Gỡ khó cho Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng

- Thứ Năm, 29/07/2021, 07:17 - Chia sẻ
Quỹ Đầu tư phát triển và Quỹ Bảo lãnh tín dụng là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do UBND cấp tỉnh thành lập và hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn. Nguồn vốn chủ yếu của Quỹ từ ngân sách địa phương cấp. Những năm qua, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Quỹ chậm đi vào cuộc sống do có nhiều khó khăn, cần được làm rõ để khắc phục kịp thời.

Doanh nghiệp chưa mặn mà

Việc thành lập các Quỹ Đầu tư phát triển, Quỹ Bảo lãnh tín dụng (gọi tắt là Quỹ) để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khó khăn về vốn; cho doanh nghiệp có dự án đầu tư thuộc lĩnh vực UBND cấp tỉnh quan tâm, chỉ đạo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ đề ra. Lợi thế như vậy, nhưng trên thực tế rất ít doanh nghiệp quan tâm, tích cực hợp tác với Quỹ trong việc sử dụng vốn.

Ban Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng tỉnh Vĩnh Phúc họp giao ban mở rộng đánh giá công tác tháng 6, triển khai nhiệm vụ tháng 7.2021 Ảnh: Văn Kha
Ban Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng tỉnh Vĩnh Phúc họp giao ban mở rộng đánh giá công tác tháng 6, triển khai nhiệm vụ tháng 7.2021
Ảnh: Văn Kha

Khảo sát một số Quỹ ở các tỉnh, thành cho thấy, có năm số doanh nghiệp sử dụng vốn có nơi chỉ vỏn vẹn được 3 doanh nghiệp. Nguyên nhân, đối với Quỹ Đầu tư phát triển do đối tượng phục vụ bị hạn chế (bó buộc vào kết cấu hạ tầng), nay Nghị định 147/2020/NĐ-CP của Chính phủ mở rộng lĩnh vực nhưng lại chậm được cụ thể hóa áp dụng tại địa phương. Đối với dự án, doanh nghiệp cần lượng vốn lớn, tài sản thế chấp là tài sản hình thành từ vốn vay, Quỹ không đủ nguồn phục vụ, hợp tác với các tổ chức tín dụng (chưa được ngân hàng nào chia sẻ) và khó thực hiện vì tài sản bảo đảm chung, lãi suất vay khác nhau, cho vay riêng theo hạng mục chưa được; quỹ giải quyết cho doanh nghiệp vay lợi ích rất nhỏ (lãi suất thấp) nhưng vốn vay rất bé so với nhu cầu vốn thực hiện dự án và phải lập hồ sơ vay vốn đầu tư như một dự án nên chưa hấp dẫn doanh nghiệp đúng đối tượng cần vốn lớn. Với dự án doanh nghiệp cần vốn vừa khả năng của Quỹ nhưng trên thực tế chủ đầu tư triển khai, thực hiện còn rất chậm...

Đối với Quỹ Bảo lãnh tín dụng, mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn ở các tổ chức tín dụng nhưng vẫn phải có biện pháp bảo đảm cho bảo lãnh gồm: Quyền tài sản, tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai thuộc quyền sở hữu; dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh khả thi, bảo đảm khả năng trả nợ, xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp. Trường hợp miễn tài sản bảo đảm do Chủ tịch Quỹ quyết định (tức là chủ yếu Bảo lãnh phải có tài sản bảo đảm).

Trong khi đó, thị trường tín dụng trên địa bàn rất đa dạng, tính cạnh tranh rất cao. Kêu gọi được doanh nghiệp hợp tác với Quỹ, khi được cấp bảo lãnh lại phụ thuộc vào tổ chức tín dụng quyết định giải ngân. Tức là, quy trình thủ tục vay vốn bằng bảo lãnh vừa phụ thuộc vào Quỹ, vừa phụ thuộc tổ chức tín dụng làm nản lòng doanh nghiệp. Hơn nữa, lợi thế của doanh nghiệp vay vốn bảo lãnh chỉ là được sử dụng vốn đến tối đa bằng 100% giá trị tài sản, như hiện nay Vĩnh Phúc đang vận dụng và được kéo dài thời gian vay vốn nếu gặp khó khăn thì tổ chức tín dụng đã thực hiện hết các giải pháp xử lý rủi ro… Vì vậy, doanh nghiệp chưa “mặn mà” tham gia hoạt động vay vốn qua bảo lãnh.

Bên cạnh những nguyên nhân trên, còn do nhân sự tổ chức bộ máy của Quỹ kinh nghiệm thực tế ít, kỹ năng tiếp cận, giới thiệu, thu hút doanh nghiệp đến với Quỹ còn hạn chế; việc xây dựng chiến lược, kế hoạch và phát triển của Quỹ còn chưa được đồng thuận và ủng hộ từ nội bộ đến các cơ quan, tổ chức liên quan; hệ thống văn bản để cụ thể hóa nội dung quy định của Chính phủ trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Quỹ còn chậm và bị động.

Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động

Để tháo gỡ khó khăn, xây dựng Quỹ Đầu tư phát triển, Quỹ Bảo lãnh tín dụng phồn thịnh và phát triển, đòi hỏi các cấp, các ngành ở địa phương cần ban hành kịp thời hệ thống văn bản thực hiện Nghị định 34/2018/NĐ-CP và Nghị định 147/2020/NĐ-CP của Chính phủ; mở rộng và cụ thể hóa danh mục cho vay, đầu tư; danh mục ưu tiên bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; cụ thể hóa nội dung ưu tiên bảo lãnh, nhất là bảo lãnh tín dụng bằng tín chấp; cho phép bảo lãnh đấu thầu, thực hiện hợp đồng, bảo lãnh tạm ứng để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động cho vay đầu tư, gắn với bảo lãnh tín dụng.

Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện toàn diện chức năng, nhiệm vụ của Quỹ Đầu tư phát triển như: Trong huy động vốn, nên giao dự án theo quy định pháp luật thì mới có thể kêu gọi tổ chức kinh tế tham gia đầu tư, vì cho vay, đầu tư trong điều kiện lãi suất cho vay thấp hơn tổ chức tín dụng nên không huy động được từ các tổ chức kinh tế trên địa bàn tỉnh. Rà soát, sắp xếp tổ chức lại bộ máy hoạt động của Quỹ phải thực sự tinh gọn, năng động và trách nhiệm để hoạt động hiệu quả. Được như vậy, những khó khăn của các Quỹ hiện nay sẽ từng bước được khắc phục, đáp ứng nội dung yêu cầu Chính phủ quy định.

Văn Đức Sơn, Giám Đốc Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng tỉnh Vĩnh Phúc