Xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội giai đoạn 2021 - 2025

Giữ tinh thần cốt lõi Nghị quyết 76 của Quốc hội

- Thứ Hai, 14/12/2020, 06:32 - Chia sẻ
Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, Chính phủ đang xây dựng trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 vừa được Chính phủ tổ chức, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị, cần bảo đảm tinh thần cốt lõi tại Nghị quyết 76 của Quốc hội, nhất là yêu cầu áp dụng phương pháp đo lường nghèo đa chiều, bố trí nguồn lực theo kết quả đầu ra...

Giải pháp tốt nhất

Giai đoạn 2016 - 2020, chính sách giảm nghèo trụ cột được thể hiện tại Nghị quyết 76/2014/QH13 của Quốc hội về việc đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 và Nghị quyết 100/2015/QH13 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, trong đó tập trung xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Trên cơ sở hai nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1722/2016 phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và phát động phong trào thi đua cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau. Các ban, bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương đã có nhiều chương trình, kế hoạch, nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, nhiều sáng kiến giảm nghèo.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo

Có thể thấy, phát triển kinh tế gắn với xã hội, môi trường, trong đó luôn chú trọng giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong nhiều năm qua. Do vậy, dù chịu ảnh hưởng của nhiều thiên tai, dịch bệnh và đất bước còn nhiều khó khăn, nhưng trong giai đoạn 2016 - 2020, Quốc hội và Chính phủ đã tăng nguồn lực đầu tư thực hiện mục tiêu giảm nghèo gấp 2 lần so với giai đoạn trước. 21% ngân sách Nhà nước đã dành cho phúc lợi xã hội, mức cao nhất trong các quốc gia ASEAN. Đồng thời, trong đại dịch Covid - 19, nhiều người nghèo, thậm chí lao động ở khu vực thành thị thiếu việc làm, thu nhập thấp, 13 triệu người được trợ cấp từ ngân sách với các giác độ khác nhau, là cố gắng rất lớn trong điều kiện hiện nay.

Với sự quan tâm đầu tư thực hiện của các cấp, ngành, giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ nghèo từ 9,88% (năm 2015) đã giảm xuống còn 3,75% vào năm 2019 và dự kiến dưới 3% trong năm 2020, đưa Việt Nam thành một quốc gia đầu tiên về đích trước Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc về giảm nghèo. Đến nay, 100% các xã đã có đường ô tô đến trung tâm, 99% trung tâm xã và 80% thôn có điện. 100% đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo được cấp bảo hiểm y tế miễn phí. 8/64 huyện nghèo đã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, 14/30 huyện hưởng cơ chế, chính sách theo Nghị quyết 30a đã thoát khỏi tình trạng khó khăn. Với cấp xã, đến tháng 9.2020 đã có 103/292 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. 

Bên cạnh sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nỗ lực của chính hộ gia đình, cá nhân nghèo thời gian qua, điểm mới được các đại biểu tham dự Hội nghị chỉ ra là, vai trò của các doanh nghiệp trong lĩnh vực giảm nghèo. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, nhiều nhà máy, xí nghiệp mọc lên ở nhiều địa phương đã giúp người dân chuyển đổi việc làm, thoát nghèo, “ly nông bất ly hương”.  Lấy ví dụ từ xã Hùng Lợi thuộc huyện Yên Sơn, là xã ATK cách thành phố Tuyên Quang 40km với dân số 7.000 người, khoảng 70% là hộ nghèo, chủ yếu là người Mông, Tày, Dao, đến tháng 11.2019 đã có 280 lao động ở xã làm việc cho Samsung Thái Nguyên và Bắc Ninh, mỗi người gửi về cho gia đình từ 5 - 6 triệu đồng. Thủ tướng khẳng định, cơ sở kết cấu hạ tầng, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, sự hiện diện của đông đảo doanh nghiệp trong và ngoài nước đã tạo ra việc làm cho người dân ở các địa phương và là giải pháp tốt nhất để xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Tạo cơ hội cho người dân thoát nghèo

Những kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo giai đoạn vừa qua là  tiền đề hết sức quan trọng để tiếp tục xây dựng chính sách, chương trình, kế hoạch, hành động cụ thể về giảm nghèo bền vững cho giai đoạn 2021 - 2025. Nước ta đang phải đối diện với nhiều thách thức phía trước khi là một trong những quốc gia chịu tác động tiêu cực nhất từ biến đổi khí hậu; thiên tai, lũ lụt và các hình thái thời tiết cực đoan diễn ra với mật độ ngày càng dày. Trong khi đó, kết quả giảm nghèo vừa qua cũng chưa thật sự bền vững, chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, các nhóm dân cư chưa được thu hẹp. Nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số vẫn ở mức cao. Đặc biệt, nếu tại thời điểm năm 2015, chuẩn nghèo thu nhập chỉ bằng 70% chuẩn mức sống tối thiểu thì hiện nay chỉ còn bằng khoảng 45% chuẩn mức sống tối thiểu, chưa đáp ứng yêu cầu bảo đảm bằng chuẩn mức sống tối thiểu. Việc chuyển đổi phương thức hỗ trợ người nghèo từ hỗ trợ cho không sang hỗ trợ có điều kiện, có thời hạn, triển khai còn chậm. Các chính sách giảm nghèo đã được tích hợp bước đầu nhưng còn dàn trải, thiếu tính hệ thống.

Từ bài học kinh nghiệm của giai đoạn 2016 - 2021, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ, ở đâu người đứng đầu có quyết tâm cao, quan tâm, chỉ đạo sâu sát trong quá trình triển khai thì ở đó thường đạt nhiều kết quả tốt. Vì thế, trong giai đoạn tới, theo Bộ trưởng, các địa phương phải tiếp tục đổi mới, năng động, sáng tạo trong thực thi chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội, tạo điều kiện để các mô hình, sáng kiến được triển khai thuận lợi và thành công ở địa phương.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đề nghị, cần thực hiện chính sách giảm nghèo đi đôi với chính sách dân tộc, tập trung nguồn lực nhà nước để thực hiện đào tạo, dạy nghề, thay vì hỗ trợ cho không như thời gian qua. Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cũng nhấn mạnh, dân trí, giáo dục, dạy nghề là những giải pháp quan trọng để góp phần mục tiêu quan trọng xóa đói, giảm nghèo, nhất là tại khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đối với việc xây dựng Nghị quyết Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2026, định hướng đến năm 2030, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh, Chính phủ cần bảo đảm tinh thần cốt lõi của Nghị quyết 76: Áp dụng phương pháp đo lường nghèo đa chiều; thực hiện chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời gian thụ hưởng nhằm tăng cơ hội tiếp cận chính sách, khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo; đồng thời, bổ sung chính sách khuyến khích vượt nghèo với cá nhân, cộng đồng; bố trí nguồn lực theo kết quả đầu ra. Bên cạnh đó, bảo đảm không có sự chồng lấn về chính sách giữa các chương trình mục tiêu quốc gia; rà soát đối tượng, địa bàn thực hiện với các hợp phần, dự án, tiểu dự án của các chương trình mục tiêu quốc gia đang được Chính phủ đề xuất để thực hiện lồng ghép ngay từ khi đề xuất chủ trương đầu tư.

Dẫn lời dạy của Bác Hồ: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”, Thủ  tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, các bộ, ngành, địa phương cần phải thấy chừng nào còn có người dân bị đói, bị rét; chừng nào còn có người dân không có tiền chữa bệnh, đi học, là chúng ta có lỗi và phải cố gắng khắc phục điều này. Khi triển khai mỗi chính sách, giải pháp, chính quyền địa phương phải sát dân hơn, nắm vững từng hộ để có biện pháp hỗ trợ cụ thể, vừa bảo đảm hiệu quả của chính sách, vừa tạo ra cơ hội tốt cho người dân thoát nghèo.

Thanh Hải