Gian nan giải ngân vốn đầu tư công

- Chủ Nhật, 23/08/2020, 07:59 - Chia sẻ
Theo Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của Quốc hội, sẽ có khoảng 2 triệu tỷ đồng được huy động từ các nguồn khác nhau nhằm hoàn thiện cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, phục vụ thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và cơ cấu lại nền kinh tế. Thế nhưng thực tế trong những năm qua, mới chỉ giải ngân được 2/3 số vốn dành cho đầu tư công. 1/3 còn lại đang là thách thức rất lớn trong năm nay.

Chậm giải ngân vốn đầu tư công hiện được coi là một trong những "nút thắt" của nền kinh tế, là chuyện không mới nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục. Thực tế này có thể "khái quát" qua ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị sơ kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 của Bộ Tài chính diễn ra hồi đầu tháng 7 vừa qua: Nhiều anh làm Bí thư, Chủ tịch tỉnh khi xin vốn về cho địa phương mình thì nói cần quá, nhưng khi xin về lại không triển khai, giao phó hết cho cấp dưới...

Nói nôm na hơn là việc giải ngân đầu tư công đang bị ùn ứ ngay ở các địa phương, nơi mà trước đó lãnh đạo các tỉnh xin nhiều vốn của Trung ương mà không triển khai. Thủ tướng dẫn chứng: Hiện vốn đầu tư công đang tồn có 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD, đây là nhiệm vụ đặt ra rất lớn cho đất nước. Quá "sốt ruột" với tình trạng này, Thủ tướng đã phải yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát triển khai ngay các biện pháp để thúc đẩy nguồn "vốn mồi" này cho nền kinh tế. Nơi nào, ngành nào không làm tốt sẽ bị điều chuyển ngay và tinh thần là điều chuyển vốn ngay trong tháng 8.2020.

Hơn một tháng sau, ngày 21.8, tại Hội nghị giao ban trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo: Có 9 bộ, cơ quan Trung ương và 9 địa phương có văn bản đề nghị chuyển trả lại kế hoạch vốn để điều chỉnh cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương khác với tổng số vốn là 6.338 tỷ đồng. Có 52/53 bộ, cơ quan Trung ương và 63/63 địa phương có phương án phân bổ vốn ngân sách nhà nước năm 2020 tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, phân bổ vốn đầu tư công theo quy định của Luật Đầu tư công và các Nghị quyết của Quốc hội về ngân sách nhà nước năm 2020. Chỉ có 38 bộ, cơ quan Trung ương và 43 địa phương giao chi tiết hết 100% kế hoạch vốn cho các dự án; 5 bộ, cơ quan Trung ương và 15 địa phương giao chi tiết trên 90% cho các dự án; 9 bộ, cơ quan Trung ương và 5 địa phương giao chi tiết dưới 90% cho các dự án. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhận được đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020 của 7 bộ, cơ quan Trung ương và 31 địa phương với tổng số vốn là 13.509 tỷ đồng...

Như vậy có thể thấy, việc giải ngân vốn đầu tư công sẽ còn rất gian nan, khi quỹ thời gian còn lại của năm 2020 chỉ còn vỏn vẹn hơn 4 tháng nữa. Nếu thực hiện đúng theo tinh thần mà Thủ tướng nêu tại hội nghị này là "phải giải ngân hết số vốn còn lại ở các bộ, các ngành, địa phương mà nếu không làm việc đó thì cương quyết có chế tài kèm theo để xử lý vấn đề đến nơi đến chốn. Không thể nói mà không làm, không thể có tiền mà không tiêu được do sự chủ quan, việc tổ chức thực hiện kém" thì các bộ, ngành, địa phương phải "chạy nước rút" quyết liệt hơn nữa may ra mới có thể kịp. Và thực tế cho đến thời điểm này, chưa có bộ, ngành, địa phương nào cam kết có thể hoàn thành giải ngân trong năm nay.

Linh Trang