Gỡ vướng trong thư viện số dùng chung

- Thứ Hai, 13/12/2021, 06:24 - Chia sẻ
Hệ thống liên thư viện, thư viện số dùng chung là cơ sở hạ tầng quan trọng, ảnh hưởng đến quá trình dạy - học của các nhà trường, giúp người sử dụng chia sẻ thông tin, dữ liệu một cách thuận tiện. Vì vậy, để chuẩn bị cho mục tiêu xây dựng Mục lục liên hợp tài liệu quốc gia, cần tháo gỡ những vướng mắc trong kết nối thư viện số dùng chung.
Nhiều trường đại học đã sẵn sàng cho việc xây dựng thư viện dùng chung
Nguồn: kênh14.vn

Phát triển kho học liệu số nội sinh

Tại tọa đàm trực tuyến “Kết nối thư viện số dùng chung các đại học, trường đại học, học viện, trường cao đẳng” mới đây, theo PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam: “Trong chuyển đổi số có nhiều phạm vi như hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhân lực, học sinh, giáo viên phục vụ công tác giảng dạy. Muốn dạy tốt, học tốt thì không thể thiếu thư viện trong các nhà trường. Hiện nay, các trường có thư viện xây dựng bằng kho dữ liệu nhỏ lẻ. Nếu chúng ta kết nối, xây dựng thư viện số dùng chung giữa các trường thì vừa có kho học liệu khổng lồ, vừa tiết kiệm chi phí”.

Thời gian qua, nhiều trường đã sẵn sàng kết nối dùng chung kho học liệu. TS. Nguyễn Huy Chương, Chủ tịch Liên chi hội Thư viện Đại học Khu vực phía Bắc (NALA) cho biết: “NALA hiện có hơn 80 thành viên, chủ yếu là các trường đại học và một số trường cao đẳng. Hàng năm, Liên chi hội tổ chức hội thảo, hội nghị, tập huấn cho các thư viện thành viên về chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý, vận hành. Trong đó, chú ý các giải pháp công nghệ, quy trình, yếu tố pháp lý nói chung và xây dựng thư viện số nói riêng”.

Nhiều thành viên của NALA hiện đã xây dựng và phát triển kho học liệu số nội sinh để truy cập. Nhờ vậy, trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều trường vẫn duy trì dạy học trực tuyến, cung cấp tư liệu, học liệu cho sinh viên và giảng viên. “Có thể nói, thành viên NALA đã sẵn sàng về chuyên môn, nghiệp vụ, cơ sở hạ tầng cũng như tâm thế cho việc xây dựng thư viện dùng chung”, TS. Nguyễn Huy Chương nhấn mạnh.

Đại diện Trung tâm Thông tin - Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng thông tin, đơn vị đã có chủ trương đầu tư mạnh mẽ cho thư viện, phát triển kho học liệu, đặc biệt là học liệu số. "Kho học liệu nội sinh phản ánh chất lượng, hàm lượng chất xám của Đại học Quốc gia Hà Nội, khi được số hóa, đưa lên nền tảng công nghệ, phạm vi truy cập không chỉ ở Việt Nam mà còn ra thế giới. Từ đó giúp bạn đọc, nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên tiếp cận và nghiên cứu. Quá trình này tạo sự trích dẫn cho chính tác giả của tài nguyên học liệu, mang lại thương hiệu cho các trường đại học. Đây cũng là một trong những tiêu chí xếp hạng các trường đại học".

Tháo gỡ nút thắt

Theo TS. Nguyễn Huy Chương, việc xây dựng thư viện số sẽ trải qua hai giai đoạn. Giai đoạn một, chỉ chia sẻ thông tin về các thư mục tài liệu mà không liên quan đến nội dung. Điều đó có nghĩa không ảnh hưởng đến quyền lợi của bất kỳ ai. Vì vậy, các thư viện chỉ cần tổng hợp, dùng thanh công cụ để người học tìm kiếm, tiếp cận và khai thác. Giai đoạn hai, khi các giải pháp công nghệ được xây dựng và cho phép mới đề cập đến vấn đề bản quyền. Cả hai giai đoạn xây dựng thư viện số đều bảo đảm theo đúng các điều luật mà Nhà nước quy định.

Trên thực tế, mặc dù có nhiều lợi ích khi kho dữ liệu thư viện nhỏ lẻ tại các trường được kết nối và trở thành thư viện dùng chung nhưng khá nhiều trường còn e ngại về chính sách, luật pháp điều chỉnh, cơ chế hoạt động của thư viện số.

Giải thích khúc mắc này, ông Hoàng Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn và Tích hợp Công nghệ D&L, cho biết: “Thư viện số được xây dựng với mong muốn kết nối tri thức, hệ thống tài liệu, học liệu không chỉ dừng lại tại một trường mà tiến ra kho học liệu thế giới. Nhiều trường chưa hiểu rõ nội dung khi xây dựng loại hình thư viện này nên còn e ngại chia sẻ. Do đó, vai trò của Trung tâm tri thức số là cổng thông tin để kết nối, vận hành và không can thiệp vào cách mà các phương tiện, tổ chức khai thác thông tin tài liệu số. Các trường, thư viện sẽ được chủ động phương thức khai thác tư liệu của mình”.

Công tác thư viện là yếu tố không thể thiếu trong hoạt động của hệ thống giáo dục. Thế nhưng, hoạt động thư viện tại các trường hiện nay không đồng đều. Có trường, hoạt động thư viện rất mạnh, đáp ứng kịp thời nhu cầu người học. Nhưng nhiều trường thư viện thiếu cập nhật tài liệu, học liệu, nên chưa mặn mà tham gia. Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, TS. Lê Viết Khuyến cho rằng, một trong những lý do các trường chưa kết nối bởi tồn tại khuynh hướng muốn độc quyền giảng dạy bằng tài liệu do trường mình xây dựng. “Tôi đã gặp nhiều trường hợp tại các trường là phải học giáo trình, tài liệu được chỉ định chứ không được dùng tài liệu khác và đó mới là vấn đề cần tháo gỡ”.

Vì vậy, theo ông Khuyến, cần lập một nhóm chủ lực để hình thành kế hoạch của đề án, phát hiện những nút thắt trình cơ quan thẩm quyền xem xét, để có cơ chế, chính sách thuận lợi. Ngoài ra, cần hướng dẫn, định hướng cụ thể tới các trường, nhằm dẫn dắt, thống nhất và kết nối có hệ thống. Bản thân các trường cũng phải cố gắng bởi thông qua đó khẳng định tên tuổi của mình trong việc xây dựng kho học liệu số dùng chung.

Hồng Hà