Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021:

Giám sát từ xa, từ sớm, bảo đảm hiệu quả gói phục hồi kinh tế

- Chủ Nhật, 05/12/2021, 14:08 - Chia sẻ
Phát biểu tại Phiên toàn thể - Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 sáng nay, 5.12, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Đặng Hồng Anh cho rằng, từ bài học kinh nghiệm trong triển khai gói kích cầu đầu tư kinh tế năm 2008, 2009, khi triển khai gói phục hồi kinh tế trong thời gian tới cần tăng cường giám sát việc thực thi chính sách, theo phương châm từ sớm từ xa, để bảo đảm hiệu quả cao nhất.

Hiện nay, Chính phủ đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và sinh kế của người dân. Chính phủ cũng đang soạn thảo gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, xem xét điều chỉnh chính sách tài khóa, tiền tệ theo hướng linh hoạt, phục hồi nền kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, theo ông Đặng Hồng Anh, chúng ta còn nhớ bài học từ gói kích cầu 2008 - 2009, với quy mô 122 nghìn tỷ đồng, tương ứng với 69 tỷ USD, riêng năm 2009 chúng ta tập trung thực hiện 106 nghìn tỷ đồng, tương đương với 5,7 tỷ USD, tương đương 4,6% GDP. Gói kích cầu đã giúp đất nước vượt qua khủng hoảng và là một trong số ít nước có tăng trưởng dương.

Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Đặng Hồng Anh phát biểu tại Diễn đàn
Ảnh: Lâm Hiển

Theo ông Đặng Hồng Anh, dù gói kích cầu đầu tư giúp nền kinh tế vượt qua khủng hoảng khi đó, nhưng cũng tạo hệ lụy to lớn cho phát triển. Tuy chính sách đúng đắn nhưng thực hiện thiếu đồng bộ, thiếu giám sát, gây thất thoát, tiêu cực, thậm chí là tác dụng ngược và không đến đúng đối tượng. Nguyên nhân chính là do thiếu một cơ chế kiểm soát tốt trong quá trình triển khai, thiếu sự phối hợp, trao đổi giữa khu vực doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp và các cơ quan chủ thể thực hiện chính sách kích cầu. Cho nên, khi thực hiện hỗ trợ quy mô lớn, dòng tiền ít chảy vào sản xuất, mà chảy vào chứng khoán, đầu cơ bất động sản. Hậu quả là lạm phát tăng cao, gây bất ổn kinh tế vĩ mô, kiềm hãm sự phát triển kinh tế.

Từ bài học kinh nghiệm nêu trên, Hiệp hội Doanh nhân trẻ Việt Nam kiến nghị, Quốc hội cần tập trung tăng cường giám sát thực thi chính sách kích cầu kinh tế sắp tới, theo phương châm "từ xa, từ sớm". Giám sát chính sách từ xa, từ sớm là mô hình tiên tiến nhất hiện nay. Việc giám sát chính sách theo phương châm khoa học, toàn diện, xuyên suốt, bắt đầu ngay từ khâu xây dựng chính sách. Việc giám sát, đánh giá hiệu quả được diễn ra song song trong quá trình triển khai thực hiện. Cách làm này phù hợp với chính sách kích cầu kinh tế, bởi nó cho phép chính sách được cập nhật, điều chỉnh kịp thời khi gặp vướng mắc, vấn đề phát sinh trong thực tiễn, tránh "sự đã rồi", hay bất cập không được giải quyết trong quá trình triển khai, gây gián đoạn, làm giảm hiệu quả chính sách.

Đồng thời, phương pháp tiếp cận từ xa, từ sớm cũng giúp nâng cao tính thực tiễn, tính đại diện của chính sách thông qua cơ chế tham vấn, vào cuộc giám sát, phối hợp thực hiện của các đối tượng thụ hưởng như doanh nghiệp và các tổ chức đoàn thể xã hội. Qua đó, bảo đảm hiệu quả cao nhất trong việc đưa chính sách đi vào cuộc sống của người dân.

Trên thực tế, mô hình giám sát từ xa, từ sớm của Quốc hội đã và đang được áp dụng rộng rãi tại các quốc gia phát triển trên thế giới như Anh, Pháp, Australia… Số lượng chính sách được áp dụng cơ chế song kiểm này ngày càng tăng và đã chứng minh hiệu quả. Do vậy, Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam bày tỏ mong muốn được phối hợp với các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế thực hiện một chương trình hỗ trợ Quốc hội triển khai mô hình giám sát chính sách từ xa, từ sớm, nhằm bảo đảm hiệu quả cao nhất cho gói chính sách kích cầu kinh tế vượt qua suy thoái kinh tế do đại dịch Covid - 19 gây ra.

Ông Đặng Hồng Anh cũng đặt một câu hỏi với Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế: Trong nhiều đề xuất chính sách được các chuyên gia đề nghị tại Tọa đàm cấp cao sáng nay, theo ông, chính sách nào hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững trong thời gian tới?.

Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn phát biểu
Ảnh: Lâm Hiển

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho biết, doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với những vấn đề lớn hơn - những thách thức toàn cầu, đó là tác động nghiêm trọng của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, cạnh tranh giữa các nước lớn, chứ không chỉ là những vấn đề liên quan trực tiếp trong hoạt động đầu tư kinh doanh, như cạnh tranh giữa các sản phẩm, dịch vụ, ngành hàng.

Trong bối cảnh đó, ông Đậu Anh Tuấn nêu rõ, cộng đồng doanh nghiệp đã có xu hướng sẵn sàng thay đổi. Trước ảnh hưởng của dịch bệnh, các ngành hàng đã cơ cấu lại. Doanh nghiệp thay đổi cách thức kinh doanh, thực hiện chuyển đổi số… Doanh nghiệp cũng có xu hướng thích ứng tốt hơn, không chỉ trong bối cảnh dịch bệnh mà còn trước tác động của biến đổi khí hậu.

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong 5 quốc gia hàng đầu thế giới dễ bị tác động, dễ bị tổn thương bởi biến đối khí hậu. Những năm vừa qua, xu hướng bảo hộ trên thế giới gia tăng rất rõ nét, do vậy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chuyển hướng quan tâm hơn tới thị trường trong nước. Thị trường trong nước có lợi thế, được nhiều chuyên gia và doanh nghiệp đánh giá là hấp dẫn hơn nhờ tính ổn định, tăng trưởng liên tục, đặc biệt thu nhập trong nước ở mức trung bình khá.

Cùng với xu thế trên thế giới về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, doanh nghiệp trong nước có xu hướng trở nên “xanh” hơn. Tại hội nghị của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 26), các nhà lãnh đạo thế giới đã đưa ra cam kết mạnh mẽ và tham vọng về giảm phát thải khí nhà kính. Cùng với đó, các chính sách, chủ trương quan trọng của Đảng, Nhà nước ta về hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 theo hướng tạo thuận lợi, dễ dàng, nhanh chóng và xanh hơn; phát triển các mô hình kinh tế mới, khởi nghiệp sáng tạo, cung cấp dịch vụ công, quản lý và bảo vệ môi trường; ưu tiên cấp vốn tín dụng cho các dự án xanh…

Cũng theo ông Đậu Anh Tuấn, xu hướng hiện nay là môi trường kinh doanh cũng hướng đến quan tâm tới con người nhiều hơn.

Thanh Hải