ĐBQH Phúc Bình Niê Kdăm (Đắk Lắk)

Giám sát kịp thời không phát sinh “điểm nóng”

- Thứ Sáu, 08/10/2021, 14:22 - Chia sẻ
Ủy ban MTTQ là cơ quan phối hợp tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri (TXCT) của ĐBQH và đại biểu HĐND; thực hiện tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, đồng thời giám sát việc giải quyết, trả lời của cơ quan Nhà nước đối với những vấn đề cử tri và nhân dân đã kiến nghị. Báo điện tử Đại biểu Nhân dân trao đổi với đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk PHÚC BÌNH NIÊ KDĂM về thực hiện công tác trên tại địa phương…

- Xin bà cho cho biết công tác tổ chức TXCT và giám sát việc trả lời của các cơ quan chức năng thời gian qua của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk?

- Xác định TXCT là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của đại biểu dân cử, giúp cho đại biểu Quốc hội, HĐND và Ủy ban MTTQ các cấp nắm bắt tình hình, nguyện vọng, tâm tư của cử tri, cũng như thống nhất kiến nghị để các cơ quan chức năng giải quyết. Vì vậy trước và sau mỗi kỳ họp, ĐBQH và HĐND các cấp, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đều chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức TXCT, trong đó MTTQ đóng vai trò chủ trì. Sau các đợt TXCT, trên cơ sở các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, Ban Thường trực các cấp tiếp tục tổng hợp chuyển đến các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết, trả lời. Đồng thời chủ động bám sát, theo dõi, giám sát việc trả lời của các cơ quan chức năng liên quan đến các nội dung mà cử tri phản ánh. Nếu chưa thấy xác đáng sẽ tiếp tục kiến nghị bằng văn bản tại các kỳ họp HĐND để các cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm trả lời cử tri.

ĐBQH Phúc Bình Niê Kdăm trong một hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đắk Lắk
ĐBQH Phúc Bình Niê Kdăm trong một hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đắk Lắk

Trong 5 năm qua Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp tổ chức 142 cuộc TXCT của đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, tổng hợp chuyển đến các cơ quan chức năng liên quan 2.282 ý kiến; đồng thời đã tiếp nhận được trên 60% ý kiến trả lời cử tri của các cơ quan chức năng.

- Như vậy, chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk và các đơn vị, cơ quan liên quan khá quan trọng và phải được thực hiện khoa học, bài bản để giải quyết khiếu nại, kiến nghị của công dân, phải không thưa bà?

- Những năm gần đây, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn Đắk Lắk diễn biến khá phức tạp, chủ yếu liên quan đến các dự án phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, chính sách đất đai, thực hiện chính sách an sinh xã hội…

Để góp phần cùng với các cơ quan làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, kiến nghị của công dân, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng thông qua Quy chế phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh, Quy chế phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh. Định kỳ hàng tháng Ban Thường trực đều được mời tham gia công tác tiếp công dân do HĐND, UBND tỉnh và Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức; thường xuyên tham gia các cuộc đối thoại với công dân do UBND tỉnh tổ chức; tham gia các đoàn công tác tổ chức đối thoại để giải quyết khiếu nại, kiến nghị của công dân…. phối hợp với Thanh tra, Sở Tư pháp, Hội Luật gia và Đoàn Luật sư tỉnh để phát huy vai trò giám sát của mình trong công tác tiếp công dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tham gia giải quyết các khiếu nại, kiến nghị, tố cáo của MTTQ vẫn còn những hạn chế, nhất là trong việc giám sát việc xử lý, giải quyết của các cơ quan chức năng đối với các đơn thư khiếu nại, kiến nghị, tố cáo do MTTQ chuyển đến ít được trả lời theo đúng thời gian quy định, do chưa có chế tài xử lý trách nhiệm rõ ràng.

- Hoạt động nắm bắt tình hình dư luận nhân dân, tiếp xúc đối thoại với cộng đồng dân cư ở cơ sở có góp phần tháo gỡ bức xúc, hạn chế để xảy ra điểm nóng tại các địa phương, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn không, thưa bà?

- Công tác nắm bắt và định hướng dư luận xã hội là một nội dung trọng yếu trong công tác tư tưởng của Đảng. Việc nắm bắt, định hướng dư luận xã hội góp phần giúp cấp uỷ, chính quyền các cấp kịp thời có những biện pháp cụ thể trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Thực tiễn cho thấy ở nơi nào có sự quan tâm của hệ thống chính trị trong việc chủ động nắm bắt tình hình dư luận nhân dân, nhất là những dư luận của nhân dân ngay từ cơ sở, từ ban đầu và được phản ánh đến các cơ quan liên quan để kịp thời xem xét xử lý, tháo gỡ thì sẽ ít xảy ra điểm nóng tại các địa phương, đảm bảo an ninh trật tự.

Ban Tiếp dân Trung ương kiểm tra công tác tiếp công dân tại Đắk Lắk
Ban Tiếp công dân Trung ương kiểm tra công tác tiếp công dân tại Đắk Lắk

- Thưa bà, để hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam tỉnh và các cơ quan tư pháp trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại địa phương thật sự chất lượng và hiệu quả hơn, cần lưu ý những vấn đề gì?

- Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cần đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc trao đổi, cung cấp thông tin về tình hình tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phối hợp giải quyết, xử lý kịp thời những vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp. Thường xuyên tiến hành giám sát hoạt động giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của các cơ quan nhà nước. Qua giám sát sẽ phát hiện, chỉ ra, góp ý cho các cơ quan về những vấn đề còn tồn tại, thiếu sót (nếu có) và tăng cường hơn nữa các giải pháp tích cực để góp phần giải quyết kịp thời, có hiệu quả đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, đảm bảo đúng quy định pháp luật. Bên cạnh đó tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân tới các cơ quan nhà nước để giải quyết và giám sát việc giải quyết. Phát huy vai trò của Tổ hòa giải ở khu dân cư nhằm giải quyết dứt điểm các mâu thuẫn, tranh chấp ban đầu ngay tại địa phương. Thực hiện hiệu quả hơn nữa việc phối hợp tổ chức đối thoại và tái đối thoại với nhân dân khi cần thiết. Đảm bảo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng quy định pháp luật, hạn chế tối đa tình trạng đơn giải quyết tồn đọng kéo dài, quá hạn và vượt cấp.

- Xin cám ơn bà!

Nam Anh