Nguyên nhân và biện pháp phòng tránh chứng mất ngủ

- Thứ Hai, 05/12/2022, 08:28 - Chia sẻ

Mất ngủ là chứng rối loạn giấc ngủ thường xuyên, ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới. Người bị mất ngủ thường cảm thấy khó đi vào giấc ngủ hoặc ngủ không sâu, dễ tỉnh.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), người trưởng thành cần ngủ ít nhất 7-9 giờ mỗi ngày, tùy thuộc vào từng độ tuổi cụ thể.

Nghiên cứu cho thấy rằng khoảng 25% người dân ở Hoa Kỳ bị mất ngủ mỗi năm, nhưng khoảng 75% trong số này không phát triển thành tình trạng lâu dài.

Mất ngủ ngắn hạn có thể gây ra cảm giác mệt mỏi vào ban ngày, khó tập trung và các vấn đề khác. 

Những điều cần lưu ý về chứng mất ngủ -0
Mất ngủ ngắn hạn có thể gây ra cảm giác mệt mỏi vào ban ngày, khó tập trung và các vấn đề khác (Ảnh minh hoạ)

Chứng mất ngủ là gì?

Sử dụng máy tính hoặc các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ có thể dẫn đến tình trạng khó ngủ. Người bị mất ngủ thường khó đi vào hoặc duy trì giấc ngủ và có thể liên tục bị tỉnh giấc trong đêm.

Điều này sẽ dẫn tới tình trạng buồn ngủ vào ban ngày, lờ đờ, cảm giác tinh thần và thể chất không khỏe, dễ cáu gắt, khó chịu và lo lắng. Từ đó, làm giảm hiệu quả học tập và công việc cũng như hạn chế khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày của bệnh nhân.

Ngoài ra, mất ngủ còn làm góp phần phát triển các bệnh mãn tính, chẳng hạn như béo phì, tiểu đường, bệnh tim mạch hay trầm cảm.

Nguyên nhân gây mất ngủ

Mất ngủ có thể là kết quả của một loạt các yếu tố sức khỏe về cả thể chất và tâm lý. Thông thường, nguyên nhân gây ra mất ngủ là một vấn đề tạm thời, chẳng hạn như căng thẳng ngắn hạn. Tuy nhiên trong một số trường hợp khác, chứng mất ngủ bắt nguồn từ một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn.

Nguyên nhân phổ biến bao gồm:

- Bị lệch múi giờ, chuyển ca tại nơi làm việc hoặc có bất kỳ thay đổi nào khác liên quan đến đồng hồ sinh học bên trong cơ thể

- Phòng quá nóng, quá lạnh, ồn ào hoặc giường không thoải mái

- Tập thể dục quá ít

- Bị ám ảnh hoặc gặp ác mộng vào ban đêm

- Sử dụng chất kích thích

Bên cạnh đó, các vấn đề tình trạng sức khỏe khác dưới đây cũng sẽ hạn chế chất lượng giấc ngủ của chúng ta bao gồm:

- Tuyến giáp hoạt động quá mức

- Chứng ngưng thở lúc ngủ

- Bệnh trào ngược dạ dày (GERD)

- Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)

- Đau mãn tính

Hơn nữa, sử dụng một số loại thuốc cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng mất ngủ mà chúng ta không ngờ tới, bao gồm: corticoid, statin, thuốc chẹn alpha, thuốc chẹn beta, thuốc chống trầm cảm, sự kết hợp của glucosamine và chondroitin…

Phân loại tình trạng mất ngủ

Mất ngủ có thể được phân thành 2 loại là mất ngủ cấp tính (ngắn hạn) và mất ngủ mãn tính (có thể kéo dài hàng tháng hoặc hàng năm).

Các bác sĩ cũng phân loại mất ngủ theo nguyên nhân: chứng mất ngủ nguyên phát là các vấn đề rối loạn liên quan tới giấc ngủ mà không có mối liên hệ tới tiền sử bệnh lý của bạn và mất ngủ thứ cấp là kết quả của một vấn đề sức khỏe khác.

Ngoài ra, mất ngủ cũng được phân loại theo mức độ nghiêm trọng từ nhẹ, vừa phải cho tới trầm trọng.

Phương pháp điều trị chứng mất ngủ

Phương pháp điều trị tốt nhất có thể phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và loại mất ngủ, một số tùy chọn bao gồm:

- Tư vấn từ các chuyên gia

- Liệu pháp hành vi nhận thức, hoặc CBT

- Thuốc theo toa

- Sản phẩm hỗ trợ giấc ngủ không kê đơn

- Melatonin

Chăm sóc giấc ngủ tại nhà

Một số biện pháp khắc phục và lời khuyên có thể giúp kiểm soát chứng mất ngủ:

- Đi ngủ và thức dậy vào một khung giờ cố định, thiết lập một thói quen.

- Thư giãn trước khi ngủ

- Để điện thoại và các thiết bị điện tử khác bên ngoài phòng ngủ.

- Nhiệt độ phòng thoải mái.

- Sử dụng rèm để làm tối căn phòng lúc cần.

- Tránh đi ngủ khi đói, đồng thời tránh ăn quá no trong vòng 2-3 giờ trước khi đi ngủ.

- Hạn chế uống caffein và rượu, đặc biệt là vào ban đêm.

- Có một chế độ ăn uống lành mạnh, đa dạng để tăng cường sức khỏe tổng thể.

Mất ngủ là một vấn đề phổ biến và là kết quả của nhiều vấn đề, có thể liên quan đến sức khỏe thể chất hoặc tinh thần. 

Giữ sức khỏe thể chất lành mạnh cũng rất quan trọng đối với giấc ngủ. Tập thể dục đều đặn nhưng không tập trong vòng 4 tiếng trước khi đi ngủ, thực hiện các bài tập thở và thư giãn, đặc biệt là trước khi ngủ giúp hỗ trợ cải thiện trình trạng bệnh. 

Tìm các sở thích để duy trì hàng ngày trước khi đi ngủ có thể giúp bạn dễ dàng đi sâu vào giấc ngủ hơn, chẳng hạn như nghe nhạc nhẹ hoặc đọc sách.

(Nguồn: https://www.medicalnewstoday.com)

Minh Hiếu
#