Gỡ “điểm nghẽn” hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ

- Thứ Sáu, 31/12/2021, 15:04 - Chia sẻ
Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được coi là một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, quá trình chuyển giao, đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp nhiều rào cản, như: thiếu vốn, thiếu thông tin công nghệ, quá trình đàm phán, chuyển giao công nghệ gặp nhiều khó khăn.

Cải thiện nội lực phục hồi phát triển sau đại dịch Covid-19

Đầu tư khoa học và công nghệ để chủ động đổi mới sáng tạo và phát triển sản xuất, kinh doanh là con đường tất yếu của doanh nghiệp trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số. Nhờ đổi mới công nghệ, chất lượng sản phẩm được nâng lên, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ tạo được ưu thế bền vững trên thị trường, góp phần phát triển của ngành, địa phương và quốc gia, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng tới hầu hết các ngành, lĩnh vực và trong bối cảnh Việt Nam ra nhập vào thị trường quốc tế thông qua các hiệp định thương mại tự do.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh cho biết, Việt Nam có nhiều ký kết thương mại song phương và đa phương và trong các hiệp định thương mại đó, việc đổi mới công nghệ, áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất để tiết kiệm các nguyên liệu, đặc biệt là các nguyên liệu hiếm thì chỉ có áp dụng công nghệ mới làm được. Trong khi đó, các nước phát triển lại rất ưu tiên những sản phẩm có tính sáng tạo cao, áp dụng các công nghệ tiên tiến.

Doanh nghiệp cần đổi mới thiết bị, dây chuyền, quy trình công nghệ tạo ra các sản phẩm chủ lực.
Ảnh:ITN

Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Thu Thủy cho rằng, chuyển đổi số trong doanh nghiệp là con đường tất yếu để phục hồi và phát triển. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang thực hiện nhiều hoạt động, hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số. Theo Nghị định 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thì loại hình doanh nghiệp này được hỗ trợ 50% giá trị hợp đồng tư vấn giải pháp chuyển đổi số; doanh nghiệp được hỗ trợ chi phí để thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số để tự động hóa, nâng cao hiệu quả quy trình kinh doanh, quy trình sản xuất, chuyển đổi mô hình kinh doanh…

Phó Cục trưởng Bùi Thu Thủy cho biết, ngày 7.1.2021, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp thông qua tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp. Nhằm đảm bảo định hướng chung trong công tác hỗ trợ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh giai đoạn 2021-2025 để áp dụng trên phạm vi toàn quốc.

Điểm “nghẽn” ở đâu?

Tuy nhiên trên thực tế, doanh nghiệp nào cũng muốn được áp dụng công nghệ mới để nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, nhưng không phải ai cũng làm được trong một sớm, một chiều vì còn vướng phải nhiều rào cản.

Tổng Giám đốc Tập đoàn GFS, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ GFS Nguyễn Hồng Hạnh cho biết, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đổi mới công nghệ là rất khó khăn, nhất là đối với doanh nghiệp khởi nghiệp do quy định bắt buộc phải có tài sản bảo đảm đầu tư là cơ chế ưu đãi thuế và đầu tư đối với công nghệ khó thực thi do chưa đồng bộ trong các quy định pháp luật.

Theo khảo sát của Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện phần lớn doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo thông qua việc “đầu tư vào công nghệ mới được gắn liền với hàng hóa, máy móc, thiết bị” (39,4%) hoặc “nâng cấp/chỉnh sửa công nghệ, thiết bị hiện tại” (39,3%) mà ít có nghiên cứu và phát triển. Các doanh nghiệp Việt Nam chỉ chi 1,6% doanh thu hằng năm cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực, như: Lào (14,5%), Philippines (3,6%), Malaysia (2,6%). Khoảng 80% doanh nghiệp cho biết chưa có hợp tác với đơn vị/tổ chức khác để thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo. Về phía nhà nước, tỷ lệ chi cho khoa học công nghệ (cả khu vực nhà nước và tư nhân) chỉ khoảng 0,44% GDP, đứng sau Singapore (2,22%), Malaysia (1,44%) và Thái Lan (0,78%)...

Các cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình xây dựng văn bản pháp quy phần lớn chưa chấp nhận rủi ro cho đầu tư ứng dụng cải tiến trong công nghệ công nghiệp, chưa tạo được mối liên hệ giữa doanh nghiệp với các viện, trường đại học, cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện đổi mới ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao và phát triển công nghiệp nên chưa hút được nguồn chất xám cũng như tham gia vào việc đổi mới, cải tiến phát triển công nghệ tại doanh nghiệp thiếu sự hỗ trợ của nhà nước khi thương mại hóa các sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất ra.

Đồng thời, việc doanh nghiệp thiếu thông tin về các chính sách, các hình thức hỗ trợ của Nhà nước về đổi mới sáng tạo cũng là một rào cản khiến doanh nghiệp chưa tận dụng được cơ hội, hay chưa phát huy tốt những điều kiện thuận lợi trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam cho rằng, Nhà nước nên tạo một số cơ chế ưu tiên, như cho phép cộng đồng doanh nghiệp được khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên quý giá là hàng nghìn công trình khoa học mà Bộ Khoa học và Công nghệ đang quản lý; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, đăng ký công nghệ, có thể theo hướng giao cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm...

Để tạo nguồn lực cho các tập đoàn, doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua các quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp, Chính phủ cần có sự điều chỉnh về chính sách và các quy định để tháo gỡ các điểm nghẽn. Chủ động kết nối cho doanh nghiệp tiếp cận, thực thi các cơ chế, chính sách đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, giúp doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi khi quyết định đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào sản xuất.

Xuân Tùng