọng hơn nữa công tác thanh tra thực hiện pháp luật về y tế, nhất là đối với các dự án y tế đang chậm triển khai.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh: CT08 của Thành ủy có tác động lớn và trực tiếp tới Nhân dân, nhất là các chỉ tiêu liên quan đến lĩnh vực y tế. Vì vậy, hội nghị lần này có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nhằm rà soát, định lượng cân đối nguồn lực để hoàn thành chỉ tiêu 30 - 35 giường bệnh/1 vạn dân vào năm 2025. Nhu cầu của Nhân dân trong lĩnh vực y tế là rất lớn nhưng việc cân đối ngân sách của thành phố chưa thực sự đáp ứng được. Vì vậy, Sở Y tế và các sở, ngành liên quan cần rà soát lại các chỉ tiêu đầu tư ở các lĩnh vực khác để có điều chỉnh phù hợp. Trong đó, ưu tiên cho lĩnh vực y tế với mục tiêu đặt sức khỏe của người dân lên trên hết.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Ngọc Tuấn cũng đề nghị các sở, ngành sớm rà soát, đôn đốc triển khai các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020; làm việc với các bộ, ngành liên quan để tiếp nhận các bệnh viện. Ngoài ra, cần phối hợp chặt trong phân tuyến, địa điểm xây dựng các bệnh viện mới; đào tạo đủ nguồn nhân lực để đưa các bệnh viện vào hoạt động ngay khi xây dựng xong. Đặc biệt, quan tâm đến hoạt động của các trạm y tế cơ sở, bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt nhất cho người dân. 

PHI LONG