THẢO LUẬN TẠI KỲ HỌP THỨ 11, HĐND TỈNH KON TUM KHÓA XI

GIỮ VỮNG TĂNG TRƯỞNG, GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI

- Thứ Hai, 14/12/2020, 06:31 - Chia sẻ
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, tuy có băn khoăn về con số tăng trưởng đạt trên 9% nhưng đa số đại biểu nhất trí đánh giá cao nỗ lực của cả hệ thống chính trị và Nhân dân đã giúp tỉnh vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và thiên tai để đạt mục tiêu phát triển. Đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những yếu kém, bất cập và đề xuất giải pháp thúc đẩy kinh tế phát triển, tiếp tục giữ vững tăng trưởng để giải quyết tốt hơn nữa những vấn đề an sinh xã hội của tỉnh.

Nông nghiệp được quan tâm hàng đầu

Là tỉnh có nhiều tiềm năng và thế mạnh về nông, lâm nghiệp (lĩnh vực ít chịu tác động của dịch Covid-19) nên các đại biểu dành nhiều thời gian thảo luận, đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy nông, lâm nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn nữa thời gian tới. Chỉ tiêu đề ra năm 2021 về nông lâm nghiệp là: Trồng mới 500ha sâm Ngọc Linh, 400ha cây mắc ca, 3.000ha rừng, 2.000ha cây ăn quả… Đây là con số không nhỏ nên đại biểu Nguyễn Trung Hải (huyện Đăk Hà) băn khoăn về kế hoạch phát triển cây trồng, vật nuôi như: Trồng sâm Ngọc Linh, trồng rừng, trồng cây mắc ca… đều tăng, điều đó có nghĩa là giá trị của ngành nông nghiệp sẽ tăng. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần cân nhắc, tính toán lại tỷ trọng của các ngành kinh tế, trong đó có ngành nông, lâm nghiệp, sao cho phù hợp.

Đại biểu thảo luận tổ tại kỳ họp Ảnh: HẢI HIỂN
Đại biểu thảo luận tổ tại kỳ họp
Ảnh: HẢI HIỂN

Đối với vấn đề phát triển sâm Ngọc Linh, đại biểu Y Thanh (huyện Đăk Glei) phản ánh việc UBND tỉnh hỗ trợ cho huyện Đăk Glei 500 triệu đồng mua giống sâm Ngọc Linh cấp cho bà con xã Mường Hoong và Ngọc Linh. Tuy vậy, việc thực hiện gặp nhiều khó khăn do định mức hỗ trợ thấp, thiếu giống… Đại biểu đề nghị UBND tỉnh xem xét, tăng định mức hỗ trợ và chỉ đạo cơ quan chuyên môn đẩy nhanh tiến độ cấp giống, hướng dẫn Nhân dân trồng và chăm sóc, đồng thời kiểm định chất lượng, nguồn giống nhằm bảo đảm đúng giống sâm Ngọc Linh Kon Tum.

Đại biểu Nguyễn Thị Liên (huyện Tu Mơ Rông) đề nghị UBND tỉnh cần đánh giá cụ thể về Đề án phát triển dược liệu, trong đó cần ưu tiên đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh để xứng đáng với sứ mệnh “Quốc bảo” mà Thủ tướng Chính phủ đã gửi trao cho Kon Tum; quản lý chặt nguồn giống, xử lý nghiêm tình trạng mua bán sâm Ngọc Linh giả. Mặt khác, UBND tỉnh cần nghiên cứu, quy hoạch tổng thể, có chiến lược bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh

Lại “nóng” thủy điện

Năm 2020, nhất là các đợt mưa lũ vừa qua, việc đầu tư xây dựng và khai thác, vận hành của một số nhà máy thủy điện đã làm “nóng” phiên thảo luận tổ. Đại biểu Y Thị (huyện Kon Plông) phản ánh tại xã Hiếu (huyện Kon Plông), đơn vị thi công khi thực hiện một số hạng mục của dự án thủy điện Đăk Re làm thay đổi dòng chảy tự nhiên nên đợt mưa lũ vừa qua đã vùi lấp khoảng 6ha ruộng của người dân, hiện tại nguy cơ sạt lở đất đai, nhà ở của dân rất cao. Vì vậy, đại biểu đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng liên quan khảo sát, nghiên cứu, đánh giá tác động của việc ngăn suối, chuyển dòng của công trình thủy điện này và có giải pháp căn cơ bảo đảm cuộc sống cho Nhân dân nơi đây.

Đại biểu Y Tiên (thành phố Kon Tum) cũng phản ánh, thời gian qua, việc xả lũ của một số thủy điện đã gây xói lở đất canh tác, ngập úng ở nhiều vùng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, thiệt hại cây cối, hoa màu của người dân, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo và yêu cầu các chủ đầu tư phải bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại. Đại biểu Võ Thanh Chín (huyện Ia H’Drai) trăn trở về những tồn tại trong công tác di dời, tái định cư thủy điện Thượng Kon Tum. Từ năm 2012 đến nay, đời sống của nhiều hộ dân chưa thể ổn định, vì cơ sở hạ tầng không bảo đảm. Đại biểu đề nghị UBND tỉnh nên có đánh giá về hiệu quả của dự án và đề nghị đơn vị đầu tư quan tâm giải quyết các vấn đề này, tránh để kéo dài.

Giải quyết các vấn đề xã hội cấp bách

Song song với thảo luận để tìm các giải pháp tối ưu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhiều đại biểu quan tâm đến các vấn đề xã hội cấp bách ở địa phương và đề nghị chính quyền quan tâm, giải quyết. Đại biểu Y Thanh (huyện Đăk Glei) cho rằng việc phân bổ dự toán ngân sách tỉnh sẽ thiệt thòi đối với các huyện nghèo như Đăk Glei, vì hiện nay có nơi còn thiếu phòng học, thiếu trang thiết bị dạy tin học cho học sinh (6/38 trường chưa được đầu tư). Đại biểu đề nghị UBND tỉnh phân khai ngân sách cho hợp lý để đầu tư trường lớp học trên địa bàn huyện Đăk Glei và đầu tư thêm máy tính để học sinh tiếp cận tin học.

Đào tạo nghề phi nông nghiệp trên địa bàn thời gian qua còn nhiều hạn chế dẫn đến chất lượng nguồn lao động của tỉnh nhiều năm không được cải thiện. Đại biểu Phan Thị Thủy (huyện Ngọc Hồi) đề nghị UBND tỉnh có định hướng, giải pháp về giáo dục nghề nghiệp theo hướng chuyên nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và yêu cầu của doanh nghiệp.

Trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đại biểu Lê Minh Chính cho rằng, các cấp, các ngành cần có đánh giá thêm về tình hình tín dụng đen; có biện pháp ngăn chặn hiện tượng tổ chức đưa đón người xuất nhập cảnh trái phép… Cũng trong các phiên thảo luận, nhiều đại biểu bày tỏ lo lắng về vấn nạn buôn bán, vận chuyển, sử dụng ma túy trên địa bàn ngày càng có chiều hướng gia tăng, đặc biệt vấn nạn này đã len lỏi vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

HẢI HIỂN