Giải quyết những điểm yếu cố hữu

- Thứ Tư, 17/03/2021, 06:59 - Chia sẻ
Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu diễn ra vừa qua, GS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ đã thẳng thắn: 3 năm qua người dân đồng bằng sông Cửu Long chuyển đổi mạnh mẽ nhưng gặp khó khăn triền miên về đầu ra nông sản. Báo cáo của các bộ cũng chưa đề cập đến vấn đề này...

Dẫn chứng về điều này, ông Xuân cho biết, tại các vùng mặn ven biển, diện tích lúa - tôm tăng nhiều nhưng có tính tự phát, chưa có đầu tư tổng thể nên phong trào chuyển lúa sang trồng cây ăn trái khá nhiều nhưng làm rất lẻ tẻ. Bởi vậy tới đây trong quy hoạch cần định hướng vùng nào trồng cây gì trái gì. Cái chính lại là phải có quốc sách. Gắn nông dân với doanh nghiệp với thị trường. Nếu cứ sản xuất manh mún thì không thể giàu được.

Đây là thực tế không chỉ của riêng đồng bằng sông Cửu Long mà còn là thực trạng chung tại hầu hết địa phương trên cả nước, thể hiện rõ nhất qua các đợt "giải cứu" nhiều loại nông sản. Nguyên nhân khiến đầu ra của nông sản luôn "trắc trở" đã nhiều lần được chỉ ra mà trước tiên là công nghệ sản xuất lạc hậu, manh mún; khâu chế biến còn bị coi nhẹ, thậm chí còn tách khỏi thị trường. Tiếp đó là trình độ công nghệ chế biến mới chỉ ở mức độ trung bình; sản phẩm chế biến chủ yếu là sơ chế, giá trị gia tăng thấp.

Ngoài ra còn có nguyên nhân quan trọng khác là công tác nghiên cứu, dự báo, cung cấp thông tin thị trường hạn chế dẫn đến việc người sản xuất thiếu thông tin hoặc không được cung cấp thông tin kịp thời. Thiếu hướng dẫn, tư vấn, khuyến cáo của các cơ quan chức năng trong quá trình sản xuất nên người dân vẫn sản xuất hàng hóa theo phong trào hoặc tự phát, không có định hướng, chiến lược cụ thể.

Để khắc phục tình trạng này, ngành nông nghiệp đã đề ra nhiều giải pháp. Cụ thể như tiến hành rà soát, đánh giá tình hình thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành, sản phẩm. Đánh giá nhu cầu thị trường, điều chỉnh lại quy mô sản xuất cho phù hợp. Tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị khép kín, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, giảm bớt các khâu trung gian nhằm hạ giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, tập trung phát triển thị trường, các kênh phân phối; tìm kiếm, mở rộng thị trường, hạn chế phụ thuộc vào một thị trường. Điều quan trọng nữa là tạo mối liên kết bền chặt giữa nông dân và doanh nghiệp để xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị...

Nông nghiệp được coi là trụ đỡ của nền kinh tế. Và để có trụ đỡ đủ mạnh, những điểm yếu cố hữu của ngành như xuất khẩu sản phẩm thô, chưa tập trung đất đai để hình thành cánh đồng lớn, chưa có chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông nghiệp; tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu đồng bộ và trình độ khoa học, công nghệ thấp... cần sớm được giải quyết.

Đặc biệt, như ý kiến của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan thì cần xóa tình trạng mua mùa, bán mùa như hiện nay. Muốn vậy phải có thông tin minh bạch trong thị trường mua bán nông sản, từ đó mới biết được lĩnh vực nào trồng bao nhiêu, sản lượng thế nào là đủ chứ hiện nay "rối" quá...

Khánh Ninh