Giám sát chặt từ cơ sở

- Thứ Sáu, 11/09/2020, 05:23 - Chia sẻ
Trong khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, người chăn nuôi tại nhiều địa phương lại phải tiếp tục đối mặt với dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng, lợn tai xanh, dịch tả lợn châu Phi. Nếu để dịch trên đàn vật nuôi bùng phát, chắc chắn sẽ gây nên những hệ lụy kép, tác động trực tiếp đến tăng trưởng của ngành nông nghiệp cũng như đời sống nông dân.

Tại Hội nghị phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản mới đây, Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, từ nay đến cuối năm 2020, nhiệm vụ hàng đầu đối với ngành chăn nuôi là duy trì sản xuất, tăng nguồn cung phục vụ thị trường, góp phần ổn định giá cả các mặt hàng thực phẩm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm nguy cơ dịch bệnh diễn biến phức tạp bởi thời tiết thay đổi ảnh hưởng lớn đến sức khỏe đàn vật nuôi. Hơn nữa việc vận chuyển giữa các địa phương tăng cao để phục vụ nhu cầu cuối năm, giết mổ nhỏ lẻ còn phổ biến, mầm bệnh còn lưu hành nhiều ở môi trường.

Đến nay cả nước còn 5 ổ dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày. So với cùng kỳ năm ngoài, số ổ dịch tăng 2 lần và số gia cầm bị dịch phải tiêu hủy cao hơn 2,8 lần. Với dịch tả lợn châu Phi, hiện cả nước còn 199 xã thuộc 72 huyện của 19 tỉnh, thành phố có dịch chưa qua 21 ngày, với số lợn tiêu hủy luỹ kế là 8.923 con. Các ổ dịch lở mồm long móng, lợn tai xanh… vẫn xảy ra nhỏ lẻ ở các địa phương. Nếu lơ là chủ quan, dịch bệnh rất có thể “thổi bay” thành quả tăng trưởng đạt 6,7% của ngành chăn nuôi trong 8 tháng - mức tăng trưởng cao nhất trong lịch sử ngành.

Thực tế việc bùng phát cúm gia cầm vừa qua cho thấy đa phần do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không tiêm vaccine đầy đủ. Công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi tại một số địa phương còn nhiều bất cập. Công tác chủ động giám sát, phát hiện dịch bệnh còn rất hạn chế, nhiều nơi chưa nắm bắt kịp thời, chậm báo cáo tình hình dịch bệnh. Việc xử lý các ổ dịch chưa được thực hiện triệt để, chưa bảo đảm đúng yêu cầu kỹ thuật. Việc tổ chức tiêm phòng vaccine cho đàn vật nuôi, nhất là tiêm phòng bao vây ổ dịch còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu chống dịch. Trong lúc đó, việc quản lý các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ và hành nghề thú y tự do thiếu chặt chẽ hoặc còn bị buông lỏng...

Để bảo vệ thành quả ngành chăn nuôi, trong bối cảnh này đòi hỏi các địa phương tăng cường hoạt động quản lý chuyên ngành công tác thú y, coi “phòng là chính”. Cùng với việc tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người chăn nuôi về những dịch bệnh nguy hiểm, phải quyết liệt trong chỉ đạo lực lượng thú y cơ sở chủ động phát hiện sớm, cảnh báo ổ dịch nghi ngờ và xử lý dứt điểm, không để lây lan diện rộng. Để làm được điều này, đòi hỏi các địa phương phải chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch trên gia súc, gia cầm một cách hết sức cụ thể về nhân lực, kinh phí, phương tiện, dụng cụ, hóa chất... có thể ứng phó kịp thời khi dịch xảy ra; đồng thời phòng, chống dịch lây lan từ bên ngoài vào địa bàn.

Đặc biệt, việc tổ chức giám sát phải thực hiện ngay từ cơ sở, tới từng hộ chăn nuôi; trong đó ưu tiên phòng các bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng, tai xanh và những bệnh có nguy cơ cao. Mặt khác, các địa phương cần triển khai mạnh mẽ các giải pháp quản lý việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kiểm dịch. Đẩy mạnh hoạt động giám sát dịch bệnh tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, đặc biệt là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư trên địa bàn.

Về phía người chăn nuôi cần tuân thủ các quy định và chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; chủ động khai báo với chính quyền địa phương, nhân viên thú y khi phát hiện gia súc, gia cầm bị bệnh, chết bất thường để chính quyền có biện pháp xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan rộng ra cộng đồng. Chỉ khi có sự tuân thủ của người dân và sự chủ động giám sát, phòng chống dịch bệnh ngay từ cơ sở của cơ quan quản lý, nguy cơ dịch bệnh “kép” mới được đẩy lùi. Đó là cách duy nhất “để ngành chăn nuôi đóng góp chính, bền vững cho nông nghiệp” như lời Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường từng nói.

Duy Anh