Giải pháp phục hồi du lịch

- Thứ Sáu, 24/12/2021, 10:48 - Chia sẻ
Đại dịch Covid-19 gây ra khủng hoảng y tế, dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu, trong đó ngành du lịch chịu tác động nặng nề nhất.

Các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển du lịch tại các quốc gia hiện nay đều lồng ghép trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung vào 6 nội dung chính là: Chính sách tài khóa (giãn, giảm thuế, phí, kích cầu, hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh tín dụng, cho vay trả lương…); chính sách tiền tệ (giãm lãi suất; giãn, giảm lãi, phí, cơ cấu lại nợ, tín dụng ưu đãi…); đào tạo, phát triển kỹ năng nghề nghiệp; phát triển thị trường; xã hội hóa nguồn vốn; và kích cầu, khởi động lại ngành du lịch. Nhiều quốc gia đã xây dựng và triển khai các giải pháp mạnh mẽ để phục hồi, phát triển du lịch, trong đó Malaysia có chính sách hỗ trợ ngành khá tốt và chi tiết, còn Thái Lan có chính sách mở cửa du lịch và dỡ bỏ hầu hết hạn chế kiểm soát dịch.

Để sớm đưa ngành du lịch Việt Nam phục hồi, phát triển xứng đáng vai trò ngành kinh tế mũi nhọn, các giải pháp cần nghiên cứu, xây dựng theo 2 bước: ngắn hạn nên tập trung cho quá trình phục hồi sau đại dịch; dài hạn tập trung cho các giải pháp khắc phục các hạn chế, tồn tại và phát triển ổn định, bền vững.

Đặc biệt, trong ngắn hạn, Chính phủ cần chỉ đạo thực hiện 7 giải pháp trọng tâm dưới đây.

Thứ nhất, tiếp tục triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, trong đó có ngành du lịch, phục hồi và thích ứng tình hình mới.

Thứ hai, kiểm soát dịch bệnh và thích ứng an toàn, hoàn thiện và sớm ban hành Chương trình phòng, chống dịch trong điều kiện mới, trong đó có các quy định hướng dẫn cụ thể về bảo đảm an toàn dịch bệnh của ngành du lịch. Các giải pháp kiểm soát và thích ứng dịch bệnh cần xem xét ở cả điểm du lịch và khách du lịch. Theo đó, cần nhanh chóng tăng độ phủ vaccine, đặc biệt tại các khu, điểm du lịch và thành phố lớn.

Thứ ba, triển khai đồng bộ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022 - 2023, trong đó cần ưu tiên cụ thể hơn với ngành du lịch và các lĩnh vực liên quan. Để quá trình phục hồi và phát triển bền vững, ngành du lịch có thể xem xét thành lập Hội đồng phục hồi du lịch nhằm tăng kết nối, phối hợp chính sách do du lịch là lĩnh vực đa ngành, liên ngành; chuẩn bị các kế hoạch dự phòng khủng hoảng để chủ động ứng phó khi xuất hiện diễn biến phức tạp, bất ngờ.

Thứ tư, khuyến khích phục hồi du lịch nội địa ngay dịp Tết và đầu năm 2022, có lộ trình mở cửa du lịch quốc tế an toàn, có thỏa thuận mở cửa biên giới với các quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm thấp, nghiên cứu áp dụng các mô hình như “bong bóng du lịch”, “làn xanh du lịch”. Đồng thời, xem xét mở cửa đường bay quốc tế hai chiều đi - đến các điểm, quốc gia an toàn trong điều kiện cho phép; có chương trình kích cầu du lịch nội địa cụ thể; ban hành quy định, quy trình hướng dẫn khách đi lại, xuất nhập cảnh, cách ly (nếu có) ở mức phù hợp nhất.

Thứ năm, triển khai chứng nhận, hộ chiếu vaccine là chìa khóa để đưa xã hội trở lại trạng thái bình thường mới. Quá trình áp dụng hộ chiếu vaccine nên thực hiện theo từng bước và gắn với số hóa. Trước tiên, nên áp dụng hộ chiếu vaccine cho những quốc gia an toàn dịch bệnh, các chuyến bay thuê bao trọn gói với chương trình du lịch khép kín (như du lịch Phú Quốc, Hội An, Hạ Long…). Quá trình áp dụng hộ chiếu vaccine cần được thực hiện linh hoạt theo diễn biến kiểm soát dịch bệnh tại các quốc gia điểm đến để điều chỉnh kịp thời nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh, đặc biệt với những biến chủng mới nguy hiểm và khó kiểm soát.

Thứ sáu, thu hút lao động du lịch trở lại làm việc. Chính phủ nghiên cứu áp dụng chính sách an sinh xã hội theo hướng hỗ trợ tiền thuê nhà và đào tạo. Doanh nghiệp cần xây dựng và công bố các kế hoạch dự phòng; các cam kết, chính sách hỗ trợ, sử dụng lao động; chính sách, điều kiện làm việc an toàn, bảo đảm sức khỏe cho người lao động khi dịch bệnh diễn biến phức tạp theo từng cấp độ để người lao động yên tâm làm việc. Bên cạnh chính sách thu hút lao động thông qua cơ chế thu nhập, phúc lợi, doanh nghiệp cũng cần xây dựng chính sách cải thiện môi trường làm việc, hỗ trợ một phần chỗ ở, ổn định tâm lý để người lao động sớm thích nghi trong điều kiện bình thường mới; có hướng dẫn chi tiết làm việc từ xa. Chính phủ có chính sách thúc đẩy hoạt động đào tạo và hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo cho quản lý, nhân viên du lịch trong bối cảnh mới.

Thứ bảy, doanh nghiệp du lịch cần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, thiết kế sản phẩm, dịch vụ du lịch phù hợp, đào tạo nhân viên du lịch phục vụ trong điều kiện thích ứng an toàn, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu mới của khách hàng và yêu cầu của cơ quan chức năng trong và sau đại dịch.

Đồng thời, về dài hạn, Chính phủ cần sớm ban hành Chiến lược phục hồi và phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, như là một cấu phần của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Ngành du lịch đã làm được nhiều việc thời gian qua, nhưng còn nhiều tiềm năng và rất nhiều việc phải làm để có thể thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phục hồi nhanh và phát triển bền vững.

TS. Cấn Văn Lực