Góp ý kiến về Luật Điện ảnh (sửa đổi)

- Thứ Năm, 28/10/2021, 11:34 - Chia sẻ
Có thể khẳng định rằng việc sửa đổi Luật Điện ảnh là rất cần thiết nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng. Đồng thời để khắc phục những tồn tại, bất cập sau 14 năm thi hành Luật Điện ảnh năm 2006 cũng như kiến tạo, phát triển thị trường điện ảnh trong thời đại số, công nghệ tiên tiến hiện nay. Để góp phần hoàn thiện đạo luật quan trọng này, tôi xin đóng góp một số ý kiến sau:

Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu phim, theo Điều 35, dự thảo Luật này, chủ sở hữu sản phẩm điện ảnh được xác định là nhà đầu tư. Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt. Trong Luật có chia sẻ các quyền năng cụ thể này cho các chủ thể khác nhau cùng tham gia sản xuất phim không và nếu có thì căn cứ để chia sẻ là gì?. Khoản 15, Điều 3, dự án Luật đưa ra khái niệm “không gian mạng” là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu. Đây là khái niệm của luật về internet, luật công nghệ thông tin cần xem xét, đánh giá hết sức kỹ lưỡng để việc áp dụng đi vào thực tế cuộc sống.

Về những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh. Điểm h, Khoản 1, Điều 10 Dự thảo Luật quy đinh: "h) Kích động bạo lực, hành vi tội ác bằng việc thể hiện chi tiết cách thức thực hiện, hình ảnh, âm thanh, lời thoại, cảnh đánh đập, tra tấn, giết người dã man, tàn bạo và những hành vi khác xúc phạm đến nhân phẩm con người, trái với truyền thống yêu hoà bình và nhân ái của dân tộc; trừ trường hợp các nội dung đó thể hiện để nhằm phê phán, tố cáo, lên án tội ác, đề cao chính nghĩa".

Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng nên bỏ nội dung này, vì phim ảnh là thể hiện hiện thực xã hội, dù thủ pháp nhân cách hóa và nếu cho rằng hình ảnh bạo lực trên phim mà ảnh hưởng, tác động đến xã hội, làm cho hành vi bạo lực tăng lên là không hợp lý. Mặt khác, việc quy định "trừ trường hợp các nội dung đó thể hiện để nhằm phê phán, tố cáo, lên án tội ác, đề cao chính nghĩa…". Quy định như vậy chung chung, khó định lượng nên rất khó để xác định rõ ràng như thế nào, trong trường hợp nào làphê phán, tố cáo, lên án tội ác, đề cao chính nghĩa”, trường hợp nào không để xem xét xử lý.

Liên quan đến trách nhiệm của tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp về điện ảnh. Tại điểm b, Khoản 2, Điều 8, dự thảo Luật quy định tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp về điện ảnh có trách nhiệm: "Tham gia ý kiến xây dựng, phổ biến, giáo dục việc thực hiện các quy định của pháp luật, chính sách về điện ảnh". Theo tôi đề nghị cơ quan soạn thảo biên tập lại như sau: "Tham gia ý kiến xây dựng pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, các chính sách liên quan đến về điện ảnh". Việc biên tập lại như trên cho đầy đủ, ngắn gọn, chính xác. Tại Điểm b, Khoản 2, Điều 8 của Dự thảo Luật quy định tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp về điện ảnh có trách nhiệm "đ) Phát hiện và kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về điện ảnh." Đề nghị bổ sung thêm cụm từ phối hợp vào sau cụm từ "kiến nghị" và biên tập lại như sau: "đ) Phát hiện, kiến nghị và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về điện ảnh.". Quy định như vậy đảm bảo phù hợp, thể hiện đầy đủ trách nhiệm của các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp về điện ảnh trong việc kịp thời xử lý vi phạm có liên quan đến điện ảnh.

Phạm Chung