Hà Giang tăng tốc độ trồng mới cây xanh

- Thứ Tư, 17/02/2021, 21:08 - Chia sẻ
Hưởng ứng sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ, Hà Giang dự kiến trồng thêm 1 triệu cây xanh mới, với mục tiêu diện tích năm sau tăng gấp từ 1,5 đến 2 lần so với năm trước trong giai đoạn 2021-2026…

Tăng tỷ lệ che phủ rừng lên gần 60%

Tại Lễ phát động Tết trồng cây nhân đầu xuân 2021 trên địa bàn huyện Vị Xuyên ngày 17.2, tỉnh Hà Giang cho biết sẽ trồng rừng mới tập trung và rừng sau khai thác với diện tích 1.000ha, trong đó có 200ha quế chất lượng cao.

Với địa bàn miền núi có địa chất phức tạp như Hà Giang, yếu tố phòng chống thiên tai, điều hòa khí hậu và nâng cao chất lượng môi trường trường sinh thái của rừng cực kỳ quan trọng. Bởi vậy, việc lựa chọn các loại cây phù hợp với từng địa bàn, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và tiềm năng địa phương được ngành nông nghiệp tỉnh chuẩn bị khá kỹ lương. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Hải Lý cho biết, Hà Giang đã, đang và sẽ chuẩn bị chu đáo 1 triệu cây giống cho chương trình hưởng ứng sang kiến 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ.

Hà Giang phát động Lễ trồng cây nhân dịp Tết nguyên đán 2021
Hà Giang phát động Lễ trồng cây nhân dịp Tết Nguyên đán 2021

Nâng cao hơn nữa diện tích rừng trồng, tăng độ che phủ lên 58,2% là mục tiêu mà Hà Giang đề ra trong năm 2021. Gần 1 triệu cây giống chất lượng là những cây lâm nghiệp gỗ lớn và cây dược liệu đã được tỉnh chuẩn bị. Hà Giang sẽ tập trung chọn các loại cây phù hợp với vùng núi đá. Việc này cũng chống sạt lở, vì vậy chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm - ông Lý cho biết.

Để thúc đẩy công tác phát triển rừng, tỉnh Hà Giang đã ưu tiên mở rộng và phát triển hệ thống đường giao thông tại các vùng quy hoạch. Đây là cơ sở để phục vụ nhu cầu đi lại, chăm sóc, bảo vệ, tu bổ và khai thác các sản phẩm từ rừng với khối lượng ngày càng lớn.

Ngoài ra, do diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng còn khá lớn, tỉnh Hà Giang thực hiện chủ trương khuyến khích hộ và nhóm hộ, các doanh nghiệp đầu tư phát triển trồng rừng theo mô hình nông - lâm kết hợp. Khuyến khích các cá nhân, tập thể phát triển và mở rộng mô hình kinh tế trang trại, nhất là trang trại trồng rừng cây nguyên liệu.

Bên cạnh đó, việc thực hiện tốt các chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các tổ chức và các hộ là chủ rừng đã phát huy được tính đoàn kết, gắn bó giữa lực lượng kiểm lâm và người dân trên địa bàn. Nhờ đó, đã góp phần nâng cao hiệu quả của công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Nâng cao kinh tế, cải thiện sinh thái

Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên đã trở thành xu thế chủ đạo, yêu cầu sống còn của cả đất nước và mỗi tỉnh, huyện, xã. Có lẽ chưa bao giờ, câu chuyện phát triển bền vững lại trở thành nhu cầu cấp thiết với xã hội như hiện tại. "Chương trình của Thủ tướng Chính phủ là trồng 1 tỷ cây, nhưng ngành nông nghiệp xây dựng đề án phải trồng 1,2 tỷ cây. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết đã rà soát kỹ lưỡng giải pháp cùng ý kiến của hầu hết các tỉnh, thành phố và khẳng định chương trình này sẽ thành công", Giám đốc Hoàng Hải Lý chia sẻ.

Bởi vậy, trồng cây và bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái không còn là khẩu hiệu. Khi mỗi địa phương chuẩn bị cây giống chất lượng, phù hợp, bảo đảm cây sinh trưởng, phát triển tốt, cả nước sẽ sớm có thêm 1 tỷ cây xanh.

Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên Hoàng Thanh Tịnh cho biết, hưởng ứng sáng kiến trên, huyện đã trồng 5ha sa mộc con cách đây gần 1 tháng ở xã biên giới Thanh Thủy. Mảnh đất lịch sử đang dần hồi sinh nhờ những chồi non, sự sống, góp phần tăng diện tích cây trồng lên hơn 100ha.

Hà Giang còn nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế rừng
Hà Giang còn nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế rừng

Trồng rừng không chỉ cho hôm nay mà cho cả thế hệ mai sau, góp phần cải thiện kinh tế, là yếu tố quan trọng trong phòng chống thiên tai, điều hòa khí hậu và nâng cao chất lượng môi trường trường sinh thái, làm đẹp cảnh quan. Trong những năm vừa qua, huyện Vị Xuyên đã làm tốt công tác quản lý, chăm sóc, phục hồi và tái sinh rừng tự nhiên. Bên cạnh đó là công tác quy hoạch rừng sản xuất, rừng lấy gỗ và cây trồng chủ lực, dần hình thành vùng sản xuất tập chung gắn với chế biến các sản phẩm từ gỗ, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó đời sống của người trồng rừng không ngừng được cải thiện, sản xuất lâm nghiệp đã trở thành động lực quan trọng để xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới… - Chủ tịch UBND huyện Hoàng Thanh Tịnh cho biết.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2025, cả nước sẽ phải trồng khoảng 690.000 cây phân tán và khoảng 390 triệu cây bản địa ở rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Mục tiêu đặt ra là trồng ngay trong dịp Tết Nguyên đán. Ngành nông nghiệp sẽ rà soát quỹ đất để trồng 1 tỷ cây xanh, bao gồm đất khu đô thị, công nghiệp, khu kinh tế, các đường giao thông, khu đất canh tác lâm nghiệp tập trung và khu vực ven biển.

Báo cáo Triển vọng Môi trường toàn cầu (GEO) mới đây do 250 nhà khoa học từ 70 quốc gia trên thế giới thực hiện trong 6 năm đã chỉ ra rằng, nếu loài người không hành động kịp thời, thì việc chạy theo những lợi ích kinh tế, lợi ích vật chất trước mắt một cách bất chấp tất cả, môi trường, thiên nhiên tiếp tục bị hủy hoại, bị tàn phá có thể đưa nhân loại tới chỗ diệt vong.

Nam Anh