Giữ vững bản sắc, làm chủ công nghệ

- Thứ Sáu, 12/02/2021, 06:39 - Chia sẻ

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ, tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng PHAN THANH BÌNH cho rằng chính truyền thống, văn hóa Việt Nam sẽ tạo cho chúng ta sự khác biệt, để có những CÔNG DÂN VIỆT NAM trong cộng đồng ASEAN và toàn cầu.

	Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển với các đại biểu dự Hội nghị trực tuyến “Đối tác nghị viện về hợp tác giáo dục, văn hóa vì sự phát triển bền vững” (AIPA-ECC) tại điểm cầu Nhà Quốc hội, tháng 7.2020 Ảnh: Quang Khánh
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển với các đại biểu dự Hội nghị trực tuyến “Đối tác nghị viện về hợp tác giáo dục, văn hóa vì sự phát triển bền vững” (AIPA-ECC) tại điểm cầu Nhà Quốc hội, tháng 7.2020
Ảnh: Quang Khánh

Sức mạnh của văn hóa Việt Nam

- Năm 2020, trước tác động của đại dịch Covid-19, hai từ khóa được nhắc đến nhiều là “trí tuệ” và “bản lĩnh” Việt Nam. Nhìn lại một năm đầy khó khăn và nhiều biến động, ông có cảm nhận thế nào về điều này? Có vẻ như trong những giai đoạn khó khăn thì trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam lại được thể hiện mạnh mẽ và rõ nét?

- Theo tôi nghĩ, dân tộc nào cũng có bản lĩnh và trí tuệ, nhưng mỗi dân tộc có đặc thù riêng. Và con người nói chung, khi đứng trước khó khăn sẽ có sức đề kháng, luôn muốn vươn lên. Với Việt Nam, trải qua hàng nghìn năm lịch sử, quá trình dựng nước và giữ nước luôn phải chống ngoại xâm, có một thời gian dài nô lệ, đã tạo cho dân tộc chúng ta sức mạnh quật cường. Vì thế, sau một nghìn năm Bắc thuộc chúng ta vẫn giữ được dân tộc Việt, xây dựng được đất nước đàng hoàng, to đẹp như hiện nay. Đây chính là sức mạnh của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam.

Tuy nhiên, cần nhận thấy bản lĩnh và trí tuệ này của dân tộc Việt Nam không chỉ là vượt khó, mà còn vượt khó một cách rất đẹp. Trong lịch sử, những đế quốc xâm lược lớn trên thế giới, từ Mông Cổ đến Pháp và cả Hoa Kỳ đều đã đến Việt Nam và đều phải chịu thất bại. Những gì chúng ta đã thể hiện trong công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19 cũng như khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ năm 2020 càng chứng minh lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết một lòng của người Việt Nam, đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn.

	Ảnh: Quang Khánh
Ảnh: Quang Khánh

- Ở mặt nào đó có thể coi trí tuệ và bản lĩnh ấy là biểu hiện cụ thể của văn hóa và con người Việt Nam. Thực tiễn phát triển đã khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa, con người trong chiến lược phát triển quốc gia. Đó không chỉ giới hạn trong những giá trị tinh thần mà còn là nguồn lực trực tiếp cho sự phát triển đất nước, thưa ông?

- Văn hóa là những thói quen, nền nếp đời thường lặp đi lặp lại, trở thành nét đẹp của một cộng đồng. Để phát triển, chúng ta phải có điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng, kinh tế, nhưng cao hơn là sinh hoạt của thượng tầng kiến trúc, của văn hóa, của con người. Thời gian vừa qua chúng ta tập trung lo cho kinh tế, nhưng cần hiểu rằng, kinh tế phải đi cùng văn hóa, hỗ trợ nhau phát triển bền vững.  

Chúng ta đã nhận thức tốt nhưng có lẽ cần nhìn nhận lại, quan tâm nhiều hơn tới văn hóa. Nếu chúng ta không quan tâm tới con người, văn hóa và giáo dục, thì kinh tế đến ngưỡng sẽ dừng lại. Bởi sản xuất, kinh doanh không hoàn toàn là những mối quan hệ và quy luật kinh tế mà nó phụ thuộc vào yếu tố con người, trong đó có quan hệ giữa người với người, văn hóa kinh doanh… Chính những điều này sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển hơn.

Hòa nhập nhưng không được hòa tan

- Trong bối cảnh hiện nay, ngoài mối quan hệ kinh tế - văn hóa như ông vừa nói, văn hóa, con người còn có vai trò như thế nào đối với sự phát triển và hội nhập của đất nước?

- Trong tình hình hiện nay, còn có hai khía cạnh khác khẳng định tầm quan trọng của văn hóa. Thứ nhất là toàn cầu hóa. Với sự phát triển của công nghệ và nhiều phương tiện truyền thông, Nhà nước chủ trương chủ động hội nhập quốc tế, rõ ràng bây giờ chúng ta phải chung sống với nhiều dân tộc, nhiều quốc gia, nhiều nền văn hóa khác nhau. Đương nhiên là chúng ta phải hội nhập và dưới tác động của giao tiếp, giao thoa văn hóa, không thể mãi giữ nền nếp y hệt như ngày hôm qua, nhưng điều cực kỳ quan trọng là làm thế nào giữ được bản sắc dân tộc mình, hòa nhập nhưng không được hòa tan. Bởi chính truyền thống, văn hóa Việt Nam mới giữ lại con người Việt Nam, làm cho chúng ta tồn tại hàng nghìn năm. Chẳng hạn, chúng ta tham gia Cộng đồng ASEAN, nhưng phải làm thế nào để là công dân Việt Nam trong Cộng đồng ASEAN. Do đó, toàn cầu hóa là một tác động yêu cầu chúng ta quan tâm hơn tới văn hóa, nếu không sẽ có những công dân toàn cầu, công dân ASEAN, nhưng nhạt nhòa công dân Việt Nam.

Thứ hai, đối với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, robot hóa ngày càng nhanh, công nghệ sẽ đáp ứng ngày càng nhiều nhu cầu của con người. Điều đó đặt ra yêu cầu chúng ta phải làm chủ được công nghệ, chứ không phụ thuộc vào công nghệ. Chúng ta đang phụ thuộc vào điện thoại thông minh, nhưng sắp tới sẽ còn nhiều thiết bị khác nữa. Phải hiểu rằng chúng ta là con người, vì thế phải luôn làm chủ công nghệ, làm chủ cuộc sống của mình, để hạnh phúc hơn, no ấm hơn.

Xây dựng con người Việt Nam mới

- Trong Dự thảo Văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng, xây dựng, phát triển văn hóa, con người được xác định là một trong các định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030. Nhưng không phải đến bây giờ, vấn đề văn hóa, con người mới được quan tâm, thưa ông?

- Văn hóa và giáo dục đối với việc hình thành con người Việt Nam mới cực kỳ quan trọng. Thời gian qua Đảng và Nhà nước rất quan tâm tới vấn đề này, trong đó có Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Sau khi sơ kết 5 năm thực hiện, năm 2020, Bộ Chính trị kết luận tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33, trong đó nhấn mạnh, cần đẩy mạnh nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Trong báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ điều này: Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, con người là tổng hòa của các mối quan hệ, thành ra nói đến vấn đề con người là rất phức tạp, không thể có hiệu ứng ngay. Văn hóa là một phần hoạt động của một cộng đồng người đã chuyển thành thói quen, nền nếp đẹp, vì vậy càng cần có thời gian, chứ không thể ngày một ngày hai. Như thế nghĩa là phải cần đến giáo dục. Đó là lý do vừa qua Quốc hội sửa Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, ban hành Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và cả những luật tạo nền tảng cho giáo dục như Luật Thư viện… tất cả đều nhằm chuẩn bị xây dựng con người Việt Nam mới, tự chủ và có văn hóa. Như đã được khẳng định trong Luật Giáo dục 2019, tính chất giáo dục của chúng ta là “có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại”, đó là những nền tảng để xây dựng con người Việt Nam xã chủ nghĩa trong thời đại công nghệ phát triển hiện nay. 

Đầu tư tương xứng, đánh giá đúng tầm

- Qua chuẩn bị báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng thấy rõ, nhận thức của lãnh đạo đã có chuyển biến, văn hóa, con người trở thành một điểm nhấn ẩn sau tất cả các nội dung của 3 mũi đột phá, từ thể chế đến nguồn nhân lực và hạ tầng. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là phải thể chế hóa, đưa quan điểm đó vào cuộc sống, thấm nhuần từ nhận thức đến hành động. Theo ông, có thể bắt đầu từ đâu và như thế nào?

- Tôi nghĩ rằng, từ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cả hệ thống chính trị, trong đó có Quốc hội, cần nhìn lại các chính sách, thể chế đã ban hành. Hiến pháp 2013 đã yêu cầu rà soát các vấn đề về quyền con người và quyền công dân, với Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chúng ta cần rà soát thêm một số quan điểm, trong đó có các vấn đề liên quan đến văn hóa. Đây là vai trò của Quốc hội. Nhưng như tôi nói ở trên, văn hóa không thể làm gấp. Văn hóa đừng mong có sự nhảy vọt mà nó cứ tịnh tiến, đi tới, đến một ngưỡng nhất định thì chất sẽ chuyển thành lượng, tác động mạnh meẽ vào kinh tế và xã hội. Đương nhiên, cũng cần phải nghĩ đến hai vấn đề rất thực tế. Đó là nguồn lực và con người làm văn hóa, tức là cần có sự đầu tư tương xứng cho văn hóa; người quản lý phải hiểu và đánh giá đúng tầm văn hóa; người làm văn hóa phải am hiểu văn hóa.

- Xin trân trọng cảm ơn Chủ nhiệm!

Nguyên Anh thực hiện