Giải quyết thách thức, sớm phục hồi kinh tế

- Thứ Năm, 10/09/2020, 05:46 - Chia sẻ
Tiếp tục chương trình nghị sự, hôm qua, Đại hội đồng lần thứ 41 Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA 41) tiến hành phiên họp tại 4 ủy ban, gồm Ủy ban Chính trị, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Xã hội và Ủy ban Tổ chức. Mỗi ủy ban có cách thức tiếp cận và chủ đề khác nhau, nhưng một điểm chung là, đại diện các Nghị viện thành viên AIPA đều biểu thị sự đồng lòng tiếp tục ủng hộ, tăng cường năng lực của ASEAN trong giải quyết các thách thức đang đặt ra cho khu vực, lấy người dân làm trung tâm, đặc biệt là ứng phó hiệu quả với đại dịch Covid-19.

Thúc đẩy hòa bình, an ninh và trật tự cấu trúc khu vực

Tại Ủy ban Chính trị, phát biểu của các Nghị viện thành viên AIPA tập trung thảo luận về chủ đề “Ngoại giao nghị viện vì hòa bình và an ninh bền vững trong ASEAN”. Trong đó, khẳng định các Nghị viện thành viên AIPA sẽ cùng cố gắng nỗ lực để thúc đẩy ngoại giao nghị viện và hợp tác, phối hợp giữa các quốc gia; giữa cơ quan lập pháp và hành pháp, vì hòa bình, an ninh và trật tự cấu trúc khu vực bảo đảm minh bạch dựa trên luật lệ lấy ASEAN làm trung tâm.

Các Nghị viện thành viên đồng tình với việc tiếp tục bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông, nhấn mạnh cần đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, đẩy mạnh hợp tác xây dựng lòng tin, sử dụng các biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hướng tới Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Đại diện các Nghị viện cũng khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ, tăng cường năng lực của ASEAN trong việc giải quyết các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, lấy người dân làm trung tâm, đặc biệt là ứng phó với đại dịch Covid-19. Các Nghị viện cũng bày tỏ đồng thuận với việc tăng cường nỗ lực để thực hiện ngoại giao nghị viện, trong đó có việc trao đổi về cách làm hiệu quả của các tổ chức trong khu vực và quốc tế, góp phần ổn định hòa bình và thịnh vượng chung.

Kiểm soát tốt đại dịch, phục hồi nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội

Tại các phiên họp của Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Xã hội, nhiều đại biểu nhất trí cho rằng, mặc dù không phải là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19, nhưng trong nhiều tháng qua, các nước ASEAN đã triển khai hàng loạt biện pháp riêng để kiểm soát đại dịch cũng như ứng phó với các tác động tới kinh tế của dịch bệnh. Trong đó, Việt Nam được đánh giá là một “điểm sáng” trong khu vực và trên thế giới khi đã và đang cơ bản kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực tới sức khỏe của người dân cũng như nền kinh tế.

Đương nhiên, nói như vậy, không có nghĩa khu vực ASEAN có thể chủ quan, hay bằng lòng với kết quả bước đầu đạt được trong phòng, chống đại dịch Covid-19. Bởi, đây không chỉ là cuộc khủng hoảng y tế đơn thuần, mà còn là cuộc khủng hoảng đối với sự phát triển khi các chuỗi cung ứng và thương mại quốc tế bị phá vỡ. Và, cùng với hậu quả của thiên tai và biến đổi khí hậu, việc thúc đẩy mở rộng các phản ứng và cơ chế khẩn cấp, cũng như bảo đảm mọi người dân được bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội là một nhiệm vụ quan trọng của quản lý mỗi quốc gia. Một trong những ưu tiên đang đặt ra là làm thế nào để mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, vaccine, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh, việc chẩn đoán sớm về các bệnh nguy hiểm và trang thiết bị y tế có chất lượng, để có giá cả phải chăng và công bằng. Đây được coi là những “tấm lá chắn” nhằm ngăn chặn, giảm thiểu rủi ro của đại dịch Covid-19 và các dịch bệnh nguy hiểm khác trong quá trình phát triển bền vững của mỗi nước và của cả cộng đồng ASEAN.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực Đông Nam Á sẽ giảm từ 4,4% năm 2019 xuống còn -2,7% trong năm 2020, trước khi phục hồi lên mức 5,2% vào năm 2021. Rõ ràng, cũng như nhiều nước trên thế giới, tác động của đại dịch Covid-19 đã gây cản trở rất lớn đến kinh tế các nước ASEAN, hoạt động thương mại nội khối và ngoại khối. Nhận thức rõ thách thức hiện hữu này, tại Ủy ban Kinh tế, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu đề cập và nhấn mạnh, đó là liên kết để thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi kinh tế của các nước thành viên ASEAN và việc triển khai tốt các hoạt động kinh tế số sẽ đóng vai trò quan trọng trong tăng cường liên kết kinh tế ASEAN cũng như sự sẵn sàng của ASEAN để ứng phó với các thách thức từ đại dịch.

Bày tỏ quan ngại sâu sắc về những tổn thất to lớn do đại dịch Covid-19 gây ra ở các quốc gia ASEAN, tại phiên họp của Ủy ban Kinh tế, Đoàn Việt Nam đề xuất và mong muốn Cộng đồng ASEAN thống nhất thực hiện một “chuỗi giải pháp mang tính đột phá, khả thi”. Trong số 6 chuỗi giải pháp Đoàn Việt Nam đưa ra, có những giải pháp nhận được sự chia sẻ, ủng hộ và cũng là mong muốn của không chỉ các quốc gia khu vực ASEAN. Đó là thúc đẩy nhanh việc trao đổi thông tin liên quan đến du lịch, sức khỏe và các biện pháp cần thiết khác để kiểm soát sự lây lan của đại dịch Covid-19; củng cố sự an tâm trong di chuyển, áp dụng các tiêu chuẩn an toàn và quy trình y tế hỗ trợ di chuyển xuyên biên giới của công dân ASEAN không bị gián đoạn, đồng thời tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn và y tế quốc tế cũng như các cam kết theo các hiệp định có liên quan giữa các nước thành viên ASEAN.

Với niềm tin và kỳ vọng về sự phục hồi kinh tế sau đại dịch, giảm thiểu sự phụ thuộc vào sự gián đoán và đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu, giải pháp được đánh giá là căn cơ và lâu dài hơn mà Đoàn Việt Nam đề xuất là thúc đẩy nhanh việc phê chuẩn các hiệp định, thỏa thuận thương mại trong khu vực; ưu tiên tăng cường các nỗ lực để hoàn tất đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trong năm 2020. Tăng cường năng lực, sự tham gia và đẩy mạnh giám sát nghị viện đối với việc thực hiện các cam kết về đầu tư và thương mại trong khuôn khổ khu vực và quốc tế, coi đây là công cụ chủ yếu để thúc đẩy liên kết kinh tế sâu rộng hơn trong Cộng đồng ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác khác.

Thành quả cho những nỗ lực làm việc tích cực, trách nhiệm tại Ủy ban Kinh tế là đại biểu đại diện các Nghị viện thành viên AIPA đã thống nhất, đoàn kết, đồng lòng ban hành Nghị quyết về “Vai trò của Nghị viện trong thúc đẩy gắn kết và Phục hồi kinh tế ASEAN”. Và tại Ủy ban Xã hội, trên tinh thần hữu nghị, đoàn kết và hợp tác, các đại biểu đã thảo luận và thông qua 3 nghị quyết, trong đó có Nghị quyết về “Nâng cao vai trò của AIPA trong việc hỗ trợ Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN ứng phó với đại dịch Covid-19”.

Hướng đến sự phát triển AIPA trong hiện tại và tương lai

Để AIPA tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ và phát huy vai trò của mình, thì việc xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Trong đó, Ủy ban Tổ chức chính là nơi các Nghị viện thành viên AIPA bàn bạc và thảo luận, từ đó đưa ra những quyết sách và định hướng phát triển cho tương lai. Tại Đại hội đồng lần này, Ủy ban Tổ chức đã thảo luận các nội dung liên quan đến tài chính, quan hệ với các đối tác của AIPA, kết nạp các quan sát viên mới, chuyển đổi Ban Thư ký AIPA, di dời trụ sở làm việc của Ban Thư ký AIPA… Đây đều là những nội dung quan trọng cho sự phát triển của tổ chức trong hiện tại và tương lai. Chia sẻ và ủng hộ quan điểm này, tại phiên họp, trên tinh thần truyền thống ASEAN về hữu nghị, thống nhất và hợp tác, các đại biểu đã thông qua 13 nghị quyết.

Trước đó, trong ngày làm việc đầu tiên, Hội nghị Nữ nghị sĩ AIPA 41 (WAIPA 41), các nữ nghị sĩ AIPA đã làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, thảo luận và thông qua Nghị quyết về “Thúc đẩy vai trò của Nữ nghị sĩ trong việc bảo đảm việc làm và thu nhập của lao động nữ”. Các nữ nghị sĩ AIPA tin tưởng, nghị quyết sẽ được thực thi trong thực tế nhằm đem lại bình đẳng giới trong lĩnh vực việc làm và thu nhập, tăng cường quyền năng về kinh tế, từ đó nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế và xã hội của các nước thành viên ASEAN.

Là hội nghị không chính thức và lần đầu tiên được tổ chức trên cơ sở sáng kiến của Quốc hội Việt Nam, Hội nghị của các nghị sĩ trẻ AIPA 41 đã cho kết quả cụ thể: Nhất trí thông qua Nghị quyết về sự tham gia của nghị sĩ trẻ AIPA vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN với sự đồng thuận cao từ đại diện các nghị viện thành viên AIPA.

Báo cáo kết quả các hội nghị và phiên họp các Ủy ban cùng các Nghị quyết được thông qua trong hai ngày qua sẽ được đệ trình Đại hội đồng AIPA 41 tại Phiên toàn thể thứ Hai diễn ra sáng nay.

Như vậy, qua hai ngày diễn ra Đại hội đồng AIPA 41, đã có 19 nghị quyết được thông qua, thể hiện quyết tâm, vai trò và trách nhiệm của Nghị viện các nước thành viên, vì một Cộng đồng ASEAN “gắn kết và chủ động thích ứng”. Vượt qua khoảng cách địa lý của phương thức làm việc trực tuyến, trong “không gian” thảo luận và làm việc thoải mái, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp để đạt được sự đồng thuận, góp phần xây dựng AIPA ngày càng phát triển. Và, dù với cách thức biểu đạt khác nhau, nhưng những quan điểm, đề xuất được các đại biểu chia sẻ, thảo luận tại các hội nghị và phiên họp của Ủy ban, đều thể hiện rất rõ mong muốn và kỳ vọng sẽ góp thêm những “viên gạch” để thúc đẩy gắn kết và phục hồi kinh tế ASEAN sau đại dịch Covid-19.

Những kết quả cụ thể đạt được tại Đại hội đồng AIPA lần này, cùng với chủ đề Năm Chủ tịch ASEAN 2020, biểu thị sự nhất trí, hưởng ứng kịp thời của AIPA và các Nghị viện thành viên AIPA đối với chính phủ và nhân dân các nước ASEAN trong việc vượt qua mọi khó khăn, thúc đẩy đoàn kết, hợp tác, vì một Cộng đồng ASEAN thịnh vượng và phát triển bền vững, lấy người dân làm trung tâm.

Anh Phương