Diễn biến phức tạp, khó lường
- Giá phân bón đã tăng cao nhất trong vòng 50 năm qua. Theo ông, đà tăng còn duy trì trong thời gian tới hay không?
- Do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 kéo dài làm thiếu hụt nguồn cung, đứt gãy chuỗi cung ứng, thị trường phân bón thế giới và trong nước liên tục tăng cao từ đầu năm 2021 đến nay, diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, sức cạnh tranh của hàng nông sản và đời sống nông dân. Nhiều quốc gia đã hạn chế xuất khẩu phân bón dưới các hình thức khác nhau để bình ổn, bảo đảm nguồn cung thị trường nội địa của họ. Đặc biệt, do chiến sự Nga - Ukraine nổ ra, kèm theo đó là hàng loạt biện pháp trừng phạt của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga càng tác động mạnh đến thị trường phân bón thế giới, trong đó có Việt Nam về giá và nguồn cung.
Thời gian tới, diễn biến thị trường phân bón dự báo còn rất phức tạp, khó lường, đặc biệt đối với phân Kali,do cả Nga và Belarus chiếm gần 50% lượng Kali cung cấp trên toàn thế giới,trong khi Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu đối với phân Kali.
- Gánh nặng chi phí sản xuất trên vai nông dân như thế nào khi giá phân bón tăng mạnh và dự kiến còn tăng, thưa ông?
- Phân bón là vật tư đầu vào quan trọng và chiếm tỷ trọng cao trong chi phí sản xuất nông nghiệp. Giá phân bón tăng cao làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, sức cạnh tranh của hàng nông sản và đời sống nông dân, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn do tác động của thiên tai, dịch bệnh kéo dài.
Các mặt hàng phân bón đồng loạt tăng cao kéo theo chi phí đầu vào tăng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến lợi nhuận của nông dân mà còn bào mòn nguồn lực đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.
Phân bón tăng giá là khó khăn, thách thức rất lớn với nông dân, tuy nhiên cũng là cơ hội để thay đổi tư duy, sử dụng phân bón tiết kiệm nhưng vẫn bảo đảm năng suất. Hiện nay, tình trạng sử dụng phân bón lãng phí vẫn xảy ra ở các địa phương làm tăng chi phí sản xuất, giảm sức cạnh tranh của hàng nông sản, ô nhiễm môi trường và gây mất cân bằng hệ sinh thái nông nghiệp.
Phát triển phân bón hữu cơ
- Theo ông, giải pháp nào giúp giảm gánh nặng chi phí sản xuất cũng như thay đổi tư duy, thói quen của nông dân về sử dụng phân bón?
- Như tôi đã nói, sản xuất nông nghiệp đang phải đối mặt với chi phí tăng cao do những biến động trên thế giới. Để giúp nông dân ứng phó chủ động, bền vững với tình hình này nhằm giảm bớt khó khăn, thiệt hại; đồng thời hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu thì giảm chi phí đầu vào thông qua các giải pháp kỹ thuật là một “mệnh lệnh”.
Theo đó, những giải pháp thay đổi quy trình sản xuất theo hướng tiết kiệm nguyên liệu vật tư, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ và tuần hoàn các phế phẩm nông nghiệp ở quy mô hộ, liên hộ, hợp tác xã cần được nhân rộng, trở thành phổ biến. Điều này cũng phù hợp với Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngành nông nghiệp sẽ phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả. Hướng đến nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ; sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người.
- Cục Bảo vệ thực vật đãtriển khai những giải pháp nàogiúp nông dân chủ động ứng phó với “bão giá” phân bón và giảm chi phí sản xuất, thưa ông?
- Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Cục Bảo vệ thực vật đã và đang thực hiện hàng loạt các giải pháp thúc đẩy người dân thay đổi phương thức canh tác, giảm chi phí đầu vào, phát triển phân bón hữu cơ…
Cụ thể, chúng tôi hướng dẫn địa phương sử dụng phân bón hợp lý, đúng cách, tiết kiệm, hiệu quả, cân đối, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ và các nguồn vật liệu hữu cơ để thay thế một phần phân bón vô cơ. Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI), gieo sạ né rầy, ứng dụng công nghệ sinh thái, chương trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, mô hình liên kết sản xuất. Chủ trì, phối hợp với các địa phương và tổ chức, cá nhân xây dựng mô hình sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối, hiệu quả; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng các mô hình điển hình trong sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, Cục Bảo vệ thực vật thường xuyên tổ chức tập huấn, truyền thông để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp và cán bộ quản lý địa phương trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón. Đồng thời, triển khai các giải pháp thúc đẩy sản xuất phân bón hữu cơ. Phối hợp các địa phương khuyến khích, hỗ trợ nông dân tự sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ từ nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước như phụ phẩm trồng trọt, chế biến nông sản, chất thải chăn nuôi, rác thải sinh hoạt…, từ đó giảm dần sự lệ thuộc phân bón vô cơ.
Tới đây, Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp này để giúp nông dân chủ động ứng phó với diễn biến giá phân bón, giảm chi phí sản xuất một cách bền vững, đồng thời hướng tới nền nông nghiệp bền vững, trách nhiệm và giá trị gia tăng cao thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh kéo dài.
- Xin cảm ơn ông!
Nhân rộng nhiều mô hình dùng phân bón tiết kiệm, cân đối, hiệu quả
Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung cho biết, có nhiều mô hình sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối, hiệu quả đã được cơ quan chuyên môn đánh giá cao và nhân rộng ở các địa phương.
Ví dụ, mô hình Canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long gắn với tiến bộ kỹ thuật “1 phải 5 giảm” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Công ty CP Phân bón Bình Điền triển khai giúp giảm lượng phân đạm 20% nhưng năng suất tăng 7% đạt 6 tấn/ha, lợi nhuận trung bình tăng 26%.
Với mô hình sử dụng phân bón tiết kiệm trên lúa tại An Giang do Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang thực hiện, lượng phân bón giảm 20,4% trong khi năng suất tăng 5,04% (đạt 8,34 tấn/ha), lợi nhuận tăng 18,8%.
Tại Quảng Trị, mô hình "Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ sử dụng phân bón hữu cơ" do Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm thực hiện không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế (năng suất đạt 57 tạ/ha, tăng hơn so với đại trà 10 - 15%), mà còn thay đổi nhận thức của người dân theo hướng không dùng phân bón hóa học, chỉ sử dụng phân hữu cơ vi sinh và khoáng chất kết hợp với phân chuồng, chế phẩm phân hủy gốc rạ…