Hội đồng tư vấn kỹ năng ngành Logistics - Hướng đi phù hợp

- Thứ Bảy, 26/11/2022, 20:44 - Chia sẻ

“Sau 5 năm thực hiện thí điểm tại Việt Nam, Hội đồng tư vấn kỹ năng ngành Logistics (LIRC) đã và đang chứng tỏ vai trò, hiệu quả trong phát triển kỹ năng nghề với sự dẫn dắt của doanh nghiệp, đặc biệt là các hoạt động về tham vấn chính sách, dự báo kỹ năng, điều chỉnh chương trình đào tạo… phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp cũng như người sử dụng lao động”.

Đây là những nội dung chính được rút ra tại Hội thảo “Vai trò của Hội đồng tư vấn kỹ năng ngành Logistics (LIRC) trong việc thúc đẩy sự gắn kết của doanh nghiệp với giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam”.

Sự kiện nằm trong khuôn khổ hoạt động của Chương trình Aus4Skills và do  Quỹ Hỗ trợ cựu sinh viên Australia (AARF) phối hợp với Trường cao đẳng Kỹ nghệ II đã tổ chức.

LIRC - đã có trong luật…

Báo cáo kết quả khảo sát, đánh giá thực tiễn về vai trò và tầm quan trọng của LIRC tại một số doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đào tạo các ngành về logistics, Trưởng nhóm nghiên cứu về LIRC – Hoàng Thái Sơn cho biết, mô hình hội đồng kỹ năng ngành (Mô hình) đã được áp dụng thành công ở nhiều nước công nghiệp, phát triển trên thế giới với cách tiếp cận chung là hướng đến mục tiêu đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu, yêu cầu của bên sử dụng lao động một cách tốt nhất. Tuy nhiên, Mô hình này hiện đang còn rất mới ở Việt Nam.

Hội đồng tư vấn kỹ năng ngành Logistics - Hướng đi phù hợp -0
Trưởng nhóm nghiên cứu về LIRC – Hoàng Thái Sơn phát biểu

Về mặt pháp lý, Mô hình chỉ mới được đề cập trong Bộ luật Lao động năm 2019 và chưa được cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm dưới Luật. LIRC là một hoạt động thí điểm nhưng được đánh giá là khá hiệu quả về phát triển kỹ năng nghề với sự dẫn dắt của doanh nghiệp, đặc biệt là các hoạt động về tham vấn chính sách, dự báo kỹ năng, khuyến cáo điều chỉnh chương trình đào tạo, xem xét và xác nhận các tiêu chuẩn nghề để làm cơ sở phát triển, điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp cũng như người sử dụng lao động. Kết quả hoạt động của LIRC trong thời gian 05 năm vừa qua là một minh chứng cho thấy mô hình hội đồng kỹ năng ngành ở các nước công nghiệp phát triển có thể điều chỉnh phù hợp và vận dụng hiệu quả với bối cảnh và điều kiện hiện tại của Việt Nam.

Bà Bùi Thị Ninh, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, Tổng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh (VCCI-HCM) cho biết, các kết quả mà LIRC mang lại trong hoạt động phát triển lực lượng lao động có kỹ năng cho ngành logistics đã góp phần tạo ra những thực hành tốt trong mô hình gắn kết doanh nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp, cụ thể: đề xuất danh mục ngành, nghề đào tạo logisitics trình độ trung cấp, cao đẳng đã được Bộ LĐ-TB,XH tiếp thu và ban hành, tham gia xây dựng các chuẩn đầu ra quốc gia logistics; xem xét, góp ý và xác nhận các tiêu chuẩn 05 nghề đạt chuẩn quốc tế:  Nhân viên nhà kho, Giám sát nhà kho, Nhân viên hành chính Logistics, Nhân viên giao nhận và Nhân viên xếp dỡ hàng tổng hợp để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham khảo, xây dựng và phát triển chương trình đào tạo. Đặc biệt năm 2021, LIRC đã xây dựng được dự báo kỹ năng nghề logistics, đây là dự báo kỹ năng nghề đầu tiên ở Việt Nam. LIRC là mô hình thí điểm nên cần phải tiếp tục vừa hoạt động vừa phải từng bước tự điều chỉnh, hoàn thiện mô hình để phù hợp với bối cảnh, điều kiện thực tiễn ở Việt Nam.

Sớm hoàn thiện LIRC

Tham gia Hội thảo, PGS.TS Bùi Văn Hưng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II cho biết, việc xem xét thông qua các tiêu chuẩn nghề đạt tiêu chuẩn quốc tế và dự báo kỹ năng nghề logisictics của LIRC là rất có giá trị để các trường tham khảo xây dựng và điều chỉnh chương trình đào tạo  phù hợp với doanh nghiệp. Tuy nhiên, LIRC cũng cần có các khuyến nghị nhiều hơn nữa các thông tin về nhu cầu, kỹ năng, thách thức, cơ hội, xu hướng và yêu cầu của ngành logistics trên thế giới và ở Việt Nam để cho cả cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp tham khảo để có thể có định hướng đúng trong đào tạo và sử dụng nhân lực”.

Hội đồng tư vấn kỹ năng ngành Logistics - Hướng đi phù hợp -0
PGS.TS Bùi Văn Hưng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II phát biểu

Ông Đặng Minh Sự, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ-TB,XH TP. Hồ Chí Minh cho rằng, phần lớn thành viên của LIRC là đại diện từ các đơn vị, doanh nghiệp, trường có đào tạo logisiitcs trên địa bàn TP. HCM. Qua công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp cho thấy, các hoạt động của LIRC là phù hợp với định hướng chỉ đạo của Sở LĐTBXH TP. Hồ Chí Minh về thúc đẩy gắn kết nhà trường với doanh nghiệp, gắn đào tạo và việc làm bền vững, kết quả hoạt động của LIRC bước đầu rất khả quan. Để LIRC hoạt động hiệu quả, bền vững hơn và có thể nhân rộng mô hình LIRC sang các ngành, lĩnh vực khác thì LIRC cần phải có đủ hành lang pháp lý, có nguồn và cơ chế kinh phí bảo đảm cho các hoạt động. Đồng thời, các hội đồng khác khi thành lập cũng cần có đơn vị hỗ trợ giúp việc với vai trò ban thư ký hội đồng”.

Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp TP. Hồ Chí Minh – Lâm Văn Quản cũng chia sẻ, ông đã được tham gia Chương trình Aus4Skills và LIRC ngay từ năm 2017 và nhận thấy cách tiếp cận đào tạo kỹ năng nghề theo mô hình doanh nghiệp dẫn dắt mà Aus4Skills đang triển khai tại các trường đối tác, trong đó có trường là thành viên của Hiệp hội, là khá hiệu quả, phù hợp nhu cầu doanh nghiệp và tiếp cận được tiêu chuẩn, trình độ quốc tế. Các hoạt động của LIRC về khuyến nghị chính sách, thông tin về nhu cầu đào tạo và sử dụng lao động, xu hướng về phát triển của ngành logistics rất hữu ích cho cả doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đề nghị Chính phủ, các cơ quan liên quan cần có các chính sách cụ thể khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động giáo dục nghề nghiệp, bao gồm chính sách khuyến khích thành lập các hội đồng kỹ năng ngành để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trong việc đào tạo ra nhân lực có tay nghề đáp ứng được nhu cầu xã hội”.

7 kiến nghị từ Hội thảo

1. Các Bộ, ngành cần tham mưu với Chính phủ rà soát, hoàn thiện khung pháp lý về hội đồng kỹ năng ngành trong các văn bản quy phạm pháp luật. Tạo điều kiện cử đại diện hoặc giới thiệu những chuyên gia đầu ngành tham gia các hội đồng kỹ năng ngành và cung cấp các thông tin về định hướng, chính sách phát triển của ngành, lĩnh vực phụ trách, nhu cầu nhân lực của ngành trên toàn quốc theo từng giai đoạn và hàng năm để các hội đồng kỹ năng ngành có những cơ sở thông tin quan trọng trong việc tư vấn nhu cầu kỹ năng ngành và tư vấn các chương trình đào tạo phù hợp.

2. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tạo điều kiện về cơ sở pháp lý cho LIRC phát huy hơn nữa vai trò và chức năng của mình. Cần có đánh giá, phân tích, bài học kinh nghiệm đối với các mô hình thí điểm về hội đồng tư vấn ngành đang thực hiện tại Việt Nam (bao gồm cả các hoạt động của hội đồng tư vấn nghề ở cấp địa phương và cấp trường) để tiếp tục hoàn thiện và nhân rộng mô hình hội đồng kỹ năng ngành; sớm ban hành văn bản hướng dẫn về việc thí điểm thành lập hội đồng kỹ năng ngành để thống nhất triển khai thực hiện.

3. Các tổ chức và cá nhân liên quan cần tăng cường truyền thông về hội đồng kỹ năng ngành nói chung và LIRC nói riêng, nhằm nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hiệp hội, doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động về vai trò rất quan trọng của hội đồng kỹ năng ngành trong việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động để góp phần nâng cao nhân lực các ngành kinh tế nói chung và lĩnh vực đào tạo nói riêng.

4. Hoạt động của LIRC cần tiếp tục tập trung vào các hoạt động hiệu quả và bền vững như tư vấn, dự báo kỹ năng, xây dựng các tiêu chuẩn nghề, tổ chức các hội thảo, diễn đàn, đối thoại, tập huấn, hỗ trợ nâng cao năng lực của các tổ chức, cá nhân liên quan, hỗ trợ kỹ thuật, tự truyền thông, tham vấn và phối hợp với các bên liên quan và các đối tác phát triển khác phù hợp với thực tiễn yêu cầu phát triển logistics Việt Nam. LIRC cần tranh thủ sự ủng hộ của các bên liên quan, trong đó cần tiếp tục phối hợp tốt với các doanh nghiệp lớn về logistics, các hiệp hội về logistics như VLA, VALOMA...để có các thông tin liên quan cho LIRC, đặc biệt là các thông tin về đánh giá chất lượng lao động, nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp, thực trạng và nhu cầu đào tạo để có thể đưa ra các tư vấn phù hợp và khả thi.

5. VCCI-HCM cần tiếp tục thực hiện tốt vai trò là thư ký của LIRC, đồng thời là cầu nối để kết nối các bên liên quan, hỗ trợ để giúp LIRC triển khai các hoạt động có tính hiệu quả, bền vững. Trước mắt cần tham mưu hoàn thiện các cơ sở pháp lý và cơ chế để  LIRC tiếp tục mở rộng phạm vi và địa bàn hoạt động, xây dựng các quy trình nội bộ và có đủ năng lực để thực hiện Chiến lược phát về kỹ năng Logistics; tham mưu với các bên liên quan để duy trì tính bền vững của LIRC khi không còn tài trợ của Aus4Skills.

6. Các hiệp hội, doanh nghiệp logistics  tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để LIRC tham vấn trong việc dự báo về kỹ năng, bao gồm thông tin và các xu hướng tuyển dụng và việc làm, nhận diện các nhu cầu về kỹ năng, sự thiếu hụt kĩ năng trong lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp.

7.  Các cở sở giáo dục nghề nghiệp có đào tạo logistics cần tiếp tục đẩy mạnh đào tạo gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp từ khâu đánh giá nhu cầu, xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo, đánh giá chất lượng đào tạo, tuyển dụng và việc làm. Cung cấp đầy đủ các thông tin về thực trạng đào tạo theo cơ cấu ngành nghề, quy mô và trình độ đào tạo, nhu cầu gắn kết nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo. Kịp thời tiếp nhận các khuyến nghị, tư vấn từ LIRC để rà soát, xem xét các chương trình đào tạo của mình, bảo đảm việc đào tạo đáp ứng với yêu cầu doanh nghiệp, gắn với thị trường lao động và việc làm bền vững, góp phần đáp ứng nhu cầu nhân lực quốc gia và của địa phương.

Đức Kiên
#