Trong thời điểm cả hai nước đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện để phát triển, khối lượng công việc của Quốc hội ngày càng nhiều hơn, nhiệm vụ của bộ máy giúp việc cũng vì thế mà trở nên nặng nề. Do đó, việc trao đổi kinh nghiệm hoạt động và nghiên cứu trở nên rất thiết thực và có ý nghĩa trong việc tăng cường tình hữu nghị và giúp đỡ lẫn nhau giữa Quốc hội và cơ quan giúp việc của hai nước. Vì vậy, thực hiện thoả thuận cấp cao giữa hai Quốc hội, Văn phòng Quốc hội Việt Nam đã phối hợp với Văn phòng Quốc hội Lào để tiến hành giao lưu công tác lần đầu tiên vào tháng 8 năm 2004. Từ đó đến nay, hoạt động này đã được tổ chức hàng năm.
Cuộc hội thảo giao lưu công tác lần thứ nhất đã diễn ra vào tháng 8.2004 tại thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam. Với chủ đề “Nâng cao hơn nữa hiệu quả phục vụ kỳ họp Quốc hội”, các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận về các nội dung: công tác thông tin, thư viện, tư liệu, báo chí; thủ tục, chương trình, xây dựng nghị quyết và chất vấn của đại biểu Quốc hội; đảm bảo cơ sở vật chất và công tác hành chính phục vụ Quốc hội.
Cuộc hội thảo giao lưu công tác lần thứ hai có chủ đề “Công tác chuẩn bị phục vụ cho hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội” được tổ chức từ ngày 6 đến ngày 11.4.2005 tại thị xã Pạcxế, tỉnh Chămpasắc, nước CHDCND Lào. Bên cạnh đó, để giúp Văn phòng Quốc hội Lào chuẩn bị cho công tác tổ chức Đại hội đồng AIPO 26, hai bên đã trao đổi kinh nghiệm tổ chức phục vụ và Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam Bùi Ngọc Thanh đã trao tặng toàn bộ tài liệu về Đại hội đồng AIPO 23 tổ chức tại Việt Nam cho Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lào Thoongxả Pănnhaxít.
Cuộc hội thảo giao lưu công tác lần thứ ba diễn ra từ ngày 2 đến ngày 6 tháng 8 năm 2006 tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế, nước CHXHCN Việt Nam. Nội dung của cuộc hội thảo này tập trung vào các vấn đề: đổi mới quy trình xây dựng pháp luật; nâng cao chất lượng giám sát chuyên đề và công tác tuyên truyền hoạt động của Quốc hội.
Tại các cuộc hội thảo, các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao cũng đã được khéo léo kết hợp với việc trao đổi nghiệp vụ, chuyên môn, kinh nghiệm làm việc, và nhờ vậy, càng thúc đẩy và mở rộng quan hệ gắn bó tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên hai Văn phòng. Chương trình thể thao được xây dựng, lựa chọn dựa trên cơ sở các môn thể thao mà cán bộ, chuyên viên hai Văn phòng thường tập luyện sau mỗi ngày làm việc, gồm: bóng đá, cầu lông, bóng bàn; chương trình văn nghệ với nhiều tiết mục mang đậm tính dân tộc truyền thống của mỗi nước, được hai Đoàn chuẩn bị tốt và chu đáo, góp phần đáng kể vào thành công của các cuộc Hội thảo giao lưu công tác.
Cho đến nay, cả 3 cuộc hội thảo giao lưu công tác giữa hai Văn phòng đều được tổ chức thành công tốt đẹp và đem lại hiệu quả. Qua trao đổi, giao lưu công tác cho thấy, nhiều kinh nghiệm trong công tác xây dựng pháp luật và giám sát của Quốc hội Việt Nam khá phù hợp với tình hình thực tế tại Lào. Tiếp sau hội thảo giao lưu công tác, một số vụ, đơn vị chuyên môn thuộc hai Văn phòng cũng đã liên lạc và trao đổi đoàn công tác để tìm hiểu sâu thêm những vấn đề liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.
Mỗi năm, cán bộ hai Văn phòng Quốc hội lại náo nức chờ đợi cuộc họp mặt mang lại bao nhiêu hứng khởi và niềm vui. Những chuyến giao lưu nghĩa tình chính là nền tảng vững chắc cho mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai Quốc hội, hai Văn phòng Quốc hội, đồng thời, cũng góp phần bồi đắp tình cảm anh em giữa hai dân tộc Việt-Lào mãi mãi bền vững, tươi xanh.
Hà Thu