Giảm gánh nặng trên vai nông dân

- Thứ Hai, 08/03/2021, 06:33 - Chia sẻ

Giá phân bón tăng đột biến từ cuối năm 2020 đến nay, đặc biệt là sản phẩm DAP, một loại phân vô cơ dễ hấp thu cho cây trồng. Trong những ngày đầu tháng 3 này, giá nhập khẩu phân bón DAP Trung Quốc về Việt Nam có lúc chạm mức 16 triệu đồng/tấn, tăng hơn 6 triệu đồng/tấn so với tháng 11 năm ngoái. Trên thị trường, giá các loại phân DAP sản xuất trong nước (của Nhà máy DAP Lào Cai và Nhà máy DAP Đình Vũ thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) cũng tăng gần 2 triệu đồng/tấn lên mức 10,4 triệu đồng/tấn. Ngại giá cao quá khó bán, nhiều doanh nghiệp cũng chùng chình, không dám nhập hàng về.

Tình cảnh ấy khiến nông dân đứng ngồi không yên bởi mùa vụ hè thu đang đến gần, nhu cầu sử dụng DAP cho sản xuất nông nghiệp rất lớn, khoảng 1 triệu tấn/năm và 60 - 70% số đó phải nhập khẩu.

Để giảm bớt áp lực lên chi phí sản xuất của nông dân, một doanh nghiệp đã đề nghị Thủ tướng và Bộ Công thương tạm ngưng áp thuế tự vệ với phân DAP nhập khẩu. Trước đó, từ tháng 3.2018, Bộ Công thương áp dụng biện pháp tự vệ chính thức với phân bón DAP và MAP, mức thuế trên 1 triệu đồng/tấn, như một cách bảo vệ các nhà máy sản xuất DAP trong nước, chủ yếu là DAP Đình Vũ và DAP Lào Cai.

Ai cũng hiểu giá nhập khẩu DAP đã cao, cộng thêm thuế tự vệ nữa thì cuối cùng gánh nặng chi phí gia tăng đều đổ lên vai nông dân, vốn là người sử dụng cuối cùng. Doanh nghiệp kinh doanh không chịu ảnh hưởng mấy vì họ mua cao sẽ bán giá cao, còn doanh nghiệp sản xuất DAP trong nước được đặt trước “cơ hội” tăng giá bán một cách "hợp lý".

Có thể việc áp thuế tự vệ đối với phân bón DAP nhập khẩu xuất phát từ yêu cầu hợp lệ của ngành sản xuất trong nước và được đưa ra sau một quá trình điều tra, đánh giá toàn diện tác động của các sản phẩm này tới thị trường Việt Nam; có thể biến động giá DAP gần đây chủ yếu do các yếu tố bên ngoài như sự tăng giá của một số nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển tăng cao... đúng như Bộ Công thương khẳng định. Tuy nhiên, ở góc độ khác, quyết định này ảnh hưởng xấu đến thu nhập của hàng triệu hộ nông dân, bởi dù là nước nông nghiệp nhưng Việt Nam vẫn chưa chủ động được nguồn phân bón mà phải nhập khẩu.

Tháng 3.2021 là thời hạn rà soát để xem xét việc gia hạn thuế tự vệ đối với phân bón nhập khẩu DAP và MAP. Đây là lúc Bộ Công thương phải phối hợp với Bộ NN - PTNT và các đơn vị liên quan để đánh giá một cách khách quan, tổng thể, từ đó đưa ra quyết định cuối cùng khách quan nhất và có lợi cho nông dân cũng như toàn xã hội.

Dù pháp luật hiện hành không có quy định về việc tạm thời hủy bỏ biện pháp tự vệ theo những biến động mang tính thời điểm thì với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công thương hoàn toàn có thể đề xuất ban hành để nâng cao hiệu quả điều hành. Trường hợp vẫn muốn giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, Bộ có thể tính đến các giải pháp khác không xung đột lợi ích với nông dân.

Hà Lan