Bồi dưỡng giáo viên phổ thông:

Giảng viên sư phạm đạt được mục tiêu kép

- Thứ Tư, 17/11/2021, 10:53 - Chia sẻ
Qua hơn 2 năm triển khai, hoạt động bồi dưỡng giáo viên phổ thông của giảng viên sư phạm đã thực hiện được mục tiêu kép. Đó là nâng cao năng lực dạy học của giáo viên phổ thông đáp ứng yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông mới, đồng thời nâng cao năng lực sư phạm của chính giảng viên, từ đó góp phần đào tạo đội ngũ giáo viên tương lai đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Việc tham gia bồi dưỡng giáo viên theo Chương trình ETEP đem lại nhiều khởi sắc trong công tác đào tạo

Để chuẩn bị cho Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai mô hình mới bồi dưỡng giáo viên phổ thông kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp, biến quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ. Theo đó, hàng nghìn giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán đã được giảng viên sư phạm chủ chốt bồi dưỡng cả trực tiếp và trực tuyến. Sau đó, đội ngũ cốt cán hỗ trợ giáo viên và cán bộ quản lý giáo viên đại trà tự bồi dưỡng trên hệ thống bồi dưỡng trực tuyến (LMS) với nguồn học liệu mở do các Trường Đại học Sư phạm biên soạn.

Trực tiếp tham gia tập huấn với tư cách cán bộ quản lý và triển khai bồi dưỡng tại trường, cô Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội) cho rằng, việc đưa các trường sư phạm vào bồi dưỡng trực tiếp cho giáo viên phổ thông là cách làm cả 2 bên đều có lợi, là cơ hội để các giảng viên sư phạm hiểu hơn về thực tế tại các trường phổ thông, còn giáo viên phổ thông lại được tiếp cận với những phương pháp dạy học và giáo dục mới.

“Chính những kiến thức mới, cập nhật, kỹ năng từ các giảng viên ĐH sư phạm đã giúp giáo viên học thêm được nhiều điều mới. Đây cũng là cơ hội để các trường đại học biết được thực tế việc dạy phổ thông ra sao, từ đó áp dụng ngược lại quá trình đào tạo sinh viên cho sát nhu cầu thực tế, hạn chế việc sinh viên sư phạm ra trường nhưng các trường phổ thông vẫn phải đào tạo, hướng dẫn lại”, cô Thúy cho hay.

Triển khai mô hình bồi dưỡng mới, cũng là lần đầu tiên các trường đại học sư phạm trực tiếp tham gia bồi dưỡng giáo viên phổ thông các cấp trên cả nước và  “bảo hành” sản phẩm do mình đào tạo. PGS.TS Lưu Trang, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) nhận định, chưa bao giờ các trường sư phạm lại được gắn kết chặt chẽ với các Sở GD-ĐT cũng như các trường phổ thông như khi tham gia vào Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP).

Đồng hành cùng hàng trăm giáo viên cốt cán của 8 tỉnh miền núi phía Bắc và tập huấn qua mạng với giáo viên đại trà trong thời gian qua, TS Lê Thị Lan Anh, giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cũng khẳng định, bản thân có thêm nhiều cơ hội được cọ sát với những thực tế dạy học, được biết nhiều hơn những vướng mắc, khó khăn của các giáo viên trong công tác giảng dạy tại các nhà trường. Điều này giúp TS Lê Thị Lan Anh có thêm thông tin, dữ liệu để điều chỉnh lại chính kế hoạch, cách giảng dạy tại trường đại học, giúp việc giảng dạy gần hơn với thực tế, giúp sinh viên sư phạm sau khi ra trường dễ dàng bắt nhịp vào công việc giảng dạy tại các trường phổ thông.

Bên cạnh đó, bản thân mỗi giảng viên đại học sư phạm tham gia bồi dưỡng giáo viên phổ thông trong khuôn khổ Chương trình ETEP cũng được bồi dưỡng, nâng cao năng lực trong phương pháp, kỹ thuật giảng dạy thông qua các khóa tập huấn với các chuyên gia quốc tế. Năng lực công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin của giảng viên cũng được nâng cao hơn.

TS Nguyễn Đăng Độ, Phòng Khảo thí và Bảo đảm chất lượng giáo dục, ĐH Sư phạm (ĐH Huế) khẳng định, việc tham gia bồi dưỡng giáo viên theo Chương trình ETEP đem lại nhiều khởi sắc trong công tác đào tạo, nghiên cứu của nhà trường. Năng lực của đội ngũ giảng viên trong trường ngày càng được nâng cao, phát triển các chương trình đào tạo. “Tham gia bồi dưỡng giáo viên giúp năng lực giảng dạy của giảng viên được nâng cao. Các giảng viên khi tham gia tập huấn cho giáo viên phổ thông cũng có thêm kinh nghiệm, kiến thức để vận dụng vào giảng dạy ở trường đại học, tăng hiệu quả, chất lượng giảng dạy, chất lượng đào tạo của nhà trường. Ngoài ra, khi tham gia biên soạn tài liệu tập huấn, giảng viên cũng được nâng cao năng lực chuyên môn hơn nữa”, TS Nguyễn Đăng Độ cho biết.

Hiện nay, cả nước có 8 trường đại học sư phạm/học viện tham gia Chương trình ETEP, gồm: Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, Trường ĐH Sư Phạm (ĐH Đà Nẵng), Trường ĐH Sư Phạm (ĐH Thái Nguyên), Trường ĐH Sư Phạm (ĐH Huế), Trường ĐH Vinh, Trường ĐHSP TP Hồ Chí Minh và Học viện Quản lý Giáo dục.

Khải Minh