Sau vụ ngộ độc tại Trường iSchool, Hà Nội tăng cường “siết chặt” đầu vào thực phẩm trường học

- Thứ Tư, 30/11/2022, 09:06 - Chia sẻ

Sau vụ hơn 600 học sinh trường iSchool (Khánh Hoà) bị ngộ độc thực phẩm, ngày 29.11, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có công văn gửi các cơ sở giáo dục đào tạo yêu cầu tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Theo nội dung công văn, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các cơ sở giáo dục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức cho học sinh, cán bộ, giáo viên và nhân viên chế biến thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, căng tin trong nhà trường về an toàn thực phẩm; bảo đảm an toàn điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ sơ chế, chế biến, bảo quản và vận chuyển thực phẩm;

Lựa chọn và sử dụng thực phẩm an toàn, nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng; hiểu đúng, tìm hiểu kỹ các thông tin về thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, dùng đúng thực phẩm bảo vệ sức khỏe; vệ sinh cá nhân trong việc phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Vụ học sinh ngộ độc ở Nha Trang: Bộ Giáo dục yêu cầu tăng cường kiểm soát chặt nguồn gốc thực phẩm
Sau vụ học sinh ngộ độc ở Nha Trang: Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu tăng cường kiểm soát chặt nguồn gốc thực phẩm

Đồng thời, triển khai mạnh mẽ các hoạt động vệ sinh trường học để phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh trong trường học.

Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn, căng tin của nhà trường. Kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu: chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm theo quy định.

Nghiêm cấm không để các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm không đảm bảo đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cung cấp thực phẩm hoặc suất ăn cho các trường học có bán trú.

Khi phát hiện những hành vi vi phạm về an toàn thực phầm cần thông báo ngay cho các cơ quan chức năng tại địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời.

Tăng cường công tác y tế, vệ sinh môi trường trường học để phòng chống và ngăn chặn các bệnh lây truyền do nguồn nước không đảm bảo; huy động các lực lượng trong nhà trường tham gia vệ sinh khuôn viên sân trường, khơi thông cống rãnh, thu gom rác thải xung quanh sân trường, vệ sinh khử khuẩn lớp học;  lập kế hoạch bảo hành, bảo dưỡng công trình nước sạch, vệ sinh tại đơn vị.

Tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương trong việc giáo dục, hướng dẫn trẻ em, học sinh thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường.

Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp với tăng cường hoạt động thể lực phù hợp với độ tuổi, thể trạng của trẻ em, học sinh và điều kiện của gia đình trẻ em, học sinh để nâng cao sức khoẻ, phòng, chống dịch bệnh và các bệnh không lây nhiễm.

Sau vụ ngộ độc tại Trường iSchool, Hà Nội tăng cường “siết chặt” đầu vào thực phẩm trường học -0
Trẻ bị đau bụng có thể do nhiều nguyên nhân. Ảnh: Freepik

Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu cơ sở giáo dục

Trước đó, ngày 21.11, ngay sau khi vụ ngộ độc tại Trường iSchool xảy ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 6141/BGDĐT-GDTC gửi Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục.

Công văn nêu rõ: Thời gian vừa qua, công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục đã được các địa phương quan tâm và kịp thời chỉ đạo, tạo sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tại một số cơ sở giáo dục vẫn xảy ra tình trạng không bảo đảm an toàn thực phẩm khi tổ chức bữa ăn học đường cho trẻ em và học sinh, sinh viên gây hậu quả nghiêm trọng.

Nhằm bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho người học khi tổ chức bữa ăn học đường, Bộ GD và ĐT đề nghị thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật An toàn thực phẩm; Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục (nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cơ sở giáo dục), giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh về việc bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng chống các dịch bệnh lây truyền qua thực phẩm và ngộ độc thực phẩm.

Thanh tra, kiểm tra liên ngành Giáo dục - Y tế, huy động sự tham gia của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong việc giám sát công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, an toàn thực phẩm, vệ sinh trường học tại các cơ sở giáo dục; phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, điều kiện vệ sinh trong trường học nhằm bảo đảm sức khỏe cho trẻ em, học sinh.    

Khởi tố vụ án để điều tra

Như báo chí đã phản ánh ngày 23.11, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo quy định tại điều 317 Bộ luật hình sự, xảy ra tại trường iSchool Nha Trang.

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, vụ ngộ độc xảy ra tại trường iSchool Nha Trang đã khiến hơn 660 học sinh, giáo viên ở trường này phải nhập viện thăm khám, điều trị. Một em học sinh 6 tuổi đã tử vong.

Kết quả xét nghiệm mẫu thức ăn mà các em học sinh, giáo viên trường iSchool Nha Trang sử dụng vào bữa trưa ngày 17.11 của Viện Pasteur Nha Trang xác định: Có vi khuẩn Salmonella spp, Bacillus cereus, Escherichia coli (E.coli) trong mẫu cánh gà chiên. Vi khuẩn Bacillus cereus còn được phát hiện trong mẫu nước mắm.

Những vi khuẩn trên sinh ra độc tố, dẫn đến ngộ độc.
​​​​​​

Hồng Hạnh
#