Giúp người thất nghiệp sớm có việc làm

- Thứ Hai, 12/04/2021, 07:09 - Chia sẻ
Năm 2020 và quý I.2021, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, thị trường lao động có nhiều biến động, số lao động mất việc làm tiếp tục gia tăng. Trước thực trạng đó, đại diện Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, sẽ hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện đầy đủ và hiệu quả chính sách việc làm, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý lao động; tập trung dự báo thị trường lao động, dịch vụ việc làm và bảo hiểm thất nghiệp, để quản trị tốt thị trường, giúp người thất nghiệp sớm có việc làm, ổn định cuộc sống.

Triển khai nhiều chính sách hỗ trợ

Chia sẻ về thực trạng của nguồn lao động nước nhà, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Vũ Trọng Bình cho biết, trong năm 2020, khi dịch Covid-19 kéo dài đã làm 31,8 triệu người ở Việt Nam chịu ảnh hưởng tiêu cực như mất việc, giảm giờ làm... Đến hết năm 2020, số người nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp là khoảng 1,096 triệu, tăng 32,3% so với năm 2019 và cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của Chính phủ, cuối năm 2020 và đầu năm 2021, thị trường lao động Việt Nam bắt đầu phục hồi, nhiều lĩnh vực cho thấy tín hiệu tốt, các ngành nghề, lĩnh vực bị đứt chuỗi đã trở lại thị trường.

	Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ nhiều hơn so với quy định cũ
Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ nhiều hơn so với quy định cũ

Ông Vũ Trọng Bình cho biết, năm nay, Cục Việc làm sẽ chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp, chuyển dịch việc làm khu vực nông thôn; hỗ trợ tạo việc làm cho nhóm lao động yếu thế, việc làm người cao tuổi, việc làm đối với lao động phi chính thức; các giải pháp phát triển thị trường lao động và thực hiện tự do dịch chuyển lao động. Đồng thời, nâng cao hiệu quả thị trường lao động, bảo đảm tính thống nhất và linh hoạt của thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho tuyển dụng và sử dụng lao động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, không ngừng ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện các nhiệm vụ; hướng dẫn, chỉ đạo hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm tăng cường hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung - cầu lao động và giải quyết bảo hiểm thất nghiệp, nhất là đối với các địa phương bị tác động bởi dịch Covid-19.

Song song với đó, Cục sẽ tập trung dự báo thị trường lao động, dịch vụ việc làm và bảo hiểm thất nghiệp để quản trị tốt thị trường và giúp người thất nghiệp sớm có việc làm ổn định cuộc sống; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về việc làm, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý lao động; chú trọng kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện chính sách việc làm, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý lao động. Tiếp tục theo dõi, nắm bắt, đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến người lao động, cũng như tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tại các địa phương và cập nhật tình hình, nhu cầu lao động nước ngoài trong bối cảnh dịch Covid-19, để tiếp tục đề xuất, tham mưu cho Bộ, Chính phủ những chính sách phù hợp.

Hỗ trợ học nghề cho người thất nghiệp

Ngoài việc tiếp tục làm tốt những chính sách hiện hành đối với người lao động bị thất nghiệp, mới đây, Chính phủ vừa có quy định mức hỗ trợ học nghề mới dành cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ 1 triệu đồng/tháng lên 1,5 triệu đồng/tháng.

Cụ thể, theo Quyết định số 17/2021/QĐ-TTg (chính thức có hiệu lực ngày 15.5), lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng thì mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1.500.000 đồng/người/tháng. Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng có mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế, nhưng tối đa không quá 4.500.000 đồng/người/khóa đào tạo.

Hàng tháng, cơ sở đào tạo nghề nghiệp thực hiện các thủ tục thanh, quyết toán kinh phí hỗ trợ học nghề theo quy định nêu trên. Đối với người lao động đã nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề trước ngày quyết định này có hiệu lực thi hành nhưng chưa có quyết định hỗ trợ học nghề thì được áp dụng mức hỗ trợ học nghề theo các quy định tại quyết định này.

Theo đánh giá của ông Vũ Trọng Bình, việc nâng mức hỗ trợ là rất cần thiết trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi sau đại dịch. Công tác này sẽ khích lệ việc học nghề, nhằm chuyển đổi nghề nghiệp ở những đối tượng đang thất nghiệp hoặc đang làm những công việc không còn phù hợp. Ngoài ra, việc nâng cao nguồn nhân lực có tay nghề cũng tạo ra sức bật lớn, thúc đẩy khôi phục nền kinh tế trong năm nay.

Trước khi ban hành Quyết định số 17/2021/QĐ-TTg, nhiều khóa đào tạo ngắn hạn dưới 3 tháng miễn phí dành cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch nổi lên như một giải pháp hiệu quả. Điển hình là các khóa học do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) phối hợp cùng Chương trình hợp tác Việt - Đức "Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam" tổ chức tại 10 tỉnh, thành phố trên cả nước với 34 khóa học, thu hút 1.100 người tham gia.

Hiện tại, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang tiếp tục nghiên cứu các chương trình đào tạo sơ cấp, đưa hoạt động đào tạo đến những người đang làm tại doanh nghiệp. Điều này giúp nâng cao chất lượng lao động cho các doanh nghiệp, các làng nghề…

Tùng Dương