Giám sát việc thực hiện Luật Du lịch tại Bình Thuận

- Thứ Tư, 05/05/2021, 23:24 - Chia sẻ
Ngày 5.5, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Văn Tuyết làm trưởng đoàn, đã làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận về việc thực hiện Luật Du lịch 2017.

Du lịch hiện được xác định là một trong 3 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của Bình Thuận (gồm công nghiệp, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao), với hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại. Du lịch phát triển đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của Bình Thuận; xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân ở các vùng du lịch; gìn giữ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, các tài nguyên thiên nhiên...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Nguyễn Văn Tuyết phát biểu tại buổi làm việc
Ảnh: Phạm Huệ

Bình Thuận đã phát triển những sản phẩm du lịch đa dạng, có chất lượng cao dựa trên thế mạnh về biển và những tài nguyên du lịch khác. Loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển của Bình Thuận có sức cạnh tranh cao so với các tỉnh, thành phố ven biển trong nước, thu hút mạnh cả khách nội địa và khách quốc tế.

Trong giai đoạn 2017 - 2019, du lịch Bình Thuận tăng bình quân 11,7%/năm (năm 2019 đón trên 6,4 triệu lượt khách, tăng gần 1,3 triệu lượt khách so với năm 2017). Tuy nhiên, năm 2020, dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng tới ngành du lịch của tỉnh với sự sụt giảm mạnh về lượng khách lẫn doanh thu.

Về thực hiện Luật Du lịch 2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1686/KH-UBND ngày 7.5.2020 về việc triển khai thực hiện Đề án “Định hướng phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; Quyết định số 04/2020/QĐ-UBND ngày 22.1.2020 quy định quản lý các khu du lịch, điểm du lịch, bãi tắm du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; Quyết định số 2808/QĐ-UBND ngày 1.11.2019 về Quy chế quản lý phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né; Quyết định số 2908/QĐ-UBND ngày 26.10.2018 phê duyệt Quy hoạch Khu du lịch Phú Quý đến năm 2030. UBND tỉnh đã triển khai lập hồ sơ và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận tại Quyết định số 2354/QĐ-BVHTTDL ngày 24.8.2020… Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tham mưu đề án phân cấp quản lý cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh; Đề án đào tạo bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2030.

Tuy nhiên, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận cũng nêu thực tế, sau 3 năm Luật Du lịch có hiệu lực, đến nay chưa có quy định mô hình quản lý khu du lịch quốc gia, gây khó khăn cho tỉnh trong quản lý Khu du lịch quốc gia Mũi Né, đặc biệt là việc thành lập ban quản lý khu du lịch quốc gia, cơ chế hoạt động. Bên cạnh đó, Bình Thuận kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có kế hoạch, chiến lược, đầu tư kinh phí hỗ trợ xúc tiến, quảng bá các khu, điểm du lịch quốc gia đã được công nhận; phân bổ nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ đầu tư hạ tầng du lịch theo hướng tập trung, có trọng điểm, tạo điều kiện cho Bình Thuận nhanh chóng đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu du lịch quốc gia Mũi Né nói riêng và du lịch Bình Thuận nói chung…

Hương Linh