Giải quyết triệt để vấn đề nhân sự trong công tác dân số

- Thứ Bảy, 10/04/2021, 16:12 - Chia sẻ
Theo nhận định của các chuyên gia, những năm gần đây, mặc dù nhiệm vụ đặt ra đối với công tác dân số đã rộng hơn so với giai đoạn trước, song, hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác dân số ở nước ta có nhiều biến động, biên chế giảm, chế độ chưa hợp lý, đào tạo chưa tương xứng yêu cầu. Mặt khác, cơ chế phối hợp liên ngành tại Trung ương không còn và tại địa phương chưa thực sự hiệu quả. Quyết định 496/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức bộ máy, mạng lưới và cơ chế phối hợp liên ngành làm công tác Dân số và Phát triển các cấp, vừa được ký ban hành, sẽ góp phần giải quyết những thách thức đó.

Giữ nguyên đội ngũ làm công tác dân số

Ổn định bộ máy làm công tác dân số là 1 trong 3 nội dung quan trọng được nêu trong Đề án. Theo đó, mô hình bộ máy làm công tác dân số và phát triển các cấp sẽ được giữ ổn định như hiện nay; đồng thời, bố trí 1 viên chức dân số thuộc trạm y tế xã, cộng tác viên dân số tại các thôn, bản, tổ dân phố.

Ở góc độ địa phương, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Quảng Ninh Hoàng Văn Hy cho biết, việc Chính phủ phê duyệt Đề án có ý nghĩa rất quan trọng, giúp định hình cho các địa phương về mô hình tổ chức bộ máy làm công tác dân số hiện nay. Nếu như trước đây, bộ máy tổ chức làm dân số thiếu đồng bộ và có tình trạng "trăm hoa đua nở" thì nay với Quyết định này, địa phương sẽ tạm dừng chuyện sáp nhập, sắp xếp bộ máy mà chờ thêm hướng dẫn từ Trung ương.

định tổ chức bộ máy giúp đội ngũ làm công tác dân số yên tâm hơn, tiếp tục gắn bó với công việc.
Ổn định tổ chức bộ máy giúp đội ngũ làm công tác dân số yên tâm hơn, tiếp tục gắn bó với công việc

Theo Quyết định 496/QĐ-TTg, để triển khai Đề án, các địa phương cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; tiếp tục quán triệt nội dung của Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới. Bên cạnh đó, các địa phương cần nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác dân số và phát triển từ Trung ương đến địa phương, đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện công tác dân số trong tình hình mới. Đồng thời, bảo đảm đủ nguồn lực đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện công tác dân số và phát triển; kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân số và phát triển các cấp

Còn theo Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) Lương Quang Đảng, Quyết định 496/QĐ-TTg có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với những người làm công tác dân số trên cả nước. Bởi lẽ, việc chia tách, sáp nhập hoặc xây dựng Đề án sáp nhập đã tạo nên những xung động về mặt tâm lý, gây dao động và ảnh hưởng đến tâm huyết của những cán bộ làm công tác dân số trên cả nước. Do đó, Quyết định được ban hành sẽ làm cho đội ngũ làm công tác dân số yên tâm hơn, vững vàng hơn về tổ chức bộ máy khi vẫn được giữ ổn định như hiện nay tại tất cả các cấp.

"Điều này có thể xóa bỏ một phần băn khoăn, trăn trở, lo lắng trước đây. Khi những người làm công tác dân số yên tâm, họ sẽ tiếp tục gắn bó, tâm huyết với nghề, từ đó đem lại hiệu quả cao trong công tác dân số ở địa phương", ông Đảng nhấn mạnh.

Phối hợp nhưng không phát sinh

Cùng với mục tiêu giữ nguyên đội ngũ làm công tác dân số, Quyết định cũng nêu rõ, căn cứ tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ, cần thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành, thành lập, kiện toàn tổ chức phối hợp liên ngành ở Trung ương và địa phương, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, không phát sinh tổ chức, biên chế. Ngoài ra, cần triển khai đội ngũ cộng tác viên dân số kiêm công tác gia đình và trẻ em tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thực hiện lồng ghép nhiệm vụ của cộng tác viên dân số với công tác gia đình và bảo vệ trẻ em.

Đối với 2 nội dung này, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Lạng Sơn chia sẻ, ngành Dân số Lạng Sơn đã "khuyết" một tổ chức liên ngành chỉ đạo công tác dân số ở Trung ương trong suốt hơn 10 năm qua (từ năm 2008), đã khiến công tác dân số gặp không ít khó khăn. Chính vì vậy, việc Đề án Nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức bộ máy, mạng lưới và cơ chế phối hợp liên ngành làm công tác dân số và phát triển các cấp, vừa được phê duyệt là một bước chuyển mình mới đối với công tác dân số và phát triển trong bối cảnh hiện nay.

Về kế hoạch triển khai Đề án, Tổng cục Dân số cho biết, sắp tới, Bộ Y tế sẽ có văn bản hướng dẫn đối với các địa phương về 3 nội dung căn bản của Đề án là giữ ổn định bộ máy tổ chức làm công tác dân số; tăng cường phối hợp liên ngành và triển khai đội ngũ cộng tác viên dân số kiêm gia đình và trẻ em. Đồng thời, Tổng cục cũng sẽ đưa ra các mục hướng dẫn về nhiệm vụ chuyên trách và kiêm nhiệm, để vừa đạt hiệu quả hoạt động vừa bảo đảm tinh gọn bộ máy, không phát sinh biên chế, tổ chức.

Dương lê