Đẩy lùi gánh nặng bệnh lao

Bài 1: Còn đó những khó khăn, thách thức

- Thứ Năm, 01/12/2022, 16:10 - Chia sẻ

Trước thực trạng số bệnh nhân lao của cả nước đang ngày càng gia tăng, nhất là sau 2 năm xảy ra đại dịch Covid-19, khiến gánh nặng về bệnh tật cũng như để lại nhiều hệ lụy, gây thiệt hại cho kinh tế gia đình, xã hội, các chuyên gia cảnh báo ngành chức năng, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức và trách nhiệm với cộng đồng của người dân, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số trong công tác phòng chống lao, tiến tới loại trừ căn bệnh này ra khỏi cộng đồng vào năm 2030.

 Bài 1- Còn đó những khó khăn, thách thức -2
Bệnh nhân lao điều trị tại bệnh viện Lao và Phổi Gia Lai. Ảnh: Mai Hương

Mặc dù hiện nay mạng lưới phòng chống lao từ trung ương xuống địa phương cũng như các kỹ thuật tiên tiến được bảo đảm đầy đủ, luôn được cập nhật, đáp ứng tốt công tác chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh, song hai năm qua, đại dịch Covid-19 xảy ra đã làm gián đoạn hoạt động của Chương trình chống lao quốc gia, khiến công tác chống lao đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Nhiều ca bệnh lao được phát hiện muộn

Trong những năm qua, tại Việt Nam, bệnh Lao không chỉ xảy ra tập trung ở một vài địa phương mà ở tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước đều có người mắc lao và tử vong do lao. Hàng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao và hơn 10.000 người chết vì căn bệnh này mỗi năm. Đặc biệt, trong 2 năm qua khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, nhiều địa phương do phải dồn lực cho công tác phòng chống dịch nên hoạt động phòng chống lao phần nào đó bị gián đoạn khiến nhiều ca bệnh lao được phát hiện chậm, gây hệ quả nặng nề...

Bác sĩ Yè Thiên Pẩu, Khoa Nội B, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Gia Lai cho biết: Hiện nay, tình trạng bệnh nhân lao kháng thuốc cũng có chiều hướng gia tăng. Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh đã ghi nhận 12 bệnh nhân lao kháng thuốc. Trong số này có 1 bệnh nhân lao bỏ trị, số còn lại không rõ nguyên nhân.

Đơn cử tại Gia Lai - một trong những địa phương có gánh nặng bệnh lao cho thấy, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các hoạt động phòng, chống lao bị gián đoạn, nhiều bệnh nhân không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời dẫn đến một số trường hợp bệnh chuyển nặng, gây khó khăn trong công tác điều trị. Trường hợp của bệnh nhân Rơ Lan Juch (72 tuổi, xã Ia Lang, huyện Đức Cơ) là một ví dụ. Theo lời kể của người nhà bệnh nhân “do dịch Covid-19 nên khi thấy bố ho thì cũng chỉ nghĩ bình thường, phần khác là lo ngại dịch bệnh nên không đưa đến bệnh viện thăm khám sức khỏe. Nhưng đến khi bệnh trở nặng, ho kéo dài, dai dẳng kèm theo mệt mỏi, sút cân, các con đưa cụ đến cơ sở y tế khám thì phát hiện bị bệnh lao. Bác sĩ cho biết sẽ phải mất nhiều thời gian điều trị”.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Gia Lai, bác sĩ Mai Minh Hiền cũng nêu thực tế: Hơn 2 năm qua, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, toàn bộ nhân lực ngành Y tế của bệnh viện được huy động tập trung cho hoạt động phòng chống dịch (giám sát dịch, hỗ trợ các tuyến, cách ly người nhiễm và nghi nhiễm, điều trị người nhiễm…) dẫn đến thiếu trầm trọng nguồn nhân lực cho các hoạt động thường quy của chương trình chống lao. Cũng vì điều này dẫn đến nhiều bệnh nhân không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời dẫn đến một số trường hợp bệnh chuyển nặng, gây khó khăn trong công tác điều trị.

Những nút thắt... cần được tháo gỡ

Sau thời gian chuyển đổi công năng làm bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19, hiện nay hầu hết các bệnh viện Lao và Bệnh phổi đã trở lại hoạt động bình thường. Đơn cử, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Gia Lai, từ tháng 4.2022, bệnh viện trở lại hoạt động bình thường, các hoạt động phòng, chống lao theo đó cũng nhanh chóng được triển khai. Đặc biệt, từ tháng 1.2022 đến tháng 12.2023, nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến Phát triển cộng đồng (SCDI) cho 3 huyện của tỉnh Gia Lai (Krông Pa, Đức Cơ, Chư Prông) việc sàng lọc và điều trị bệnh nhân lao ngoài cộng đồng, nên nhiều đợt khám sàng lọc được thực hiện tại cơ sở, qua đó phát hiện được hàng trăm bệnh nhân lao mới, nâng tổng số bệnh nhân lao phát hiện từ đầu năm đến nay (tính cả số bệnh nhân đến khám) lên gần 600 ca…

 Bài 1- Còn đó những khó khăn, thách thức -0
Sau dịch bệnh Covid-19, nhiều ca mắc lao tại Gia Lai được phát hiện thông qua khám sàng lọc

Bác sỹ Hiền cũng cho biết: do nhân lực, vật lực của bệnh viện nói riêng và của toàn tỉnh nói chung còn gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó với đặc thù là địa phương đa số là đồng bào dân tộc điều kiện kinh tế còn khó khăn, chưa có điều kiện nhiều để quan tâm đến sức khoẻ, chưa kể do bất đồng về ngôn ngữ nên các thông điệp truyền thông về dịch bệnh nói chung và bệnh lao nói riêng chưa mấy hiệu quả.

“Thông thường đối với bệnh nhân lao phác đồ điều trị từ 1 đến 3 giai đoạn, sau khi điều trị liều tấn công ở bệnh viện đã ổn, bệnh nhân được ra viện và về nhà tiếp tục điều trị. Tuy nhiên nhiều bệnh nhân thấy điều trị tại viện đã đỡ, ngỡ mình khỏi nên không tuân thủ điều trị theo phác đồ, bỏ dở điều trị hoặc quên không dùng thuốc theo hướng dẫn…Việc này rất nguy hiểm vì nguy cơ bệnh lây lan trong cộng đồng cũng như có dẫn đến lao kháng thuốc”- bác sĩ Mai Minh Hiền bày tỏ.

 Bài 1- Còn đó những khó khăn, thách thức -1
Bác sĩ Mai Minh Hiền thông tin với các nhà báo về tình hình khám sàng lọc bệnh lao qua chiến dịch 2X

Từ thực tế các địa phương nói chung, thực tế tại tỉnh Gia Lai nói riêng, các cán bộ làm công tác phòng, chống lao của SCDI nhìn nhận: để giảm số người mắc, tử vong do bệnh lao, tiến tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, cần đẩy mạnh hơn nữa các hình thức truyền thông xuống cơ sở, tăng cường giám sát tại cộng đồng, phát hiện nguồn lây và duy trì tỷ lệ chữa khỏi. Đây không chỉ là trách nhiệm của cán bộ trực tiếp làm công tác phòng, chống lao, mà cần có sự chung tay phối hợp đồng bộ của chính quyền các cấp, các ban ngành đoàn thể và ý thức của mỗi người dân.

Bài và ảnh: Hải Thanh
#