Trường ĐH Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh tăng chỉ tiêu “đột biến”: Bộ GD-ĐT nói gì?

- Thứ Tư, 31/05/2023, 17:57 - Chia sẻ

Số chỉ tiêu tuyển sinh của Trường Đại học Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh được đánh giá đã tăng một cách bất thường,  có ngành tăng chỉ tiêu tới 91 lần sau 2 năm. Bộ GD - ĐT nói gì về vấn đề này? 

Chỉ tiêu tuyển sinh tăng "đột biến"

Theo Đề án tuyển sinh năm 2023 của Trường Đại học Giao thông Vận tải TP.Hồ Chí Minh, cơ sở đào tạo này dự kiến tuyển sinh 10.000 chỉ tiêu trong năm nay cho 61 ngành/chương trình đào tạo.

Trước đó, năm 2022, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 5.050, đã tăng 3.440 chỉ tiêu so với năm 2021 (chỉ tiêu tuyển sinh năm 2021 là 1.610 chỉ tiêu). Có thể thấy, số chỉ tiêu tuyển sinh của Trường Đại học Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh dường như đã tăng một cách “đột biến”.

Một số ý kiến cho rằng việc tăng nhanh số chỉ tiêu cũng khiến điểm chuẩn một số ngành năm 2022 của trường giảm mạnh như ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng giảm từ 27.1 điểm năm 2021 xuống còn 17 điểm năm 2022; ngành Công nghệ thông tin từ 26 điểm năm 2021 xuống 19 điểm năm 2022 (theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT). 

Một trường đại học ở TP.Hồ Chí Minh có số chỉ tiêu tuyển sinh tăng bất thường -0
Sự thay đổi số chỉ tiêu tuyển sinh của Trường Đại học Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh qua các năm

Phân tích các số liệu trong Đề án tuyển sinh năm 2023 của trường này thấy rằng, tính riêng chỉ tiêu ở ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, chương trình chất lượng cao là 4.680 chỉ tiêu. Cùng ở ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, chuyên ngành Quản trị logistics và vận tải đa phương thức - chương trình học hoàn toàn bằng tiếng Anh có 800 chỉ tiêu.

Như vậy, chỉ riêng ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng với 2 chương trình đào tạo trên đã có tổng chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến là 5.480, cao hơn tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm 2022.

Nếu so với số chỉ tiêu 810 của ngành này năm 2022, chỉ tiêu năm 2023 đã tăng gần 7 lần. Còn so với con số 60 chỉ tiêu năm 2021 thì tăng tới hơn 91 lần.

Chưa kể, ở lĩnh vực logistics, nhà trường còn đào tạo nhiều chuyên ngành, chương trình liên quan khác như Công nghệ kỹ thuật logistics (thuộc ngành Kỹ thuật cơ khí), Logistics và hạ tầng giao thông (thuộc ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông), Quản trị logistics và vận tải đa phương thức (thuộc ngành Khai thác vậy tải),...

Việc Trường Đại học Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh tăng chỉ tiêu tuyển sinh một cách “bất thường” khiến không ít người bày tỏ băn khoăn.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân về vấn đề trên, Trưởng phòng tuyển sinh của một trường đại học cho biết Bộ GD-ĐT đã có quy định cụ thể về năng lực đào tạo của từng trường, gắn với số lượng giảng viên, số lượng tiến sĩ; các trường căn cứ vào đó để xác định số chỉ tiêu tuyển sinh.

Hiện nay, Bộ GD-ĐT hoàn toàn cho các trường được chủ động xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tuy nhiên sẽ có hậu kiểm. 

“Tôi không rõ việc họ tăng chỉ tiêu như vậy có vi phạm hay không vì không có thông tin tin đầy đủ.

Tuy nhiên, trong việc này Bộ GD-ĐT đã có quy chế rất nghiêm, trong những năm qua, một số trường đã bị Bộ xử phạt vì tuyển sinh không đúng với năng lực đào tạo. Do đó, các trường thường sẽ cân nhắc chỉ tiêu tuyển sinh để tuân thủ quy định”, ông cho hay.

Bộ GD-ĐT nói gì?

Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân, Tiến sĩ Phạm Như Nghệ, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, vấn đề xác định chỉ tiêu tuyển sinh đã được Bộ GD-ĐT quy định tại Thông tư 03 năm 2022. Tới ngày 28.4.2023, Bộ tiếp tục ban hành Thông tư 10 sửa đổi Thông tư 03, trong đó quy định các điều kiện, tiêu chí để xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.

Cụ thể, quy định những trường hợp nào được tăng chỉ tiêu tuyển sinh, trường hợp nào không được tăng chỉ tiêu.

Theo Tiến sĩ Nghệ, nếu muốn tăng chỉ tiêu tuyển sinh, các trường phải đảm bảo chất lượng đào tạo và các tiêu chí bao gồm đội ngũ giảng viên, điều kiện cơ sở vật chất, kiểm định chương trình, kết quả tuyển sinh các năm, tình hình việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp,…

“Cơ sở đào tạo phải hoàn toàn tuân thủ theo quy định này, trường nào làm sai thì trường đó chịu trách nhiệm”, ông khẳng định.

Về vấn đề báo chí phát hiện điểm “bất thường” khi Trường Đại học Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh có số chỉ tiêu tăng vọt, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ có trao đổi với Trường Đại học Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh để đơn vị này rà soát lại, xem có nhầm lẫn về số liệu hay không. Trường hợp nhầm lẫn cần chỉnh sửa ngay.

Trong trường hợp nhà trường khẳng định đã làm đúng, Bộ GD-ĐT sẽ thành lập đoàn kiểm tra để xem xét các điều kiện của trường có đảm bảo hay không.

“Cũng phải đặt dấu hỏi rằng tại sao đội ngũ giảng viên lại tăng nhanh như vậy, vì muốn tăng chỉ tiêu thì đội ngũ giảng viên phải tăng.

Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, cũng có trường hợp các năm trước nhà trường công bố số chỉ tiêu chưa hết so với năng lực đào tạo, tức là năng lực có thể đảm bảo 10.000 chỉ tiêu, nhưng chỉ tuyển sinh 5.000. Như vậy thì không sao cả, vì mọi năm công bố ít hơn là quyền của họ, đến năm nay công bố hết khả năng vẫn đúng quy định.

Tất cả những điều này đều đang là dấu hỏi. Trường đúng hay sai thì cần đi kiểm tra, dựa trên cơ sở pháp lý và điều kiện thực tế mới có thể kết luận”, Tiến sĩ Nghệ phân tích.

Được biết, năm 2023, Trường Đại học Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh tuyển sinh theo 5 phương thức, gồm Xét kết quả học tập THPT (học bạ), Tuyển thẳng theo đề án của trường, Xét tuyển theo kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM năm 2023, Tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD-ĐT và Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT 2023.

Trước đó, việc xét tuyển học bạ của Trường Đại học Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh cũng gây không ít ý kiến tranh luận khi trường công bố 2 đợt xét học bạ từ ngày 15.4 đến hết ngày 30.5 và từ ngày 3.6 đến hết ngày 20.6.

Thông thường, phải chờ tới kết thúc đợt xét tuyển, dựa trên số hồ sơ, điểm, nguyện vọng của thí sinh đăng ký, các trường mới xét tuyển và công bố kết quả. Tuy nhiên, nhiều thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển học bạ đợt 1 vào Trường Đại học Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh cho biết đã nhận được kết quả trúng tuyển có điều kiện ngay sau đó.

Nguyễn Liên
#