Hà Giang bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa

- Thứ Sáu, 21/01/2022, 06:25 - Chia sẻ
Là tỉnh miền núi, biên giới, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, song qua khảo sát thực tiễn và báo cáo, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục ghi nhận, Hà Giang đã có nỗ lực, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, từng bước phát triển kinh tế đồng bộ với phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; qua đó góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Hệ thống di sản văn hóa phong phú

Theo Quyết định đầu năm 2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ cầu mùa, cầu mưa của người Dao huyện Bắc Mê; tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ cầu an của người Giáy xã Nậm Ban, huyện Mèo Vạc và Tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lô Lô Đen xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Như vậy đến nay, tổng số di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của Hà Giang lên tới 25 di sản.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang Nguyễn Hồng Hải cho biết, năm 2021 đã tổ chức kiểm kê trên địa bàn toàn tỉnh, kết quả nhận diện được 446 di sản văn hóa phi vật thể với 7 loại hình của 14 dân tộc cư trú lâu năm và sinh sống tập trung thành làng (bản), gồm: Mông, Tày, Dao, Kinh, Nùng, Giáy, La Chí, Hoa (Hán), Pà Thẻn, Cờ Lao, Lô Lô, Bố Y, Phù Lá, Pu Péo. Trong đó có 17 di sản loại hình tiếng nói, chữ viết; 47 di sản ngữ văn dân gian; 12 di sản nghệ thuật trình diễn dân gian; 259 di sản tập quán xã hội và tín ngưỡng; 13 di sản lễ hội truyền thống; 41 di sản nghề thủ công truyền thống và 57 di sản tri thức dân gian.

Đối với di sản văn hóa vật thể, hiện Hà Giang có 3 bảo vật quốc gia, 61 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh (trong đó có 31 di tích cấp quốc gia, 30 di tích cấp tỉnh). Các di tích được xếp hạng đã được lập bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ. Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là thành viên Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu (GGN) và đã thực hiện các nhiệm vụ phục vụ 2 lần tái đánh giá của GGN cũng như tích cực triển khai 10 khuyến nghị của chuyên gia tại kỳ thẩm định lần II năm 2018.

Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục khảo sát các thiết chế văn hóa tại huyện Mèo Vạc, Hà Giang

Nhiều nghị quyết, đề án, chỉ thị cụ thể

Tuy còn là một tỉnh nghèo, điều kiện kinh tế - xã hội nhiều khó khăn, nhưng qua báo cáo cũng như khảo sát thực tế cho thấy, Hà Giang luôn quan tâm, triển khai nhiều giải pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Giang, 5 năm qua, tỉnh đã phân bổ kinh phí đầu tư, huy động vốn để trùng tu, tôn tạo 3 di tích lịch sử văn hóa, di tích lịch sử cách mạng (gồm phố cổ Đồng Văn, di tích lịch sử Căng Bắc Mê, kỳ đài tại Quảng trường 26.3) với tổng kinh phí là 34.210 triệu đồng; thực hiện 2 dự án sưu tầm, bảo tồn văn hóa phi vật thể và phục dựng 3 lễ hội tiêu biểu của các dân tộc trên địa bàn tỉnh; bảo tồn làng truyền thống dân tộc Bố Y, thôn Nậm Lương, xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ.

Ngoài ra, tỉnh còn triển khai mở 10 lớp truyền dạy bí quyết và tổ chức thực hành di sản nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, đặc biệt là các dân tộc có nguy cơ bị mai một, bao gồm: Lễ cúng thần rừng của người Pu Péo, Lễ hội gầu tào của người Mông, Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô, Lễ mừng năm mới của người Giáy, Nghi lễ Then của người Tày, Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn, Tết khu cù tê của người La Chí, Lễ hội Quỹa hiéng của người Dao đỏ, Tri thức canh tác hốc đá của cư dân Cao nguyên đá Hà Giang, Lễ cấp sắc của người Dao.

Đây là kết quả của việc triển khai hiệu quả các nghị quyết, đề án, chỉ thị cụ thể về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 09-ĐA/TU về việc bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030; Đề án số 05-ĐA/TU về nâng cao chất lượng hoạt động mô hình Hội Nghệ nhân dân gian giai đoạn 2016 - 2020... Riêng năm 2021, Tỉnh ủy đã có Nghị quyết về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết về bảo tồn và phát huy gá trị công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng bài trừ các hủ tục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 - 2025…

Tuy vậy, Đoàn giám sát cũng chỉ rõ, nguồn lực Hà Giang đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch còn thấp, chủ yếu từ ngân sách Trung ương. Công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa còn không ít khó khăn, phần lớn di tích có kết cấu vật liệu không bền, nhanh xuống cấp. Vẫn xảy ra tình trạng xâm phạm vùng bảo vệ di tích, dân cư sống xen kẽ trong khu vực bảo vệ của di tích, như ở phố cổ Đồng Văn... Dẫn chứng khu nhà cổ của dòng họ Vừ ở Đồng Văn, ra đời trước cả nhà họ Vương, nhưng đến nay chưa được kiểm kê, đánh giá, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng đề nghị Hà Giang “kiểm kê, xếp hạng di tích kịp thời để có phương án bảo vệ. Đặc biệt, phải quan tâm tới chế độ, chính sách đối với nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng, bởi đây là các chủ thể của di sản”.

Nhật Linh