Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV:

Giảm thủ tục hành chính, bảo đảm quyền công dân

- Thứ Tư, 21/10/2020, 13:12 - Chia sẻ
Sáng 21.10, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ Mười, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội họp trực tuyến thảo luận về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu điều hành phiên họp

Tiếp thu, chỉnh lý tại 42 điều

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi)

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) lần này đã tiếp thu, chỉnh lý tại 42 điều, trong đó tập trung: làm rõ phạm vi điều chỉnh; chỉnh lý, bổ sung nội dung giải thích một số từ ngữ liên quan đến cư trú; rà soát các trường hợp quyền tự do cư trú cần bị hạn chế, việc bảo đảm thực hiện quyền tự do cư trú và hoạt động quản lý cư trú, các hành vi bị nghiêm cấm về cư trú; quy định cụ thể hơn quyền, nghĩa vụ của công dân về cư trú, nghĩa vụ của chủ hộ và thành viên hộ gia đình về cư trú; xác định rõ nơi cư trú của công dân, bổ sung, làm rõ nơi cư trú của một số đối tượng cụ thể, nơi cư trú của người không có nơi thường trú, nơi tạm trú; rà soát, chỉnh lý quy định về điều kiện đăng ký thường trú, quy định rõ từng loại hồ sơ tương ứng với từng nhóm đối tượng, điều kiện đăng ký thường trú; rút ngắn thời gian thụ lý và giải quyết thủ tục hành chính; đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ cho tổ chức và công dân, áp dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp, cập nhật thông tin về cư trú của công dân …

Không nên nặng về quản lý nơi cư trú

Về thủ tục đăng ký tạm trú (Điều 28), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, hiện nay có 2 loại ý kiến. Loại thứ nhất đề nghị tiếp tục quy định về thời hạn đăng ký tạm trú như Luật hiện hành tối đa là 2 năm để phân biệt với việc đăng ký thường trú. Người đăng ký tạm trú thường là những người chưa có ý định cư trú lâu dài, ổn định hoặc đăng ký cư trú vào những chỗ ở không có tính ổn định, lâu dài. Do đó, việc yêu cầu những người này đăng ký lại việc tạm trú của mình với cơ quan đăng ký cư trú là biện pháp để tăng cường hiệu quả quản lý cư trú, nắm chắc số liệu dân cư trên địa bàn. Đồng thời, đây cũng là giải pháp khuyến khích, thúc đẩy người dân chuyển sang thực hiện đăng ký thường trú tại chỗ ở đã đăng ký tạm trú khi đã có đủ điều kiện. Loại ý kiến này cũng đề nghị, cần bổ sung vào dự thảo Luật quy định về hồ sơ và thủ tục gia hạn tạm trú.

Các đại biểu tại hội trường Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV

Loại thứ hai tán thành với quy định như trong dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín. Cụ thể là không quy định về thời hạn tạm trú để giảm bớt thủ tục hành chính, tránh gây phiền hà cho người dân trong quá trình thực hiện quyền cư trú. Việc quản lý cư trú vẫn được bảo đảm thực hiện thông qua thông tin được khai báo, đăng ký trên Cơ sở dữ liệu về cư trú và qua các biện pháp nghiệp vụ, nắm địa bàn của cơ quan Công an ở địa phương. 

Đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành với các nội dung tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi). Nêu quan điểm về thủ tục đăng ký tạm trú (Điều 28), ĐBQH Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) đồng ý nên tiếp tục quy định về thời hạn tạm trú tối đa là 2 năm. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, việc quy định hồ sơ, thủ tục gia hạn tạm trú giống như với hồ sơ, thủ tục đăng ký tạm trú là chưa hợp lý vì thực chất, việc gia hạn không làm thay đổi địa điểm tạm trú đã đăng ký trước đó mà chỉ kéo dài thêm thời gian. Bà cũng đề nghị, cần xem xét nghiên cứu hình thức thủ tục gia hạn tạm trú đơn giản hơn thủ tục đăng ký tạm trú để bảo đảm sự nhanh gọn, thuận tiện cho người dân, ví dụ như phiếu gia hạn, đăng ký trực tiếp bằng điện thoại hay phương thức điện tử.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) phát biểu tại hội trường

Tranh luận về vấn đề này, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nêu ví dụ, người cao tuổi Australia sinh sống ở Melbourne bang Victoria đến mùa đông chuyển lên sống ở bang Queensland gần mạn xích đạo có thời tiết ấm áp hơn. Tại Việt Nam cũng có 4 mùa và hiện nay có những nhu cầu làm ăn sinh sống hay di chuyển để tránh những căn bệnh như hô hấp nhưng cũng có những người mỗi mùa sinh sống ở một nơi khác nhau. Do đó không nên quá nặng nề vấn đề quản lý nơi cư trú mà nên tập trung vào quyền cư trú công dân. Bởi quản lý nơi cư trú là một trong những biện pháp quản lý phù hợp với giai đoạn trước đây, còn hiện nay, phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Hồ Long