Những ánh sao khuê

Luật sư Ngô Bá Thành - người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu

- Chủ Nhật, 19/02/2023, 06:52 - Chia sẻ

Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Nhớ lại những ngày đầu hè nóng bỏng năm 1970, hàng nghìn kiều bào ta tại Campuchia bị chính quyền Lon Nol thảm sát gây nên làn sóng phẫn uất trong đồng bào ta tại cả hai miền Nam - Bắc. Hàng loạt cuộc biểu tình liên tiếp nổ ra, cao điểm là cuộc tiến công vào Đại sứ quán của Chính quyền Lon Nol, thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ, tham gia. Trong không khí sôi sục đấu tranh đó, Ủy ban Phụ nữ đòi quyền sống ra đời và Chủ tịch là Luật sư Ngô Bá Thành.

Bà Luật sư Ngô Bá Thành - tên gọi và những hoạt động yêu nước táo bạo liên tiếp của bà ngay tại Sài Gòn - cơ quan đầu não của Mỹ - ngụy, làm cho lớp trí thức trẻ thời đó hết sức khâm phục.

Bà Ngô Bá Thành tên thật là Phạm Thị Thanh Vân, sinh ngày 25.9.1931 tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh trong một gia đình trí thức giàu có. Tròn 18 tuổi, Thanh Vân kết hôn với bác sĩ Ngô Bá Thành theo sự sắp đặt của hai gia đình theo nếp xưa: “Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó”. Hai năm sau, bà đã có hai con. Ở tuổi 20, phải nuôi hai con nhỏ là một gánh nặng quá sức của bà, một con người vốn ưa bay nhảy.

Cảm thông với ước nguyện của con, gia đình quyết định cho cả hai vợ chồng bà cùng các cháu nhỏ sang Paris du học. Bà vừa theo học tú tài, vừa học đánh máy tốc ký để kiếm sống, còn ông Ngô Bá Thành học tiếp chuyên ngành thú y. Tốt nghiệp tú tài, bà theo học ngành Luật so sánh tại đại học quốc tế Paris. Những năm học ở Pháp, bà lại sinh thêm hai con. Yêu cầu học tập và gánh nặng kiếm tiền nuôi con buộc bà phải đánh máy thuê ngoài giờ học, chủ yếu vào ban đêm để “nuôi đủ bốn con với một chồng” như bà thường tếu táo trong những lần nói chuyện ở Mặt trận. Với nghị lực phi thường, bà không chỉ kiếm tiền đủ nuôi sống gia đình mà còn đoạt danh hiệu “Người vô địch nước Pháp về đánh máy tốc ký” với số tiền thưởng lớn.

Theo bà kể, thời bà học, sinh viên không bắt buộc phải có mặt ở lớp. Nhiều sinh viên vì mưu sinh không thể đến lớp thường xuyên để nghe giảng, bà đánh máy tốc ký các bài giảng của giáo sư và bán lại cho họ. Với cách làm đó, bà vừa có tiền trang trải cuộc sống, vừa thuộc bài nhanh.

Năm 1957, bà nhận bằng tiến sĩ loại xuất sắc về Luật so sánh và được trao giải thưởng khoa học Levy Uliman dành cho người đỗ đầu.

Luật sư Ngô Bá Thành - người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu -0

Báo chí Pháp nói riêng, châu Âu nói chung đã không tiếc lời ca ngợi bà, khâm phục người phụ nữ Việt Nam ở tuổi 26 với bốn con nhỏ lại nhận bằng tiến sĩ với cấp bậc thủ khoa, điều chưa từng thấy ở châu Âu. Với “chiến công” vang dội đó, bà được Trường đại học quốc tế Paris mời dạy môn Luật so sánh. Bà vừa dạy, vừa nghiên cứu luật pháp của một số nước châu Mỹ la-tinh. Giảng dạy được một thời gian, bà xin thôi và bay sang Tây Ban Nha để học luật tại Trường đại học Barcelona. Tại đây bà lại nhận bằng tiến sĩ loại xuất sắc về luật công ty. Luận án tiến sĩ của bà được in và bán trong các hiệu sách lớn ở khắp châu Mỹ la-tinh và các nước nói tiếng Tây Ban Nha. Và bà lại nhận được khoản nhuận bút kha khá.

Theo đề cử của Trường đại học quốc tế Paris, Trường đại học Colombia Hoa Kỳ - trường đại học uy tín nhất nước Mỹ thời đó cấp học bổng để bà sang Mỹ tiếp tục nghiên cứu. Cũng tại trường này, bà lại một lần nữa tạo sự bất ngờ cho mọi người. Bà được cấp bằng tiến sĩ Luật thương mại loại xuất sắc.

Nhận bằng tiến sĩ Luật tại một trường danh tiếng bậc nhất thế giới, nữ tiến sĩ Ngô Bá Thành được đích thân Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Hama Rjoeld mời làm việc cho Ban Luật quốc tế. Đây là người Việt Nam đầu tiên, lại là nữ được vinh dự đó vì ngoài giỏi chuyên môn sâu đa ngành luật, bà còn thông thạo nhiều ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha. Với lý do trường cũ - Đại học quốc tế Paris, nơi cử bà đi đào tạo, yêu cầu bà về đảm nhiệm chức Giám đốc nghiên cứu khoa học kiêm Giám đốc tổ chức, bà đã từ chối.

Năm 1963, nữ Luật sư Ngô Bá Thành rời Pháp trở về Việt Nam sau khi đi hầu khắp châu Âu, châu Mỹ với mong muốn đem kiến thức đã tích lũy được để phụng sự Tổ quốc. Nhưng thực tế đau lòng của “miền Nam đau thương và tang tóc” thời đó đã làm bà thất vọng. Có sự tác động to lớn của người cha - một nhân sĩ yêu nước, bà bước vào cuộc chiến đấu đòi quyền sống cho dân tộc.

Sự kiện hàng nghìn Việt kiều tại Campuchia bị thảm sát dã man đã gây nên làn sóng căm phẫn và làm bùng lên phong trào đấu tranh chống chính phủ Lon Nol. Các cuộc biểu tình của học sinh, sinh viên liên tiếp diễn ra và đỉnh cao là cuộc tiến công vào Tòa đại sứ Lon Nol của đông đảo các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là chị em phụ nữ. Chính trong bối cảnh đó, một phong trào đấu tranh công khai của phụ nữ Sài Gòn ra đời, mau chóng lan rộng khắp miền Nam. Đó là Phong trào phụ nữ đòi quyền sống.

Ngày 2.8.1970 tại chùa Ấn Quang, lễ ra mắt Ủy ban phụ nữ đòi quyền sống được tổ chức. Bà luật sư Ngô Bá Thành - người khởi xướng phong trào được cử làm Chủ tịch, nữ sinh viên Trần Thị Lan được cử làm Tổng Thư ký.

Để phong trào phát triển nhanh, vững chắc, ngoài 15 đoàn thể đã tham gia, để tăng tính công khai, hợp pháp, nữ luật sư tìm mọi cách vận động ngày càng nhiều nữ trí thức, nữ công chức cấp cao, cả những “mệnh phụ phu nhân” của các tướng tá chính quyền Sài Gòn.

Với lập luận đưa ra trong các cuộc hội thảo đòi quyền sống: “Hòa bình không phải là trái cấm. Nhưng hòa bình cũng không phải của ngoại bang. Hòa bình không phải của riêng ai. Và tất cả người Việt Nam yêu nước đều có quyền yêu cầu hòa bình. Một điều khẳng định rằng: Chính dân tộc Việt Nam mới yêu hòa bình một cách thật sự. Và cũng chính toàn dân Việt Nam mới có thể giành lấy hòa bình một cách thực sự. Hòa bình! phải có hòa bình, chúng ta mới có được tất cả: Tuổi trẻ, hạnh phúc, trí thức, ấm no. Quân đội Mỹ, thế lực nước ngoài phải rút khỏi Việt Nam để chúng ta nói chuyện hòa bình. Ngày hòa bình tươi sáng ấy chỉ vài tháng, vài năm hay hàng chục năm tùy thuộc vào sự đấu tranh của toàn thể đồng bào, cũng như của toàn thể học sinh, sinh viên của chúng ta, của anh em dù khác màu da, tiếng nói nhưng đứng về phía chính nghĩa và lẽ phải trên trái đất này”...

Để toàn dân Việt Nam có thể giành lấy hòa bình thực sự, Luật sư Ngô Bá Thành, chị Trần Thị Lan, Ni sư Huỳnh Liên cùng lực lượng nòng cốt tỏa xuống các địa phương tuyên truyền, vận động, phát triển phong trào. Với cách làm thiết thực, cụ thể đó, Ủy ban Phụ nữ đòi quyền sống phát triển nhanh mạnh thành phong trào phụ nữ đòi quyền sống, trở thành lực lượng hùng hậu trong đội quân tóc dài.

Tháng 5 năm 1971 tại tư gia của Luật sư Ngô Bá Thành, số 2 đường Cao Bá Quát, bà tổ chức cuộc Hội thảo quốc tế với sự tham gia của Chủ tịch Hội Phụ nữ 5 quốc gia là Mỹ, Pháp, Canada, Australia và New Zealand. Hội thảo ra tuyên bố với nội dung: “Chúng tôi, đại diện cho phụ nữ các nước Mỹ, Pháp, Canada, Australia và New Zealand lên án Nixon và Nguyễn Văn Thiệu đưa thanh niên ra chiến trường, đòi Mỹ rút quân, lập chính phủ ba thành phần, đòi bảo vệ quyền lợi và nhân phẩm cho phụ nữ”. Bản tuyên bố đã có tiếng vang lớn trong nước cũng như trên thế giới.

Tháng 8.1971, phong trào phụ nữ đòi quyền sống huy động lực lượng chống trò hề độc diễn của Nguyễn Văn Thiệu trong bầu cử Tổng thống. Mọi người đốt thẻ cử tri ngay trước trụ sở hạ nghị viện. “Người đàn bà không biết sợ” đã làm điên đầu ngụy quyền Sài Gòn, khiến chúng buộc phải bắt giam bà với án tù 5 năm. Do nhân dân đấu tranh mạnh, do chính dư luận phương Tây và cả dư luận Mỹ lên án mạnh mẽ chính quyền Sài Gòn, bảo vệ bà nên cuối cùng bà sớm được trả tự do và tiếp tục hoạt động cho đến ngày đất nước thống nhất.

Được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng vào phẩm chất và tài năng của luật sư Ngô Bá Thành, bà được giao nhiều trọng trách, nổi bật là: Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, thành viên của Hội Luật gia Mỹ, thành viên của Hội Luật gia quốc tế, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại biểu Quốc hội các Khóa VI, VII, VIII và X.

Do bệnh tật, nữ luật sư Ngô Bá Thành ra đi ngày 3.2.2004 ở tuổi 73 tại Thành phố Hồ Chí Minh để lại sự tiếc thương vô hạn trong giới trí thức; đặc biệt là trí thức nữ cũng như nhân dân ta về một người phụ nữ tài năng, đức độ đã có những đóng góp lớn vào cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.