Chương trình GDPT mới nâng cao năng lực người học: Giáo viên phải tự học hỏi nhiều!

- Thứ Hai, 29/05/2023, 11:13 - Chia sẻ

Phó hiệu trưởng Trường THCS, THPT Phenikaa, cô giáo Đoàn Thu Hà cho biết, vai trò của giáo viên được đề cao khi triển khai chương trình GDPT hiện hành. Chương trình mới có nhiều nội dung cập nhật, sát với thực tế, nâng cao năng lực của người học.

Giáo viên phải vừa giảng dạy vừa tự học hỏi, rút kinh nghiệm

Phó hiệu trưởng Trường THCS, THPT Phenikaa, cô giáo Đoàn Thu Hà cho biết, trong chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, nhà trường xây dựng kế hoạch khoa học, bài bản, trên cơ sở chương trình GDPT hiện hành, Nhà trường đã xây dựng chương trình Nhà trường. Đồng thời, quan tâm tới việc nâng cao chất lượng giảng dạy, đáp ứng yêu cầu của chương trình và nhu cầu của người học.

Các hoạt động đào tạo chuyên môn, kĩ năng nghề nghiệp được coi trọng. Nhà trường khuyến khích giáo viên (GV) nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật kiến thức mới trên cơ sở nghiên cứu cụ thể bài học và sử dụng công nghệ trong quá trình giảng dạy.

Đặc biệt, lấy học sinh là trung tâm, sử dụng các phương pháp dạy học tích cực, ứng dụng CNTT và các công cụ hỗ trợ để khiến bài giảng hấp dẫn hơn, tạo ra môi trường học tập nhân văn – cộng tác – sáng tạo, coi trọng tính cá nhân, toàn diện của học sinh.

Chương trình GDPT mới: Vai trò của giáo viên được đề cao -0
Phó hiệu trưởng Trường THCS, THPT Phenikaa, cô giáo Đoàn Thu Hà

Theo cô Hà, thuận lợi nhất trong triển khai chương trình GDPT mới của nhà trường cơ sở vật chất đầy đủ, hiện đại, đảm bảo thuận lợi cho việc dạy học phát triển năng lực. Đội ngũ giáo viên năng động, sáng tạo, được đào tạo, đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới.

Tuy nhiên, nhà trường đã gặp khó khăn là yếu về kiến thức, kĩ năng ở một số đơn vị bài học còn áp lực với một bộ phận học sinh. Nguồn học liệu, tư liệu song hành với chương trình chưa phong phú, giáo viên phải vừa giảng dạy vừa tự học hỏi, rút kinh nghiệm.

Khi bắt đầu thực hiện chương trình, giáo viên dạy một số môn như khoa học tự nhiên, lịch sử - địa lý chưa tham gia khóa đào tạo cấp chứng chỉ giảng dạy môn. Cấu trúc đề thi - Bộ GD-ĐT chưa có hướng dẫn cụ thể công tác kiểm tra đánh giá, chủ yếu căn cứ vào hướng dẫn chung của Bộ GD-ĐT và đặc điểm tình hình học sinh của trường.

Khắc phục những khó khăn trên, với các môn lịch sử - địa lý, cô Hà cho hay, nhà trường tạo điều kiện để GV tham gia khóa đào tạo cấp chứng chỉ giảng dạy môn; tạo môi trường thuận lợi để giáo viên tự học, tự nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Tổ chức các khoá đào tạo với sự tham gia của các chuyên gia để định hướng, giải đáp thắc mắc, tư vấn cho giáo viên Nhà trường.

Bộ công cụ đánh giá và hướng dẫn đánh giá chưa đồng nhất giữa các môn học, nhà trường

Về kiểm tra, đánh giá theo chương trình mới, Đoàn Thu Hà cho biết, nhà trường thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về cách triển khai đánh giá người học. Theo đó, tiến hành triển khai kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh; xây dựng các mức độ theo thang năng lực gắn với môn học và yêu cầu cần thực hiện.

Giáo viên xây dựng ngân hàng câu hỏi tùy theo đặc thù môn học để đánh giá người học theo hướng tiếp cận năng lực thay vì tiếp cận nội dung như trước, khuyến khích học sinh thể hiện năng lực cá nhân, năng lực thực tế và sáng tạo.

Hình thức kiểm tra đánh giá đa dạng: từ các bài trắc nghiệm, tự luận, kết hợp trắc nghiệm và tự luận đến điểm dự án, sản phẩm ứng dụng, hoạt động nhóm theo hướng đánh giá quá trình.

Nhà trường tăng cường sử dụng CNTT trong đánh giá người học và lấy ý kiến từ cá nhân (tự đánh giá), các nhóm – học sinh (đồng đẳng), giáo viên và các bộ phận tham gia công tác hỗ trợ học sinh (thư viện, GV bộ môn có liên quan, GVCN) và cộng đồng.

Sau khi phân tích để đánh giá các năng lực chung và năng lực đặc thù của học sinh, giáo viên phản hồi lại kết quả đánh giá của mình, kết hợp với lắng nghe ý kiến học sinh từ đó sẽ điều chỉnh các hoạt động học tập cho phù hợp với các cá nhân học sinh.

Vai trò của giáo viên được đề cao khi triển khai chương trình GDPT hiện hành. Chương trình mới có nhiều nội dung cập nhật, sát với thực tế, nâng cao năng lực của người học. Giáo viên có cơ hội để tham gia xây dựng kế hoạch môn học từ kế hoạch của Nhà trường cho phù hợp với đặc thù của nhà trường và học sinh.

Tuy nhiên, việc kiểm tra đánh giá học sinh theo hướng tiếp cận năng lực đặt ra những khó khăn nhất định. Bộ công cụ đánh giá và hướng dẫn đánh giá chưa đồng nhất giữa các môn học, nhà trường. Nội dung và hình thức kiểm tra đánh giá đối với các lớp cuối cấp, đặc biệt đối với kỳ thi THPT quốc gia trong thời gian tới chưa được công bố chính thức cho đến thời điểm này.

Chương trình GDPT mới: Vai trò của giáo viên được đề cao -0
Học sinh trường tiểu học Phenikaa

Cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chuẩn đầu ra của người học ở các cấp học cuối

Phó hiệu trưởng Trường THCS, THPT Phenikaa, cô giáo Đoàn Thu Hà cho rằng, qua thực tế 2 năm triển khai, để thực hiện tốt chương trình mới, nhà trường đã tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn, chuyên đề trong tổ, nhóm bộ môn, kết nối sinh hoạt chuyên đề với các trường khác trong cụm, đảm bảo hiểu và thực hiện chính xác định hướng chương trình, đồng thời trau dồi kinh nghiệm, năng lực của bản thân, học hỏi đồng nghiệp.

Nhà trường luôn bám sát mục tiêu, quan tâm và đặt quyền, lợi ích học tập của HS lên hàng đầu, mọi quyết định, hành động hay chương trình nhà trường xây dựng đều lấy HS làm trung tâm, vì quyền lợi của HS.

Tuy nhiên, làm được điều này, cần có sự nghiên cứu kĩ về khung chương trình của từng bộ môn do Bộ GD-ĐT ban hành. Vận dụng linh hoạt nguồn tài liệu, nghiên cứu các bộ sách giáo khoa khác nhau để mở rộng và đa dạng kiến thức cũng như cách tiếp cận với HS.

Nhà trường luôn lấy HS làm chủ thể, chủ động tìm hiểu kiến thức, đề xuất các phương án giải quyết vấn đề trong các bài học mà giáo viên đưa ra.

Tuy nhiên, cô giáo Đoàn Thu Hà cho biết, nhà trường đặc biệt quan tâm việc xây dựng kế hoạch giáo dục Nhà trường theo hướng dẫn của Bộ GD- ĐT, phù hợp đặc điểm Nhà trường; xây dựng môi trường học tập mở, cộng tác, sáng tạo; nâng cao chất lượng giảng dạy, đáp ứng yêu cầu người học; ứng dụng CNTT trong dạy học và kiểm tra, đánh giá người học và vận động các bên liên quan, gia đình, cộng đồng nhằm hỗ trợ học sinh.

Cô giáo Đoàn Thu Hà kiến nghị Bộ GD-ĐT, cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chuẩn đầu ra của người học ở các cấp học cuối; Tổ chức tập huấn kĩ lưỡng cho GV, đặc biệt là kĩ năng phát triển chương trình, các phương pháp dạy học mới, hiện đại. Hướng dẫn kiểm tra, đánh giá người học theo từng môn học cụ thể gắn với phát triển năng lực học sinh.

“Chương trình giáo dục phổ thông 2018 xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực nên  đề thi trong các kì thi chung của Bộ GD-ĐT cần hướng đến đánh giá năng lực người học. Tránh việc học theo năng lực nhưng kiểm tra lại chỉ kiểm tra kiến thức” – cô Hà nhấn mạnh.

Nhật Hồng
#