Hậu bầu cử tổng thống Mỹ

Gian nan quá trình chuyển giao quyền lực

- Thứ Tư, 11/11/2020, 08:36 - Chia sẻ
Sau khi được truyền thông dự đoán chiến thắng trong cuộc bầu cử, ông Joe Biden đang từng bước thành lập bộ máy và khởi động các chương trình nghị sự của mình. Tuy nhiên, quá trình này không thể bắt đầu đầy đủ cho đến khi Cơ quan Dịch vụ công Mỹ (GSA) "bật đèn xanh" cho tiến trình chuyển giao quyền lực.

Bế tắc ở GSA

Hôm 9.11, ông Biden thông báo đội chuyên trách Covid-19 sẽ đưa ra kế hoạch chi tiết về việc kiểm soát đại dịch. Ông cũng sẽ triển khai các đội đánh giá, nhóm chuyển giao quyền lực tiếp cận các cơ quan chủ chốt trong chính quyền hiện tại để thu thập và xem xét một loạt thông tin như quyết định ngân sách và nhân sự, các quy định đang chờ xử lý và các công việc khác đang được nhân viên của chính quyền ông Donald Trump thực hiện. Tuy nhiên, Chính quyền của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump chưa chính thức kích hoạt quá trình chuyển giao quyền lực.

Người phát ngôn của Cơ quan Dịch vụ tổng hợp (GSA) của Chính phủ Mỹ cho biết, cơ quan này vẫn chưa chắc chắn ông Biden “rõ ràng” là người thắng cuộc. Sau khi xác định một cách chắn chắn người thắng cuộc là ông Biden, GSA mới giải phóng khoản tiền hàng triệu USD và mở cửa các cơ quan liên bang để đội ngũ chuyển tiếp của ông Biden bắt đầu triển khai các kế hoạch chuyển tiếp. Người phát ngôn trên khẳng định GSA sẽ tiếp tục tuân thủ và hoàn thành mọi yêu cầu được đặt ra trong khuôn khổ pháp luật Mỹ.

Theo hãng tin Reuters, phía ông Biden đã thúc giục bà Emily Murphy, người được Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm đứng đầu GSA từ năm 2017, ký thư chuyển giao quyền lực chính thức, với lời cảnh báo rằng an ninh quốc gia và lợi ích kinh tế của Mỹ phụ thuộc vào quá trình chuyển giao suôn sẻ và hòa bình.

Thông thường, quá trình chuyển giao quyền lực được thực hiện dựa trên sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền sắp mãn nhiệm và chính quyền mới, kể cả khi hai bên thuộc những đảng phái đối lập. Vì vậy, việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố không chấp nhận kết quả bầu cử mà ông cho là có nhiều gian lận và tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp pháp lý để lật ngược tình thế được cho là sẽ gây nhiều khó khăn cho cuộc chuyển giao này.

Nguồn: AFP 

Khởi động cuộc chiến pháp lý

Theo một bản tin của Axios được Fox News xác nhận, chiến dịch của Tổng thống Donald Trump dự định đi theo con đường ít truyền thống hơn để phản đối kết quả bầu cử, bao gồm tổ chức “một loạt cuộc mít tinh ủng hộ Trump”. Cùng với các cuộc biểu tình, Tổng thống Donald Trump cũng thành lập các nhóm chuyên trách thúc đẩy việc kiểm phiếu lại ở các bang Georgia, Wisconsin, Pennsylvania và Arizona, đồng thời tiếp tục tuyên truyền cáo buộc gian lận bỏ phiếu bằng cách “công bố cáo phó của những người đã qua đời nhưng vẫn bỏ phiếu”.

Chiến dịch của ông Donald Trump cho biết đã chỉ định nghị sĩ Doug Collins là người giám sát quá trình kiểm phiếu lại ở bang Georgia, nơi ông Biden đang dẫn trước hơn 10.300 phiếu bầu trong tổng số gần 5 triệu phiếu.

Theo trang Axios, đội ngũ pháp lý chính thức của ông Donald Trump gồm giám đốc êkíp tranh cử năm 2020 Bill Stepien, luật sư Justin Clark và các cố vấn cấp cao Jason Miller, David Bossie. Nhóm pháp lý của ông Donald Trump cũng tái triển khai 92 nhân viên từ bang Florida đến bang Georgia, đồng thời tập hợp thêm các luật sư và đại diện bổ sung.

Cụ thể, ngày 9.11, đội ngũ này đã chính thức đệ đơn kiện lên tòa án liên bang tại Pennsylvania, cho rằng hệ thống bầu cử qua đường bưu điện của bang này “thiếu mọi tiêu chuẩn xác nhận về sự minh bạch và có thể xác minh, vốn có sẵn cho các cử tri bỏ phiếu trực tiếp”.

Theo hãng tin Reuters của Anh, đội ngũ vận động tranh cử của Tổng thống Donald Trump cũng kiện đích danh người đứng đầu ngành ngoại giao của bang Pennsylvania, bà Kathy Boockvar, và Hội đồng Bầu cử các hạt có thiên hướng ủng hộ đảng Dân chủ, trong đó có Philadelphia và Pittsburgh. Hành động pháp lý này là nhằm có được một lệnh khẩn cấp từ tòa án để ngăn chặn các quan chức Pennsylvania công nhận chiến thắng của ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden tại bang này.

“Cử tri Pennsylvania bị ràng buộc vào các tiêu chuẩn khác biệt liên quan đến cách họ chọn hình thức bỏ phiếu. Chúng tôi tin hệ thống bầu cử 2 tầng này dẫn đến việc những phiếu bầu có nguy cơ bị gian lận đang được kiểm đếm mà không có sự xác minh hoặc giám sát phù hợp… Cuộc bầu cử vẫn chưa kết thúc” - ông Matt Morgan, Cố vấn trưởng chiến dịch tranh cử 2020 của Tổng thống Donald Trump, tuyên bố.

Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa Ronna McDaniel cùng ngày khẳng định giới chức Đảng Dân chủ trên khắp cả nước đang nỗ lực “lách Hiến pháp một cách có hệ thống” để giành lợi thế trong cuộc bầu cử. “Nhân viên giám sát của chúng tôi bị đưa vào một căn phòng lớn, cách xa nơi xử lý phiếu bầu… Phe Dân chủ ở Pennsylvania đang che giấu điều gì?” - bà McDaniel nói nhưng không cung cấp bằng chứng.

“Có 682.479 phiếu được đếm tại Philadelphia, hạt Allegheny, mà không nhân viên giám sát nào được phép làm nhiệm vụ. Nhiệm vụ của truyền thông là tìm hiểu nguyên nhân. Tất cả những gì chúng tôi đang yêu cầu chỉ là sự thật và sự minh bạch” - bà McDaniel nói thêm.

Theo Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Thượng viện Mỹ, Tổng thống Donald Trump có toàn quyền đưa ra những cáo buộc về các sai phạm trong quá trình bầu cử. Ông nhấn mạnh, nếu “đảng Dân chủ cảm thấy tự tin rằng không có sai phạm lớn, họ sẽ không có lý do gì để lo sợ bất kỳ cuộc điều tra thêm nào”.

Trước đó, ngày 7.11, đội ngũ tranh cử của Tổng thống Donald Trump thông báo đã kiện lên tòa án ở Arizona rằng đơn vị bầu cử ở hạt Maricopa đông dân nhất của bang này đã vi phạm khiến nhiều phiếu bầu trong ngày bầu cử chính thức 3.11 bị bỏ. Đơn kiện gửi lên Tòa Thượng thẩm Maricopa nêu rõ một số quan sát viên của phe Cộng hòa và 2 nhân chứng đã phát hiện các nhân viên phục vụ bầu cử hướng dẫn sai cho cử tri trong việc sử dụng thùng bỏ phiếu, khiến kết quả bỏ phiếu không chính xác và làm thiệt hàng nghìn phiếu bầu cho Tổng thống Donald Trump. Đơn kiện yêu cầu tòa án cho phép thực hiện quy trình đánh giá thủ công với những thùng phiếu có vấn đề và cấm công nhận kết quả bầu cử cho tới khi hoàn tất đánh giá. Tuy nhiên, người phụ trách đối ngoại của bang Arizona đã phủ nhận cáo buộc này trong khi Ủy ban Bầu cử hạt Maricopa từ chối bình luận.

Khó lật ngược tình thế

Theo tờ The Guardian của Anh, để có thể khiếu kiện kết quả bầu cử tổng thống Mỹ 2020 thành công, số phiếu liên quan đến vụ kiện cần hội tụ 2 điều kiện. Theo đó, số phiếu phải đủ lớn để xác định kết quả của bang (ví dụ một vụ kiện liên quan đến 50.000 phiếu bầu ở một bang mà ứng cử viên giành được 30.000 phiếu) và có khả năng quyết định kết quả bầu cử.

Còn theo đánh giá của tờ Time, nhìn từ hàng loạt vụ kiện mà chiến dịch của ông Donald Trump đã đệ trình kể từ ngày 3.11, bối cảnh pháp lý sau bầu cử dường như không khả quan cho đương kim Tổng thống Mỹ. Những ngày qua, chiến dịch đã đệ trình đơn kiện lên tòa án các bang Pennsylvania, Nevada, Michigan và Georgia. Hầu hết các trường hợp này cố gắng thúc đẩy quyền tiếp cận nhiều hơn vào quá trình kiểm phiếu và cáo buộc mà không có bằng chứng cho những lá phiếu gian lận. Tuy nhiên, các thẩm phán ở Michigan, Nevada và Georgia đã bác bỏ chung cả ba trường hợp vì thiếu chứng cứ. Trong khi đó, quan chức bang tiếp tục kiểm phiếu ở Nevada, Bắc Carolina và Arizona do đội ngũ tranh cử của ông Donald Trump vẫn chưa nộp đơn kiện sau bầu cử ở các bang đó.

Ông William Antholis, cựu quan chức Nhà Trắng dưới thời chính quyền Tổng thống Bill Clinton và hiện đứng đầu Trung tâm Miller của Trường ĐH Virginia, cho rằng, ông Donald Trump có rất ít cơ hội giành được hàng chục nghìn phiếu bầu thông qua việc kiểm phiếu lại, bởi chênh lệch của cuộc bầu cử Mỹ năm nay không đến mức sít sao như 2 cuộc bầu cử năm 1876 và 2000. Các cuộc kiểm phiếu trước đây của Mỹ thường chỉ làm thay đổi tổng số phiếu bầu ở con số hàng trăm. Trong khi đó, ông Biden hiện dẫn trước ông Trump ở bang Wisconsin khoảng 20.000 phiếu và khoảng 10.000 phiếu tại bang Georgia. Tính trên cả nước, hiện ông Biden dẫn trước ông Trump hơn 4,1 triệu phiếu phổ thông và giới quan sát tin là vị cựu phó tổng thống 77 tuổi này có thể giành được hơn 300 phiếu đại cử tri, cao hơn nhiều so với 270 phiếu cần thiết để đắc cử.

Vì vậy, giới quan sát cho rằng cuộc chiến pháp lý của ông Donald Trump và đội ngũ của ông chỉ là những nỗ lực tuyệt vọng, không thể giúp lật ngược tình thế.

Đạt Quốc