Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV:

Góp phần bảo đảm an toàn nợ công, an toàn tài chính quốc gia

- Thứ Ba, 20/10/2020, 17:57 - Chia sẻ
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Mười, chiều 20.10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã nghe Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Dự kiến 15/22 mục tiêu tại Nghị quyết 24 hoàn thành và có khả năng hoàn thành

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đến năm 2020, dự kiến 15 trong số 22 mục tiêu được giao tại Nghị quyết 24 hoàn thành và có khả năng hoàn thành (chiếm gần 68,2%). Trong đó, 5 mục tiêu quan trọng đã hoàn thành vượt xa so với kế hoạch đề ra, góp phần tạo được bước tiến thực chất trong cơ cấu lại nền kinh tế của giai đoạn 2016 - 2020.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020

Về thực hiện Kế hoạch hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, việc triển khai Nghị quyết 24 đã mang lại những kết quả thực chất hơn. Trong đó, nổi bật là có sự chuyển biến mạnh mẽ cả về tư duy và hành động trong công tác xây dựng kế hoạch và chỉ đạo thực hiện chương trình cơ cấu lại nền kinh tế. Một mặt làm thay đổi nhận thức của các cấp, các ngành trong thực hiện chương trình cơ cấu lại nền kinh tế, mặt khác đã truyền cảm hứng, tạo lòng tin cho thị trường. Vì vậy, chương trình cơ cấu lại nền kinh tế đi vào thực chất hơn, tạo chuyển biến tích cực. Cân đối kinh tế vĩ mô và kết cấu nền kinh tế được củng cố vững chắc hơn (lạm phát được kiểm soát; tỷ lệ nợ công và áp lực trả nợ hàng năm giảm; hạ tầng tài chính được củng cố, lòng tin thị trường được tăng cường, hệ số tín nhiệm quốc gia tăng) qua đó tạo tiền đề để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh hơn…

Về định hướng tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 cần tiếp tục thực hiện nhằm hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời, bổ sung các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế với bước đi phù hợp trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Theo đó, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 cần được xây dựng bảo đảm các nguyên tắc và quan điểm, đó là phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ về quan điểm, định hướng và mục tiêu của chiến lược phát triển quốc gia thời kỳ 2021-2030; phù hợp với định hướng phát triển của ngành và lãnh thổ được xác định trong quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030. Tập trung nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực thông qua phát triển đồng bộ các loại thị trường kết hợp với tận dụng khai thác cơ hội của công nghệ số. Xác định rõ ràng hơn các trọng tâm, trọng điểm cơ cấu lại nền kinh tế theo ngành, vùng, nhóm địa phương để tận dụng được lợi thế và tập trung nguồn lực, tạo ra những kết quả rõ nét hơn…

Kết quả tổng thể chưa thật đồng bộ

Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày cho biết, các mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là trong bối cảnh phải đồng thời giải quyết những tồn tại, hạn chế của giai đoạn trước và tạo tiền đề cho đổi mới mô hình tăng trưởng sau năm 2020, tình hình khu vực, thế giới và dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thể chế về huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực từng bước được hoàn thiện, phù hợp hơn với thông lệ quốc tế và yêu cầu hội nhập. Nhà nước đã thể hiện rõ hơn vai trò trong việc sử dụng các công cụ chính sách và nguồn lực để định hướng, điều tiết quá trình huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực theo cơ chế thị trường thông qua việc tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, thuận lợi; thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và bảo vệ môi trường.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020

Việc có 15/22 mục tiêu hoàn thành hoặc có khả năng hoàn thành, trong đó, các mục tiêu về năng suất, đổi mới công nghệ đạt và vượt mục tiêu đề ra; xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu dẫn đầu trong nhóm 29 nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN; các mục tiêu về nợ công hoàn thành vượt xa mục tiêu đề ra, đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn nợ công, an toàn tài chính quốc gia, giảm áp lực trả nợ lên ngân sách nhà nước. Tuy vậy, còn 7/22 mục tiêu đã có nhiều cải thiện so với năm 2016 và thời điểm đánh giá giữa kỳ năm 2018 nhưng có khả năng không hoàn thành, làm giảm chất lượng, hiệu quả huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực đầu tư phát triển.

Về kết quả thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm nêu tại Nghị quyết 24, một số ngành, lĩnh vực cơ cấu lại theo các nhiệm vụ trọng tâm có chuyển biến tích cực, năng suất lao động được cải thiện, nguồn lực xã hội được khai thông, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng và phát triển. Tuy nhiên, kết quả tổng thể chưa thật đồng bộ, có mặt còn chậm, chưa tạo ra chuyển biến rõ nét về hiệu quả huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực.

Về định hướng xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Ủy ban Kinh tế tán thành việc trình Quốc hội xem xét, thông qua Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, đưa ra một số quan điểm, định hướng, nhiệm vụ chủ yếu về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn tới. Cụ thể, phát triển đồng bộ thị trường các yếu tố sản xuất kết hợp với khai thác hiệu quả thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là trọng tâm của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn tới. Đổi mới toàn diện phương thức quản lý nhà nước về kinh tế, cải cách thể chế kinh tế, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số, xây dựng Nhà nước liêm chính, kiến tạo, Chính phủ điện tử, tăng cường kỷ cương, kỷ luật và hiệu lực thực thi pháp luật; giảm thiểu vai trò kinh doanh, đầu tư trực tiếp của Nhà nước. Có lộ trình và giải pháp khả thi để hoàn thành dứt điểm một số nhiệm vụ trọng tâm còn lại về cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng trong những năm đầu của giai đoạn 2021-2025 nhằm tập trung nguồn lực thúc đẩy quá trình cơ cấu lại các lĩnh vực khác của nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng…

Trung Thành