Giúp nạn nhân bom mìn ổn định cuộc sống, thích ứng với đại dịch

- Thứ Ba, 02/11/2021, 19:02 - Chia sẻ
Tháng 10 vừa qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định tổ chức trao hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ học nghề, dụng cụ học tập cho 200 nạn nhân bom mìn nhằm giúp họ giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống, thích ứng với đại dịch.

Trao sinh kế cho 200 nạn nhân bom mìn

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định cho biết, đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh” (KOICA).

Lần này có 200 người trong tổng số 1.072 nạn nhân bom mìn toàn tỉnh nhận được hỗ trợ. Các phần quà hỗ trợ gồm 135 con bò giống, 64 con lợn giống và 3.300 con gà. Đối tượng nhận hỗ trợ là người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, chưa từng nhận hỗ trợ sinh kế trước đó, có đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi và cam kết thực hiện theo yêu cầu của dự án, đối ứng nếu chọn con giống mà kinh phí nhiều hơn mức dự án hỗ trợ. Cùng với việc nhận con giống, trong khuôn khổ dự án, nạn nhân bom mìn trong diện thụ hưởng còn được cấp thức ăn chăn nuôi, tiêm phòng cho con giống và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bền vững.

Lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định cho biết, thời gian qua, công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn có cuộc sống tốt hơn đã được triển khai hiệu quả, góp phần giúp họ vượt qua khó khăn do đại dịch Covid - 19 gây ra, ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.

Từ đầu năm đến nay, Sở tiếp tục phối hợp với KOICA xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động hỗ trợ học nghề cho 2 nạn nhân bom mìn, hỗ trợ dụng cụ học tập cho 3 nạn nhân; đề xuất Ban Quản lý dự án khảo sát tại Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh; rà soát danh mục dụng cụ phục hồi chức năng, dụng cụ thiết lập và vận hành đường dây nóng hỗ trợ nạn nhân bom mìn để tiến hành thủ tục đấu thầu và cung cấp dụng cụ cho Trung tâm. Kết quả, Dự án đã hỗ trợ Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh 97 dụng cụ vật lý trị liệu (thuộc 31 danh mục), góp phần phục vụ hoạt động phục hồi chức năng cho đối tượng bảo trợ xã hội tại đây.

Ngoài ra, Sở đã hoàn thành công tác lập hồ sơ quản lý trường hợp và hoàn chỉnh dữ liệu trên hệ thống phần mềm cho 1.072 nạn nhân bom mìn; phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) tiếp tục đào tạo cán bộ quản lý công tác xã hội đối với người khuyết tật và nạn nhân bom mìn cho 40 cán bộ tại các huyện, thị xã, thành phố và các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh.

Người dân huyện Phù Mỹ nhận sinh kế từ Dự án khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.

Nguồn Internet 

Tranh thủ mọi nguồn lực để hỗ trợ nạn nhân bom mìn

Theo tài liệu do Mỹ cung cấp, từ năm 1965 đến 1975, không quân Mỹ đã trút xuống địa bàn tỉnh Bình Ðịnh gần 400 nghìn quả bom mìn, vật nổ, tương đương với trên 250 nghìn tấn. Sau chiến tranh, theo dữ liệu điều tra công bố năm 2018, 100% xã (phường, thị trấn) của tất cả các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh bị ô nhiễm bom mìn, vật  nổ. Diện tích ô nhiễm bom mìn là hơn 246 nghìn hecta, chiếm 40,9% diện tích tự nhiên của tỉnh.

Giai đoạn 2021 – 2025, Bình Định đặt mục tiêu giảm thiểu 15 nghìn hecta nghi ngờ ô nhiễm; điều tra, khảo sát 10.000 ha và rà phá bom mìn, vật nổ trên diện tích 2.500 ha. Diện tích đất đai được sử dụng sau điều tra, khảo sát rà phá bom mìn, vật nổ là 2.500 ha. Cùng với đó, nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho 50 nghìn người dân tại địa phương; hỗ trợ 1.253 nạn nhân bom mìn, góp phần giảm thiểu tỷ lệ hộ nghèo và bảo đảm an sinh xã hội trong khu vực ô nhiễm bom mìn.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh xác định đưa dự án khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và tranh thủ mọi nguồn lực để hỗ trợ cho người dân, nhất là với những người khuyết tật, nạn nhân bom mìn có cuộc sống tốt hơn. Cụ thể, giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh sẽ tiến hành xác định vị trí, diện tích cần rà phá bom mìn theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; khảo sát kỹ thuật, lập phương án kỹ thuật thi công; phân chia khối lượng rà phá bom mìn, vật nổ theo từng năm; chọn các nhà thầu có đủ năng lực, tập trung lực lượng, phương tiện cần thiết triển khai nhanh, gọn để từng bước hoàn thành đúng tiến độ theo kế hoạch của tỉnh. Đồng thời, hoàn thiện hồ sơ, bàn giao khu vực đã được rà phá hết bom mìn, vật nổ cho các địa phương quản lý và sử dụng.

Đức Kiên