Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ

Giúp khai thác tối đa các tiềm năng và lợi thế của địa phương

- Thứ Sáu, 07/01/2022, 19:16 - Chia sẻ
Chiều 7.1, tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp
Ảnh: Quang Khánh

Cần tổng kết việc áp dụng cơ chế đặc thù cho một số địa phương

Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều nhất trí với việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ là đủ cơ sở chính trị, căn cứ thực tiễn, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị (Nghị quyết 59) về phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tạo cơ chế thu hút đầu tư, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng thành phố Cần Thơ thành trung tâm phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước trong thời gian tới.

ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) phát biểu tại Hội trường
Ảnh: Quang Khánh

Các ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre), Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), Tô Ái Vang (Sóc Trăng), Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu)… khẳng định, việc ban hành Nghị quyết này cho thấy, sự quan tâm đặc biệt của Trung ương và Quốc hội để Cần Thơ có điều kiện khai thác tối đa các lợi thế, tiềm năng, kết hợp hiệu quả các nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững, xứng đáng là trung tâm vùng, giữ vai trò dẫn dắt, tạo sức bật để cùng đồng bằng sông Cửu Long tự tin cất cánh trở thành vùng phát triển năng động, bền vững, an toàn và thịnh vượng trong tương lai, đạt tiêu chí được Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 120 của Chính phủ đề ra. ĐB Nguyễn Tạo lưu ý, nguồn lực đầu tư của thành phố này phải tương quan với các cơ chế đặc thù đã cho phép áp dụng với 4 thành phố khác, để Cần Thơ thực hiện cho được vai trò dẫn dắt cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển.

Khẳng định việc ban hành Nghị quyết này có đủ cơ sở chính trị và thực tiễn, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, việc ban hành Nghị quyết này sẽ tạo điều kiện để thành phố phát triển, tạo cơ chế để thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng đời sống người dân. “Cần Thơ từ xa xưa đã được mệnh danh là đất Tây Đô có nhiều lợi thế và là một đô thị phát triển sầm uất ngay từ thời Pháp thuộc, đến nay tiếp tục là trung tâm văn hóa, kinh tế, xã hội, giáo dục của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, sự phát triển hiện nay của thành phố chưa tương xứng với tiềm năng vốn có, đáp ứng kỳ vọng, mục tiêu đề ra. Để Cần Thơ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, phát huy tối đa các lợi thế thì cần áp dụng một số cơ chế đặc thù như chúng ta đã từng xem xét cơ chế đặc thù cho một số tỉnh, thành phố vừa qua”, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga nêu rõ. 

Ảnh: Quang Khánh

Tuy nhiên, từ những vấn đề đang đặt ra trong ban hành cơ chế, chính sách phát triển thành phố Cần Thơ, cũng như vùng đồng bằng sông Cửu Long được Báo cáo thẩm tra đặt ra, ĐB Tô Ái Vang đề nghị, Chính phủ đưa quan điểm, nguyên tắc, tiêu chí cụ thể để xác định mục tiêu, thứ tự ưu tiên, tiếp tục lựa chọn địa phương có điều kiện phát triển, có thể phát huy hết công năng của các cơ chế được giao để đại diện cho tất cả các vùng, miền trên cả nước trình Quốc hội xem xét; tiếp tục cá biệt hóa một số cơ chế, chính sách đặc thù đủ mạnh để từng bước giúp các địa phương phát triển bền vững.

ĐB Tô Ái Vang cũng đề nghị, Chính phủ cần triển khai tổng kết đánh giá các cơ chế đặc thù được Quốc hội Khóa XIV đã cho áp dụng để từ đó đánh giá định mức, tiêu chí lựa chọn cơ chế, chính sách nhằm hoàn thiện khung pháp lý. Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết này, Chính phủ cần chủ trì một hội nghị cùng với sự tham gia của Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long, các bộ, ngành, 13 địa phương trong khu vực, các chuyên gia tư vấn để quán triệt, thống nhất các giải pháp cần triển khai trong trước mắt tập trung cho sự phát triển của thành phố Cần Thơ, sau đó đến sự phát triển cho toàn vùng.

Ảnh: Quang Khánh

Không nên cào bằng thu nhập của cán bộ, công chức

Cho ý kiến với một số nội dung cụ thể của dự thảo Nghị quyết, nhiều ĐBQH tán thành việc dự thảo Nghị quyết cho phép HĐND thành phố Cần Thơ quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha. Cho rằng quy định này tương tự như một số địa phương vừa được Quốc hội cho phép, song ĐBQH Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) nhấn mạnh, với đặc thù là địa phương nằm trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực, do vậy, việc chuyển đổi phải tuân thủ các điều kiện. Cụ thể, phải lấy ý kiến công khai và được sự đồng thuận của các chủ thể chịu sự tác động của việc chuyển đổi; không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân; không ảnh hưởng đến an ninh lương thực; phải mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực, phù hợp với quy hoạch được phê duyệt; việc phân cấp phải gắn với trách nhiệm cụ thể của cá nhân, tổ chức, trách nhiệm của người phân cấp và người được phân cấp để bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, tránh tiêu cực, thất thoát, lãng phí.

Về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, dự thảo Nghị quyết quy định: Sau khi ngân sách Thành phố bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương..., HĐND Thành phố được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách thành phố; thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm với mức không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản… Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương chi thu nhập tăng thêm chỉ được thực hiện khi Thành phố tự cân đối được ngân sách. 

Tán thành việc cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức như dự thảo Nghị quyết, song một số ý kiến cũng đề nghị không "cào bằng chi thu nhập tăng thêm giữa các địa phương có những đặc thù khác nhau". Đơn cử, theo thống kê của Tổng cục Thống kê về chỉ số giá sinh hoạt của các địa phương thì thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Đà Nẵng đều thuộc nhóm các thành phố có chi phí sinh hoạt đắt đỏ, trong khi Cần Thơ thuộc nhóm địa phương có chi phí sinh hoạt trung bình. “Chỉ số giá tiêu dùng chênh lệch sẽ không bảo đảm công bằng giữa các địa phương. Chúng ta tính toán cơ chế đặc thù mà chưa tính toán đến sự khác biệt này”, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga lưu ý.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội
Ảnh: Quang Khánh

Giải trình, tiếp thu các ý kiến của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ cũng có ý nghĩa với các địa phương trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Từ những cơ chế, chính sách ưu đãi này có thể tạo nên các cực tăng trưởng, kích hoạt các vùng phát triển – là tinh thần được nêu tại Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng khẳng định, các chính sách được xây dựng phù hợp với Quy hoạch của vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Chính phủ chuẩn bị xem xét thông qua, bảo đảm sẽ "thuận thiên" và khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của vùng đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời, khuyến khích các hình thức xã hội hóa.

P.Thủy