Hà Nội tăng mức đầu tư trong lĩnh vực văn hoá

- Thứ Tư, 09/12/2020, 11:39 - Chia sẻ
Tại phiên chất vấn về nhóm vấn đề thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố, Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố, nhiều đại biểu đã gửi câu hỏi tới lãnh đạo quận, huyện trong việc thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử.

Tuyên truyền để người dân không mang vật nuôi vào không gian công cộng

ĐB Đỗ Thùy Dương (tổ ĐB Cầu Giấy) quan tâm đến tình trạng chửi bậy trong học sinh. ĐB đặt vấn đề với Giám đốc Sở GD&ĐT và Sở VHTT trong việc tạo không gian để vận động vật lý, từ đó nâng cao sức khỏe tinh thần cho cả học sinh lẫn người dân nói chung. 

ĐB Nguyễn Việt Cường (tổ ĐB Mê Linh) nêu tình trạng còn một số bến xe chưa niêm yết công khai các bộ quy tắc ứng xử. ĐB hỏi trách nhiệm của Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm và Giám đốc Bên xe Mỹ Đình về việc này, cũng như các biện pháp khắc phục? 

ĐB Nguyễn Thị Lan Hương (tổ Đông Anh) đặt câu hỏi: Tại Điều 3 Quyết định 1665-QĐ/UBND ngày 10/3/2017 về Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP có quy định “không thả rông vật nuôi gây nguy hiểm, làm mất vệ sinh nơi công cộng, không xả rác thải chất thải bừa bãi trái quy định”. Tuy nhiên vào những ngày cuối tuần trên các tuyến phố đi bộ và nhiều khu vực công cộng tại quận Hoàn Kiếm, hiện tượng này diễn ra khá phổ biến. Đề nghị lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm cho biết nguyên nhân, giải pháp khắc phục?

ĐB Nguyễn Thị Lan Hương (tổ Đông Anh)

Trả lời về quy định “không thả rông vật nuôi gây nguy hiểm, làm mất vệ sinh nơi công cộng” tại quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho hay, Quận Hoàn Kiếm tuyên truyền đến hơn 1.300 hộ dân có vật nuôi chó, mèo không mang vật nuôi vào không gian công cộng, tiêm phòng cho vật nuôi; tổ chức cắm chốt tại các điểm vào không gian phố đi bộ, tổ chức đoàn kiểm tra, kiểm soát... do đó, hạn chế rất lớn tình trạng vật nuôi vào không gian công cộng, nếu có chỉ là những vật nuôi nhỏ. Bên cạnh đó, quận cũng tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt.

 

Tăng cương tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng

Trả lời chất vấn, Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Huy Cường cho biết, trên bến xe Mỹ Đình, các hành khách đều tuân thủ các nội quy nơi công cộng, có ý thức bảo vệ cảnh quan chung, không còn hiện tượng tranh giành khách. Sau cuộc giám sát của HĐND TP thấy có tình trạng tờ tuyên truyền bị bong trên các bảng tin tại bến xe Mỹ Đình, bến xe đã niêm yết công khai lại các Quy tắc ứng xử. Ông Nguyễn Huy Cường cũng cho biết, quận đã xử lý hành chính đối với những người thiếu văn hóa hoặc không tuân thủ các quy định phòng chống dịch Covid-19 với 1.019 người vi phạm, xử phạt hơn 200 triệu đồng.

Trả lời câu hỏi của ĐB Thùy Dương, Giám đốc Sở VHTT Tô Văn Động cho hay, một trong những giải pháp quan trọng trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh là lấy xây để chống, tăng mức đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, cải tạo các nhà văn hóa thôn, các nhà hát, tu bổ các công viên. Ông Tô Văn Động cho rằng nếu người dân, học sinh khỏe mạnh cả về tinh thần và vật chất thì sẽ hạn chế được các hành vi xấu.

Trả lời làm rõ thêm một số vấn đề, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cho biết: nguyên nhân ở một số nơi, số chỗ việc thực hiện các Quy tắc ứng xử chưa hiệu quả là do công tác tuyên truyền chưa đa dạng, liên tục để người dân nắm được và thực hiện. Phó Chủ tịch UBND TP cho rằng trách nhiệm thuộc về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, các cơ quan truyền thông, và cơ sở để làm sao tuyên truyền đạt hiệu quả cao. Vì vậy trong thời gian tới, cần tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, liên tục. Chính quyền cơ sở phải vận động để người dân thực hiện các nội dung Quy tắc ứng xử.

Về việc còn tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây mất mỹ quan, Phó Chủ tịch UBND TP cũng cho rằng nguyên nhân là do công tác tuyên truyền chưa liên tục; chế tài xử phạt chưa triệt để. Cần tăng cường tuyên truyền, tăng cường xử lý vi phạm theo quy định.

P.Long (Huỳnh Phi Long)