Giữ "căn cước văn hóa" để vững vàng hội nhập

- Chủ Nhật, 02/01/2022, 06:17 - Chia sẻ
Được coi là “mã định danh”, “thẻ căn cước” hay “bộ gene” của một dân tộc, bản sắc văn hóa sẽ là kim chỉ nam dẫn dắt con thuyền dân tộc vững vàng tiến ra biển lớn để hội nhập thế giới. Đây là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu đề cập tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Nguy cơ đồng nhất, hòa tan
Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ, nhất là khi cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư bùng nổ, đã tạo tiền đề, cơ hội để các quốc gia có nền văn hóa khác nhau, ở những khu vực khác nhau giao lưu, mang văn hóa của dân tộc này đến với dân tộc khác. Và ngược lại, trong quá trình giao lưu đó, văn hóa mỗi nước có dịp trao đổi, chọn lọc, tiếp thu những giá trị mới, tích cực, tiến bộ từ các nước khác để làm phong phú, đa dạng thêm cho mình. 
PGS.TS. Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cho rằng: “Quá trình đó sẽ dẫn các quốc gia đến chỗ gặp gỡ nhau ở những giá trị nhân bản, chân chính với tinh thần tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, cùng hướng tới mục tiêu dân tộc và hiện đại. Nhưng thực tế cho thấy quá trình hội nhập còn làm nảy sinh nghịch lý ở chỗ nó không chỉ tạo ra cho sự phát triển văn hóa ở mỗi nước những thời cơ thuận lợi mà còn ẩn chứa ngay trong nó những nguy cơ lớn. Một trong số đó là sự mai một các giá trị văn hóa truyền thống trước sự du nhập, tấn công của các yếu tố văn hóa mới lạ từ bên ngoài vào; sự hòa tan bản sắc riêng độc đáo vốn có của mỗi nền văn hóa thành một sản phẩm lai tạp, hỗn loạn, không còn cơ sở để nhận diện, mất đi những yếu tố làm nên căn cước văn hóa của mỗi dân tộc”.
Thách thức, “nguy cơ bất ổn" được PGS.TS. Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chỉ ra cụ thể là “khuynh hướng phổ biến các mô típ văn hóa chung toàn cầu”. Khuynh hướng đó có thể sẽ dẫn đến sự “đồng nhất" các giá trị văn hóa, san bằng, “đồng hóa” các nền văn hóa của các dân tộc, nguy cơ đe dọa xóa bỏ sự khác biệt về văn hóa giữa các quốc gia, dân tộc, giữa các vùng, các khu vực, làm nghèo sự đa dạng của bức tranh văn hóa nhân loại.
Nhận thức rõ tính tất yếu và tính hai mặt của quá trình hội nhập nên Đảng ta đã kịp thời ban hành Nghị quyết Trung ương 5 Khóa VIII về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống luôn là vấn đề quan trọng hàng đầu trong đường lối văn hóa của Đảng. PGS.TS. Phan Trọng Thưởng nhận định: Những thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực hoạt động văn hóa trong thời kỳ đổi mới vừa qua cho thấy ý thức chủ động, tích cực của chúng ta trong quá trình giao lưu và hội nhập. Tuy nhiên, chúng ta cũng bắt đầu nhận thấy các dấu hiệu thiên về “du nhập” nhiều hơn là “hội nhập”, những biểu hiện tiêu cực, mặt trái nảy sinh trong quá trình này.
Nhiều chuyên gia đồng tình cho rằng, những năm qua, nhập siêu văn hóa còn kéo dài, trong đó có những sản phẩm tốt, giá trị, nhưng cũng không ít sản phẩm đội lốt văn hóa, không có giá trị bồi bổ tinh thần, thậm chí làm méo mó các giá trị đích thực và định hướng sai lệch trong lựa chọn các giá trị văn hóa của giới trẻ. Mặt khác, sản phẩm văn hóa, nghệ thuật Việt Nam chất lượng chưa cao nên khó hội nhập vào thị trường thế giới. Công tác khôi phục, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đã được làm tốt, nhưng việc phát huy các giá trị truyền thống đó gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Một trong những nguyên nhân cơ bản là áp lực về kinh tế. Chẳng hạn, nhiều cộng đồng dân tộc rất yêu quý và tự hào về những tấm thổ cẩm của mình, nhưng họ khó có thể theo đuổi nghề dệt (ngay cả khi được Nhà nước hỗ trợ), khi mà một tấm vải dệt rất nhiều ngày nhưng giá trị trên thị trường chỉ bằng 1 - 2 ngày công đi làm thuê...

Chủ động hội nhập về văn hóa

Nguồn: Tuyengiao.vn 

Chủ động hội nhập, gia tăng sức mạnh mềm
Hội nhập quốc tế có sức cuốn hút mạnh mẽ, hàm chứa cả cơ hội lẫn thách thức đối với các quốc gia trên con đường phát triển. Nói về “chìa khóa” để Việt Nam mở cửa với thế giới nhưng vẫn giữ được các giá trị đặc trưng bản địa, PGS.TS. Lâm Nhân, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh cho rằng: Việc chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa là cần thiết, phải chuẩn bị càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, chúng ta phải trang bị vốn văn hóa cần thiết, làm nền tảng, cơ sở để tiếp nhận những tinh hoa. “Muốn hội nhập, muốn tiếp thu được tinh hoa của người khác thì bản thân chuẩn mực văn hóa của chúng ta phải mạnh, bền vững. Nếu không cẩn trọng, ta chỉ tiếp thu được cái xấu, cái thô của người khác, thậm chí mất luôn cái mà chúng ta đã dày công xây dựng và bảo tồn”.
Để “tích cực, chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa", “phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam", “từng bước đưa văn hóa Việt Nam đến với thế giới", như tinh thần Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra, PGS.TS. Nguyễn Duy Bắc góp ý: Quan tâm, chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Có cơ chế và giải pháp nhằm xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc với việc xây dựng nền văn hóa và con người mới tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, sáng tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa mới có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao trên nền tảng văn hóa truyền thống và cách mạng Việt Nam. Đây là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu để tiếp tục gia tăng cơ tầng sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam và lan tỏa sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Khuyến khích tìm tòi, thể nghiệm mọi phương pháp và phong cách sáng tạo văn hóa vì mục đích đúng đắn và lành mạnh. Quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa đương đại phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh. Có cơ chế thanh lọc, ngăn chặn những tác động tiêu cực từ quá trình tiếp biến văn hóa toàn cầu. 
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương đề xuất đổi mới phương thức bảo tồn và phát triển văn hóa. Theo đó, Nhà nước cần có chiến lược, kế hoạch phát triển có trọng điểm, trọng tâm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa. Đổi mới công tác quản lý, hoàn thiện hành lang pháp lý cho ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa, nhằm gia tăng sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam...
Đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề tới lĩnh vực văn hóa, hoạt động văn hóa đối ngoại gặp nhiều khó khăn. Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Thức, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, cần khảo sát nắm tình hình, tổng kết thực tiễn hoạt động văn hóa nghệ thuật trong bối cảnh đại dịch để sớm có văn bản chỉ đạo để văn hóa Việt Nam tận dụng thời cơ, hóa giải thách thức, chủ động thích ứng, hòa vào dòng chảy văn minh nhân loại và thích nghi với đại dịch Covid-19. Mặt khác, cần nắm bắt xu hướng phát triển văn hóa trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0, ứng dụng thành tựu công nghệ để chủ động đổi mới hoạt động văn hóa đối ngoại, tăng cường tiềm lực phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thương hiệu quốc gia và các trung tâm, thành phố sáng tạo, tạo tiền đề vững chắc cho hội nhập quốc tế về văn hóa...
Thế giới đã bước sang chương mới vô cùng đặc biệt trong lịch sử nhân loại, một thế giới phẳng, nguy cơ biên giới của các nền văn hóa bị xóa nhòa. Bởi vậy, “bản sắc văn hóa truyền thống phải trở nên rõ ràng nhất, sâu sắc nhất, khoa học nhất, nhân văn nhất và phù hợp với một tinh thần sống mới của đất nước thì mới trở thành năng lượng sống cho một dân tộc và trở thành thành trì bền vững nhất bảo vệ những giá trị Việt trước một xu thế hội nhập không thể cưỡng lại được của thế giới” - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều khẳng định.

Thảo Nguyên