Gỡ khó cho doanh nghiệp vận tải

- Thứ Ba, 25/05/2021, 06:28 - Chia sẻ
Chưa kịp phục hồi sau 3 đợt dịch Covid-19 liên tiếp thì đợt dịch thứ 4 lại ập đến, khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải đứng bên bờ vực phá sản. Theo ghi nhận từ các hiệp hội vận tải, sau gần 2 năm cầm cự, hầu hết doanh nghiệp vận tải, đặc biệt là vận tải hành khách đang cố gắng cầm cự bằng cách tiếp tục cắt giảm nhân công, tìm cách bán bớt phương tiện, thu hẹp hoạt động.

Một doanh nghiệp vận tải hành khách chia sẻ: “Kinh khủng! không biết còn trụ được tới bao giờ, chỉ biết cố được tới đâu hay tới đó. Vận tải khách liên tỉnh chỉ duy trì mức tối thiểu, có chạy cũng không có khách”. Áp lực phải trả nợ sau 2 năm liên tiếp vì dịch khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng. Xe xuất bến chỉ lác đác vài chuyến, theo quy định phòng dịch chỉ được chở tối đa 50% số khách trên xe trong khi giá vé, tiền thuê bến bãi, thuê nhân viên vẫn giữ nguyên. Đủ thứ chi phí vẫn tiếp tục dồn đến như lãi ngân hàng, khấu hao, bảo dưỡng sửa chữa...

Hiện các địa phương đang có dịch như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Đà Nẵng, Hà Nội... nhiều doanh nghiệp đã giảm đến 80% phương tiện xuất bến, một số đơn vị gần như dừng hoạt động. Doanh nghiệp vận tải hành khách đứng trước lựa chọn: chạy thì lỗ, mà không chạy thì khách bỏ, mất lốt. Nếu tình hình dịch không có dấu hiệu khả quan, vẫn diễn biến phức tạp và kéo dài thì nhà xe khó chống đỡ nổi bởi nguồn quỹ dự phòng của doanh nghiệp đang cạn kiệt dần.

Riêng lĩnh vực vận tải hành khách, hiện có khoảng 300.000 chiếc xe phải đắp chiếu, cùng với đó là hơn nửa triệu người lao động bị ảnh hưởng cuộc sống do giảm và mất thu nhập. Nếu dịch bệnh kéo dài, nhiều lao động chuyển sang làm việc khác để kiếm sống sẽ không quay lại, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với khó khăn về tuyển dụng, đào tạo lao động sau khi hết dịch bệnh.

Khó khăn là vậy nhưng theo phản ánh, doanh nghiệp chưa thể tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ. Nguyên nhân là không đáp ứng đủ các điều kiện đặt ra như phải chứng minh doanh nghiệp đóng cửa từ 30 ngày trở lên, không phát sinh doanh thu, có tối thiểu 70% lao động nghỉ việc... Phương án giảm lãi vay, giãn nợ cho các doanh nghiệp cũng chưa được thực hiện, thậm chí có doanh nghiệp phản ánh nhiều lần đề nghị ngân hàng đến thẩm định tình hình kinh doanh, kiểm tra tài sản để chia sẻ khó khăn nhưng không nhận được phản hồi.

Các gói hỗ trợ đã có nhưng các chính sách thực hiện cần phù hợp với thực trạng các doanh nghiệp vận tải. Và điều quan trọng hơn là, các thủ tục để hưởng hỗ trợ cần dễ thực thi hơn. Nhiều chuyên gia cho rằng, các điều kiện đặt ra với doanh nghiệp đang như “bắt họ phải chứng minh mình đã phá sản trước khi nộp hồ sơ xin cứu trợ”. Điều này mâu thuẫn với mục tiêu của gói hỗ trợ là giúp doanh nghiệp, người lao động vượt khó khăn để duy trì sản xuất kinh doanh.

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ có thêm những giải pháp hỗ trợ để doanh nghiệp vận tải hồi phục. “Sức khỏe” của doanh nghiệp vận tải gắn liền với khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, với nhu cầu vận chuyển lưu thông hàng hóa, với giải quyết việc làm cho người lao động. Vì vậy, việc triển khai các chính sách hỗ trợ càng cần phải khẩn trương hơn, linh hoạt hơn, kịp thời hơn. Nếu không có cách thức triển khai phù hợp thì ngay cả khi dịch bệnh được khống chế, doanh nghiệp và người lao động có lẽ không còn đủ sức để phục hồi.

Trên thực tế, ảnh hưởng của dịch bệnh đối với các danh nghiệp đã rất rõ ràng, thể hiện rõ trên các báo cáo tài chính thường kỳ của họ. Các cơ quan quản lý nhà nước cần đưa ra các điều kiện hưởng hỗ trợ lượng hóa theo thang bậc. Cụ thể, mức hỗ trợ sẽ được phân theo từng nhóm quy mô doanh nghiệp, theo từng mức độ thiệt hại căn cứ vào số liệu đã được cáo bạch. Các cơ quan quản lý cũng nên khẩn trương thẩm định khi có yêu cầu từ phía doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ kịp thời.

Duy Anh