Nữ đại biểu Quốc hội

Góp phần tích cực bảo đảm sự công bằng trong các chính sách

- Thứ Hai, 08/03/2021, 06:52 - Chia sẻ

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội LÊ THỊ NGUYỆT, dấu ấn của nữ đại biểu Quốc hội trong hoạt động nghị trường rất rõ nét. Với sự nhạy cảm đặc biệt trong quan sát và thấu hiểu cuộc sống, các nữ đại biểu Quốc hội đã có những đóng góp quan trọng, thực chất trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của Quốc hội. Nhiều nữ đại biểu ghi dấu ấn với những phát biểu mạnh mẽ, trách nhiệm và chất lượng; kiên trì, quyết liệt theo đuổi những vấn đề được người dân quan tâm, nhất là những vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới... từ đó góp phần tích cực bảo đảm sự công bằng, bao trùm trong các chính sách, pháp luật được Quốc hội quyết định.

Sôi nổi, trách nhiệm, được cử tri đánh giá cao

- 3 nhiệm kỳ liên tiếp tham gia Quốc hội, theo quan sát của bà, nữ đại biểu Quốc hội có đóng góp như thế nào trong hoạt động nghị trường?

- Tỷ lệ nữ đại biểu trong Quốc hội Khóa XIV là 26,72% nhưng dấu ấn trong tất cả các hoạt động của Quốc hội thì rất rõ nét.  Có cơ sở cho thấy rõ điều đó. Ví dụ, trong hoạt động lập pháp, tỷ lệ các nữ đại biểu tham gia ý kiến đóng góp vào các dự án luật tại phiên thảo luận chung tại hội trường đạt khoảng 27% tổng số ý kiến phát biểu. Một số dự án luật, tỷ lệ nữ đại biểu tham gia ý kiến ở mức rất cao như: Dự án Luật Du lịch đạt 52,4%, dự án Luật Trợ giúp pháp lý đạt 41,2%, dự án Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước đạt 36,8%, dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 35,7%... Các ý kiến đóng góp của nữ đại biểu đều được Quốc hội tán thành và ghi nhận.

Đặc biệt, đại biểu Quốc hội đầu tiên có dự án luật trình Quốc hội và được Quốc hội đưa vào chương trình lập pháp cũng là nữ. Tuy dự án Luật Hành chính công do nữ đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) trình chưa được Quốc hội thông qua do còn một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu thấu đáo hơn, nhưng đây là một dấu ấn trong hoạt động của nữ đại biểu Quốc hội và là niềm tự hào của các nữ đại biểu Quốc hội.

Trong các hoạt động giám sát, nữ đại biểu Quốc hội rất tích cực tham gia, nhất là giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình; hôn nhân và gia đình và thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới... Nhiều kiến nghị xác đáng của các nữ đại biểu đã đóng góp tích cực vào việc hoàn thiện chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực quan trọng này.  

Trong lĩnh vực quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước là nhiệm vụ có tính chất trọng tâm và thường xuyên của Quốc hội, nữ đại biểu cũng tham gia đóng góp ý kiến rất sôi nổi, trách nhiệm và được cử tri đánh giá cao. Nhiều nữ đại biểu ghi dấu ấn với những phát biểu mạnh mẽ, trách nhiệm và chất lượng; kiên trì, quyết liệt theo đuổi những vấn đề được người dân quan tâm, nhất là những vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới, đóng góp tích cực và sâu sắc vào hoạt động của Quốc hội.

- Theo bà, điều gì đã làm nên những dấu ấn rất riêng của nữ đại biểu Quốc hội như vậy?

Trước hết là bởi đặc tính giới. Nữ đại biểu Quốc hội có sự nhạy cảm đặc biệt trong việc quan sát và thấu hiểu cuộc sống. Những biến chuyển phong phú, sôi động và cả những góc sâu kín của đời sống tinh thần, đời sống vật chất có lẽ phụ nữ là người phải đối mặt thường xuyên nhất, từ đó hình thành nên những kiến nghị, đề xuất thiết thực, xác đáng để chính sách, pháp luật thực sự đi vào cuộc sống.

Theo dõi hoạt động nghị trường và từ thực tế hoạt động của Ủy ban về các vấn đề Xã hội, tôi nhận thấy, nữ đại biểu Quốc hội có vai trò hết sức quan trọng trong việc phát hiện những vấn đề có thể tác động đa chiều đến xã hội, những quy định có thể không bảo đảm sự phát triển bền vững, quyền lợi, sự công bằng cho các nhóm đối tượng trong xã hội, đặc biệt là nhóm yếu thế như người già, người khuyết tật, trẻ em... từ đó đưa ra các khuyến nghị, kiến nghị phù hợp. Chính điều này đã giúp nữ đại biểu Quốc hội đóng góp tích cực vào việc bảo đảm sự công bằng, bao trùm trong các chính sách, pháp luật được trình Quốc hội.

Một yếu tố quan trọng nữa là Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tạo ra một diễn đàn rất hiệu quả để các nữ đại biểu trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng hoạt động, chia sẻ quan điểm về các vấn đề được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội, từ đó giúp các nữ đại biểu hoạt động hiệu quả hơn.

 Nâng trách nhiệm của cơ quan soạn thảo

- Được giao chủ trì thẩm tra lồng ghép bình đẳng giới trong các dự án luật trình Quốc hội, bà đánh giá thế nào về vấn đề này?

- Lồng ghép bình đẳng giới trong các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội là quy định đã được khẳng định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Bình đẳng giới... Trong đó, Ủy ban về các vấn đề Xã hội là cơ quan được giao chủ trì tiến hành thẩm tra vấn đề này. 

Lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng luật thời gian qua đã có sự chuyển biến tích cực. Chúng tôi đã hình thành được nhóm chuyên gia, cộng tác viên chuyên nghiên cứu, xem xét xác định vấn đề giới và lồng ghép giới trong các dự án, dự thảo văn bản. Qua quá trình thẩm tra, Ủy ban chúng tôi đã kịp thời phát hiện các quy định chưa đáp ứng yêu cầu bảo đảm bình đẳng giới, những vấn đề giới mà các Ban soạn thảo chưa tính đến, chưa dự báo được hoặc thậm chí là biết nhưng lại bỏ qua. Công tác phối hợp giữa các Ủy ban chủ trì thẩm tra với Ủy ban về các vấn đề Xã hội trong việc thẩm tra lồng ghép giới ngày càng chặt chẽ. Chất lượng thẩm tra được nâng lên rõ rệt.

"Hoạt động lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật do Ủy ban về các vấn đề Xã hội và Nhóm Nữ đại biểu Quốc hội phối hợp tiến hành đạt được kết quả đáng ghi nhận: Số lượng văn bản pháp luật được lồng ghép bình đẳng giới ngày càng tăng, từ luật khung tới luật chuyên ngành, từ lĩnh vực xã hội tới các lĩnh vực khác như giáo dục, khoa học, công nghệ, tư pháp... Nếu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XII mới chỉ có 20 dự án luật được lồng ghép bình đẳng giới thì đến Khóa XIII con số này đã là 46 và Khóa XIV là 56 dự án".

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lê Thị Nguyệt 

Về cơ bản, các dự thảo luật, bộ luật được thẩm tra lồng ghép giới, bình đẳng giới thì đến thời điểm Quốc hội thông qua không có quy định nào vi phạm nguyên tắc bình đẳng giới. Có thể nói rằng, thông qua hoạt động thẩm tra lồng ghép giới, Ủy ban về các vấn đề Xã hội đã thực hiện khá tốt vai trò “gác cổng” cho Quốc hội trong lĩnh vực bình đẳng giới, góp phần bảo đảm các nguyên tắc, chính sách bình đẳng giới trong các luật do Quốc hội ban hành.

- Thực tế cho thấy, nhiều cơ quan soạn thảo cũng chưa thực sự quan tâm đến vấn đề lồng ghép bình đẳng giới trong quá trình xây dựng các dự thảo chính sách, pháp luật, thưa bà?

- Đúng vậy, rất nhiều dự án luật, pháp lệnh không lồng ghép bình đẳng giới. Có cơ quan soạn thảo chỉ biết được dự án do mình soạn thảo có vấn đề bình đẳng giới khi Ủy ban chúng tôi tiến hành thẩm tra và chỉ ra. Nói cách khác, hoạt động thẩm tra lồng ghép giới đã góp phần từng bước nâng cao nhận thức, hiểu biết về bình đẳng giới, qua đó thúc đẩy sự quan tâm, ý thức trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc thực hiện nhiệm vụ lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật.

Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới, cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật cho đại biểu Quốc hội và cho cả các cơ quan soạn thảo dự án luật. Cần có quy định cụ thể nhằm nâng cao trách nhiệm của cơ quan soạn thảo trong việc bảo đảm lồng ghép giới, bình đẳng giới trong quá trình xây dựng, soạn thảo các dự án luật trình Quốc hội. Đồng thời có cơ chế phản hồi thông tin từ phía cơ quan soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan chủ trì thẩm tra về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật trên cơ sở ý kiến thẩm tra về lồng ghép bình đẳng giới của Ủy ban về các vấn đề Xã hội.

- Bà nhiều lần phát biểu về vai trò của gia đình đối với sự phát triển bền vững của xã hội. Chúng ta hay nói gia đình là “tế bào” của xã hội nhưng thực tế hiện nay cũng có rất nhiều “góc khuất” sau cánh cửa mỗi gia đình. Theo bà, thực tế này đặt ra yêu cầu như thế nào đối với công tác quản lý nhà nước, xây dựng chính sách, pháp luật?  

- Tôi cho rằng, hệ thống pháp luật có liên quan trong lĩnh vực gia đình hiện nay khá tốt và tiến bộ. Nhưng trong quá trình thực thi, công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực gia đình đang thuộc nhiều bộ, ngành khác nhau. Cụ thể, công tác dân số đang phân công cho Bộ Y tế; vấn đề gia đình thuộc quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; trẻ em và bình đẳng giới lại nằm ở Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Với xu hướng phát triển của xã hội hiện nay, nhất là tác động của công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật đang làm thay đổi rất lớn cấu trúc, sinh hoạt và văn hóa gia đình, đặt ra những thách thức rất lớn đối với công tác quản lý nhà nước.

Ủy ban Về các vấn đề Xã hội đang theo dõi, giám sát việc thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình... Bạo lực gia đình, đặc biệt là bạo lực với phụ nữ và trẻ em trong gia đình là vấn đề nhức nhối được rất nhiều đại biểu và cử tri hết sức quan tâm. Tuy vậy, để đánh giá được đầy đủ, chính xác thực trạng này rất khó; ngay cả việc thu thập thông tin, số liệu về những vụ việc cũng chưa chính xác mà nguyên nhân chủ yếu do công tác quản lý nhà nước chưa tập trung. Do đó, phải có sự thống nhất trong vấn đề quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương và huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và gia đình cùng chung tay vào cuộc để thực hiện thành công nhiệm vụ này.

 - Xin trân trọng cảm ơn bà!

Hồ Long thực hiện