Đào tạo nghề khởi sắc trong 6 tháng đầu năm 2022

- Thứ Ba, 28/06/2022, 15:11 - Chia sẻ

Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, công tác tuyển sinh và đào tạo nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã nhận được nhiều tín hiệu khả quan.

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), số lượng tuyển sinh, số lao động qua đào tạo trong 6 tháng đầu năm 2022 đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Thêm vào đó, công tác dạy nghề ngày càng đi vào chiều sâu với sự đầu tư bài bản về công nghệ, gắn kết với doanh nghiệp trong thực hành và tuyển sinh, kết nối cung cầu để tạo đầu ra cho học viên…

Nhiều tín hiệu đáng mừng

Theo báo cáo của Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp TS. Phạm Vũ Quốc Bình tại buổi tổng kết công tác tuyển sinh và đào tạo nghề 6 tháng đầu năm 2022, tính đến đầu tháng 6.2022, cả nước đã tuyển sinh được hơn 920 nghìn người (đạt khoảng 48% so với kế hoạch năm và tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp được hơn 70 nghìn người, đạt khoảng 14% kế hoạch; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo khác khoảng 850 nghìn người, đạt  khoảng 55% kế hoạch.

Đào tạo nghề khởi sắc trong 6 tháng đầu năm 2022 -0
Toàn cảnh hội nghị.​​​​​

Để có được hiệu quả trên là nỗ lực rất lớn của nhưng người làm việc trong công tác đào tạo nghề. Cụ thể, để chỉ đạo công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo năm 2022, Bộ Lao động , Thương binh và Xã hội, Tổng cục GDNN đã có các văn bản để kịp thời chỉ đạo công tác tổ chức thực hiện (như thống kê ở phần trên); đồng thời Tổng cục GDNN đã phê duyệt, ban hành Kế hoạch tổng thể triển khai các hoạt động để thực hiện nhiệm vụ tuyển sinh năm 2022 gồm nhiều hoạt động cụ thể như làm việc với các đài truyền hình để tổ chức và tham gia tuyên truyền tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, việc làm. Tổ chức Hội nghị tuyển sinh, đào tạo nhân lực theo lĩnh vực chuyên sâu, đặc thù về Du lịch và Logistics.

Mô hình tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh mang lại hiệu quả tốt, được các địa phương tích cực tổ chức thực hiện đó là Ngày hội tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp. Với mô hình tổ chức này, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp cùng với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tại địa phương để tập hợp sự hưởng ứng tham gia của các đoàn viên thanh niên, các trường THCS, THPT (một số địa phương đã tổ chức thực hiện và thu được kết quả tốt như: Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Yên Bái... ).

Không ngừng hoàn thiện công tác đào tạo, tuyển sinh

Cũng theo TS Phạm Vũ Quốc Bình, hình thức tổ chức đào tạo linh hoạt đã được hầu hết các trường áp dụng thực hiện từ năm 2021 đến nay, là khi phải thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của địa phương thì các trường tập trung tổ chức dạy các nội dung lý thuyết bằng các hình thức trực tuyến thông qua các ứng dụng như chương trình Zoom Cloud Meeting, Hangouts Meet, Microsoft Team, Skype, Google Classroom... để khi có điều kiện cho học sinh, sinh viên trở lại trường thì tập trung rèn luyện các kỹ năng thực hành hoặc bố trí cho học sinh, sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp.

Theo báo cáo, đã có trên 60% số trường trung cấp, cao đẳng áp dụng một hoặc nhiều hình thức giảng dạy trực tuyến vào các nội dung đào tạo phù hợp trong chương trình, điển hình trong hoạt động này.

Đào tạo nghề khởi sác trong 6 tháng đầu năm 2022 -0
Công tác đào tạo nghề ngày một được nâng cao với sự gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp và sự đầu tư bài bản về công nghệ và dụng cụ giảng dạy. 

Việc phối hợp với doanh nghiệp trong đào tạo cũng đã đi vào chiều sâu khi Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã có văn bản đề nghị các trường tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp để đưa học sinh, sinh viên năm cuối đến doanh nghiệp thực hành, thực tập và tham gia vào các hoạt động hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (Công văn số 304/TCGDNN-ĐTCQ), qua đó hướng dẫn các trường lựa chọn doanh nghiệp đối tác có các điều kiện phù hợp về nhu cầu sử dụng lao động, ngành nghề, địa điểm sản xuất, kinh doanh và các điều kiện đảm bảo chất lượng cho việc thực hành, thực tập để phối hợp liên kết đào tạo, đưa học sinh, sinh viên năm cuối đến thực hành, thực tập theo hình thức vừa học, vừa làm.

Ngoài ra, Tổng cục cùng các Sở Lao động, Thương binh và xã hội, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại các địa phương đã phối hợp tổ chức tốt chương trình đào tạo duy trì việc làm cho người lao động nằm trong Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Cùng với đó, đẩy mạnh việc hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ theo Nghị định 80/2021/NĐ-CP; đẩy mạnh việc đào tạo nghề cho người lao động bị thất nghiệp theo Quyết định số 17/2021/QĐ-TTg và chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, cơ sở tăng cường công tác đào tạo nghề cho người lao động gắn với chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động (Quyết định số 1405/QĐ-LĐTBXH ngày 13.12.2021).

Trong thời gian tới, với mục tiêu phấn đấu hoàn thành kế hoạch tuyển sinh các trình độ trong GDNN năm 2022 đạt 2.086.000 người (trong đó tuyển sinh TC+CĐ: 530.000 người, tuyển sinh sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác: 1.556.000 người), việc tập trung cho công tác tuyển sinh phải là vấn đề ưu tiên hàng đầu của mỗi nhà trường, cần phải được các địa phương, các trường trú trọng hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong việc ứng dụng CNTT, công nghệ số, mạng internet và các kênh thông tin trực tuyến; khai thác triệt để ứng dụng “Chọn nghề” trên thiết bị di động, trang thông tin tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp. Cần tập trung tuyên truyền cho các đối tượng là học sinh THCS, THPT, bồi dưỡng, tập huấn năng lực ứng dụng công nghệ cho đội ngũ cán bộ, chuyên gia, giáo viên làm nhiệm vụ tuyên truyền, tư vấn, tuyển sinh, bảo đảm tính chuyên nghiệp, bài bản; nắm vững, hiểu rõ chính sách trong việc tư vấn, tuyển sinh.

Về công tác đào tạo, sẽ tiếp tục mở rộng và tăng cường các hoạt động hợp tác, liên kết đào tạo với doanh nghiệp để đưa học sinh, sinh viên năm cuối sau khi đã hình thành được các kỹ năng nghề nghiệp cơ bản trong nhà trường đến thực hành, thực tập sản xuất tại doanh nghiệp vừa để rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, làm quen với thực tế sản xuất, kinh doanh của donh nghiệp, vừa tham gia vào việc sản xuất, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh thiếu hụt nhân lực lao động.

Đồng thời, tiếp tục tăng cường, duy trì và phát huy việc ứng dụng công nghệ thông tin và khai thác các ứng dụng dạy học trực tuyến, học liệu số theo các hướng dẫn trước đây của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.

Quan trọng không kém là việc đào tạo chương trình chất lượng cao theo các chương trình chuyển giao hoặc chương trình do chuyên gia nước ngoài hỗ trợ xây dựng tương đương với trình độ đào tạo của nước ngoài (Úc, Pháp, Hàn Quốc) để cấp bằng của Việt Nam và các chương trình chất lượng cao khác được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 21/2018/TT-BLĐTBXH ngày 30.11.2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định tiêu chí xác định chương trình chất lượng cao.

Tùng Dương
#