Muốn trở thành “đại học số” phải cho sinh viên sống trong “môi trường số”

- Chủ Nhật, 04/12/2022, 15:39 - Chia sẻ

“Muốn đào tạo nhân lực chuyển đổi số và thể hiện vai trò dẫn dắt cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 thì mỗi trường Đại học cần cho sinh viên của mình sống, học tập và làm việc trong môi trường số…”

PGS.TS Đặng Hoài Bắc - Giám đốc Học viện công nghệ Bưu chính Viễn Thông đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đại biểu Nhân dân về chuyển đổi số, về xây dựng "Đại học số", "Đại học thông minh" trong thời cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Muốn trở thành “đại học số” phải cho sinh viên sống trong “môi trường số” -0
PGS.TS Đặng Hoài Bắc - Giám đốc Học viện công nghệ Bưu chính Viễn Thông

Trường Đại học đầu tiên xây dựng nền tảng ứng dụng công nghệ Blockchain

- Được biết, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đang triển khai áp dụng mô hình “Đại học số” để tiến tới xây dựng “Đại học thông minh”, ông cho biết việc thực hiện này như thế nào và hiện nay đã đạt kết quả ra sao?

- PGS.TS Đặng Hoài Bắc: Mô hình đại học thông minh đã và đang được nhiều đại học trong nước và quốc tế nghiên cứu, tìm hiểu với các vấn đề lớn như: Lớp học thông minh, Môi trường học tập thông minh, Giáo viên thông minh, Khuôn viên thông minh, Cộng đồng học tập thông minh và Phương pháp học tập thông minh.

Với vấn đề này, Học viện chúng tôi đã tiếp cận theo góc độ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) theo chiều sâu trong tất cả các lĩnh vực.

Tuy các hoạt động về ứng dụng CNTT theo chiều sâu để hình thành đại học thông minh đã được Học viện thực hiện trong nhiều năm trở lại đây nhưng để nâng cấp hoạt động này theo định hướng mới về chuyển đổi số của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Giáo dục và Đào tạo, Học viện đã tập trung vào nghiên cứu, định hình kiến trúc của trường đại học số và hoàn thiện phương án chuyển đổi số Học viện đến năm 2025.

Sau gần 1 năm triển khai, một hệ sinh thái ban đầu cho trường Đại học số được hình thành ở Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Hàng chục ngàn sinh viên và cán bộ, giảng viên của trường có thể thực hiện các hoạt động, theo dõi lịch học, xem điểm thi, xác nhận hành chính, thanh toán online, đóng học phí bằng chiếc smartphone. 

Hệ thống kết nối nội bộ PTIT-Slink được xây dựng với vai trò là mạng xã hội nội bộ đã có gần 13.000 sinh viên, cán bộ đang sử dụng với các tính năng thông báo, truy cập, dịch vụ một cửa, tương tác sinh viên giảng viên, giảng đường…

Hệ thống hoạt động tuyển sinh và nhập học số kèm thanh toán online cũng được triển khai xuyên suốt quá trình tuyển sinh Đại học chính quy với 9.242 tài khoản mới, xác nhận nhập học và nhập học cho 3.500 thí sinh trúng tuyển giảm thời gian thực hiện thủ tục từ 10-15 ngày xuống có 2.5 ngày, cán bộ phục vụ nhập học giảm từ 100 người xuống còn 20 người.

Toàn bộ quy trình nhập học, xếp lớp học, cấp mã sinh viên, tổ chức đào tạo online được thực hiện tự động với cơ sở dữ liệu liên thông.

Học viện cũng là trường Đại học đầu tiên xây dựng nền tảng ứng dụng công nghệ Blockchain cho việc cấp văn bằng chứng chỉ thuận tiện cho việc xác thực điện tử.

- Khi các trường đại học chuyển đổi thành "Đại học số", "Đại học thông minh" thì sinh viên và giảng viên, chất lượng đào tạo thay đổi ra sao, thưa ông?

- PGS.TS Đặng Hoài Bắc: Đại học thông minh với cách tiếp cận “Đại học số” của Học viện có một số đặc trưng như sau:

Thứ nhất, người học có thể lựa chọn và tiếp cận hoạt động học tập, nghiên cứu, kết nối cộng đồng, tìm kiếm việc làm trên môi trường số và được đồng bộ với môi trường thực để hỗ trợ lẫn nhau giúp đa dạng hóa sự lựa chọn tùy theo mục tiêu và nhu cầu của người học;

Thứ hai, giảng viên có thể đến từ bất cứ đâu trên thế giới và tham gia hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, tương tác với nhà trường trên môi trường số thông qua sự hỗ trợ của công nghệ số các hoạt động này cũng được đồng bộ với môi trường thực;

Thứ ba, chất lượng đào tạo được tiếp cận thêm một góc nhìn mới là sự đáp ứng mong muốn và năng lực của người học và mong muốn của doanh nghiệp thông qua việc kết nối đa chiều giữa người học, nhà trường và doanh nghiệp thông qua môi trường xã hội số của Nhà trường.

Thứ tư, nhà trường thực hiện các hoạt động quản lý với các hệ thống thông minh, hỗ trợ ra quyết định thông qua việc phân tích các dữ liệu học tập của sinh viên và tương tác của người học với nhà trường.

- Theo ông "Đại học số" thúc đẩy mục tiêu đào tạo cá thể hóa như thế nào?

- PGS.TS Đặng Hoài Bắc: Việc cá thể hóa việc học tập của người học là một mục tiêu quan trọng trong quá trình triển khai chuyển đổi số tại Học viện. Trong quá trình triển khai chuyển đổi số nhà trường, Học viện nhận thấy công nghệ số đang tạo điều kiện thuận lợi và có xu hướng thúc đẩy cá thể hóa học tập của mỗi người.

Tuy nhiên, việc cá thể hóa đào tạo nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và phù hợp với năng lực, tố chất, thế mạnh của mỗi sinh viên cần được triển khai dựa trên dữ liệu lớn và sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo và các công nghệ hiện đại.

Ngoài ra, việc cá thể hóa học tập cũng phụ thuộc nhiều vào các chính sách, quy định về xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo. Thực tế cho thấy, để có thể cá thể hóa việc học tập hiệu quả thì các quy định về xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo hiện hành cần linh hoạt hơn nữa.

Muốn trở thành “đại học số” phải cho sinh viên sống trong “môi trường số” -0

Xây dựng nền tảng mạng xã hội riêng phục vụ việc giảng dạy, học tập

Với kết quả như trên có thể biến đổi trường đại học truyền thống thành một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, vậy trong đó mô hình quản trị sẽ được vận hành như thế nào thưa ông?

- PGS.TS Đặng Hoài Bắc: Với tinh thần triển khai chuyển đổi số theo mô hình “Quốc gia số thu nhỏ”, Học viện đã nghiên cứu, tham khảo các định hướng, chính sách của quốc gia trong hoạt động chuyển đổi số và xây dựng phương án chuyển đổi số bám theo 3 trục của Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Đó là Quản trị số – Dịch vụ số – Xã hội số.

Do một trường đại học mang nhiều đặc điểm của một xã hội thu nhỏ với rất nhiều tổ chức, cá nhân cùng học tập, làm việc, sinh hoạt… nên việc tham khảo 3 trục của Chương trình chuyển đổi số quốc gia là rất phù hợp.

Về Quản trị số, chúng tôi đã xây dựng trung tâm điều hành dữ liệu, theo đó mọi số liệu phục vụ cho quản trị, quản lý, điều hành được tập trung và phục vụ việc ra quyết định của lãnh đạo; các đơn vị chức năng cũng khai thác, sử dụng dữ liệu được liên thông thông qua một hệ thống quản lý đào tạo chung.

Về dịch vụ số, Học viện đã và đang triển khai từng bước các dịch vụ công theo nhu cầu của người học trên nền tảng trực tuyến. Chúng tôi đã và đang hướng tới cung cấp các dịch vụ tương đương dịch vụ công mức độ 4, hiện có 30 dịch vụ công của Học viện đã được đưa vào triển khai.

Về xã hội số, chúng tôi đã có cho riêng mình một nền tảng mạng xã hội riêng phục vụ việc giảng dạy, học tập, tương tác, kết nối giữa nhà trường và người học. Nền tàng này cung cấp tài khoản riêng cho đến từng người học và cá nhân hóa tài khoản trực tuyến này đến từng sinh viên.

- Trong cuộc cách mạng 4.0 thì mô hình đại học 4.0 sẽ như thế nào để các trường đại học vừa cạnh tranh và dẫn dắt cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thưa ông?

- PGS.TS Đặng Hoài Bắc: Cùng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số là một trong những xu hướng tất yếu mang lại những tiềm năng và lợi ích to lớn cho các lĩnh vực kinh tế -  xã hội. Giáo dục Đào tạo là một lĩnh vực đặc biệt, nó không chỉ là dịch vụ mà đối tượng hướng tới là con người, lấy con người làm trung tâm, mà sự thành bại của bất cứ sự đổi mới nào, một xu hướng nào đều có vai trò nòng cốt của yếu tố con người thông qua các hoạt động giáo dục đào tạo.

Bất cứ một cơ sở giáo dục nào đều hoạt động như một xã hội thu nhỏ mà đặc trưng của nó là những người trẻ năng động, dễ dàng tiếp thu cái mới và sẵn sàng ứng dụng cái mới.

Học viện với may mắn là đơn vị đào tạo Đại học duy nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông, được sự chỉ đạo sát sao, sự truyền cảm hứng đồng thời giao nhiệm vụ trực tiếp của đồng chí Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng Học viện đã có những quyết tâm và đặt ra những mục tiêu đột phá về chuyển đổi số giáo dục Đại học để trở thành hình mẫu tiên phong về Đại học số.

Qua quá trình thực hiện, Học viện nhận thấy muốn đào tạo nhân lực chuyển đổi số và thể hiện vai trò dẫn dắt cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 thì mỗi trường Đại học cần cho sinh viên của mình sống, học tập và làm việc trong môi trường số và đây cũng là cách đào tạo công nghệ số tốt nhất đáp ứng yêu cầu CMCN 4.0.

- Theo ông, các trường đại học Việt Nam hiện nay nên thay đổi như thế nào để đẩy nhanh hơn nữa mô hình đại học số, theo kịp với xu thế thời đại?

- PGS.TS Đặng Hoài Bắc: Trên thực tế, trong những năm vừa qua các trường đại học Việt Nam cũng đã chủ động mạnh mẽ thay đổi để thích ứng với sự thay đổi đến từ cuộc CMCN 4.0 và sức ép mạnh mẽ từ xu hướng tự chủ, xu hướng cam kết chất lượng trước xã hội và xu hướng hội nhập quốc tế. Để đẩy nhanh hơn nữa việc hình thành đại học thông minh, Học viện nhận thấy cần quan tâm đến 02 vấn đề.

Thứ nhất, cần có các mô hình thí điểm tiên phong xây dựng mô hình đại học thông minh;

Thứ hai, nhà nước cần quan tâm và xem xét có các chính sách, định hướng về xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo linh hoạt đáp ứng xu hướng mới về việc học tập trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hồng Hạnh (thực hiện)
#